Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng |
Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng uy nghi, trang nghiêm tọa lạc ngay cạnh sông Cầu Sông thuộc địa phận thôn Tân Long – xã Việt Xuyên – huyện Thạch Hà – tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 15Km về hướng Tây và cách thành phố Vinh 45km theo hướng Bắc. Đây là công trình của tuổi trẻ cả nước và nhân dân tỉnh nhà nhằm tri ân sự hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng – người đoàn viên TNCS đầu tiên.
Khâm phục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường, lý tưởng sống cao đẹp, sự hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và để tri ân sự nghiệp cách mạng của anh, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh cùng tuổi trẻ cả nước góp sức xây dựng Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng ngay chính trên quê nhà Việt Xuyên.
Ngôi nhà nằm trong Khu tưởng không khác nào lán tạm của công nhân |
Đây là công trình văn hóa lịch sử mang tầm vóc Quốc gia, với diện tích gần 5 ha, được thiết kế thành hai khu vực, bao gồm các hạng mục: mộ anh hùng Lý Tự Trọng, nhà tưởng niệm, nhà điều hành, nhà văn hóa và nhà dịch vụ…
Vậy nhưng, thời gian gần đây khi công trình cầu khe Sông đi vào thi công, không biết vì sao một số công nhân tại công trường này được dọn vào ở tại một khu nhà phía Bắc thuộc khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng. Thậm chí họ còn sử dụng khuôn viên làm nơi tập kết vật liệu xây dựng như đá, cát, sắt thép…và dùng làm bãi đúc các cấu kiện bê tông, gây mất mỹ quan và tính trang nghiêm của một khu di tích văn hóa lịch sử, gây bất bình trong dư luận.
Ngày 15.8, có mặt tại khu tưởng niệm để xác minh thông tin trên, chúng tôi ghi nhận thông tin người dân sống quanh đó phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng nhếch nhác, màn chiếu, bát ăn cơm, nồi niêu…, thậm chí là máy móc phục vụ thi công công trình như xe cò, máy trộn bê tông, máy đầm, nhìn khu này có cảm tưởng như một khu nhà lán ở tạm của công nhân.
|
|
Khu tưởng niệm giống như một đại công trường |
Trong lúc đang tìm hiểu, chúng tôi gặp một người đàn ông khoảng ngoài 60 tuổi, tên Lợi, tự xưng là bảo vệ khu tưởng niệm. Ông này thừa nhận là cho công nhân làm tại công trường cầu khe Sông cách đó khoảng 100m thuê làm nơi ăn ở, nhưng không biết vì lý do gì một lúc sau ông Lợi lại bảo là BQL khu tưởng niệm cho công nhân mượn ở.
Để làm rõ vấn đề vì sao khu tưởng niệm lại biến thành nơi ăn ở, sinh hoạt, bãi tập kết vật liệu và làm bãi đúc các cấu kiện bê tông của công trình, chúng tôi đã có trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến Sơn – Trưởng BQL khu tượng niệm, ông Sơn thừa nhận những gì PV phản ánh là đúng sự thật, việc công nhân ăn ở trong đó là Ban quản lý cho họ mượn tạm vài ngày và sẽ yêu cầu họ dọn đi ngay.
Nhiều vị trí đường nội bộ, mương thoát nước trong khu tưởng niệm đã bị nứt nẻ |
Đến ngày 17.8, chúng tôi trở lại khu tưởng niệm và hầu như mọi thứ vẫn không có gì thay đổi, quần áo, chăn màn, bếp núc, nồi niêu, bát đĩa ở khu nhà này vẫn bề bộn như cũ. Nước sinh hoạt chảy lênh láng mất vệ sinh, thậm chí công nhân còn nuôi cả gà và chó, giống như nhà ở của hộ gia đình.
Cảnh nhếch nhá, mất vệ sinh trong khu tưởng niệm |
Cũng tại đây chúng tôi gặp ông Lợi để tìm hiểu vì sao đến nay sau 2 ngày mà công nhân vẫn chưa chuyển đi theo lời của ông Sơn, bất ngờ ông Lợi văng ra những lời lẽ thô thiển để đuổi chúng tôi. Khi chúng tôi xin được gặp ông Sơn, thì ông Lợi một mực từ chối và xua đuổi, tiếp tục chửi bới. Lúc này chúng tôi có gọi cho ông Sơn rất nhiều lần nhưng đều không nhấc máy.
Ngày 18.8, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Hoàn – Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, là đơn vị được giao quản lý Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng. Ông Hoàn cho biết: “Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng nằm trong quần thể khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc, là khu thờ tự anh hùng dân tộc, đòi hỏi sự tôn nghiêm, thành kính. Hàng năm đón hàng ngàn lượt du khách về tham quan và thắp hương tưởng niệm, không chỉ trong tỉnh mà trong cả nước, nhất là các đoàn cán bộ trung ương, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của tỉnh nhà và cả nước. Cảm ơn các anh đã phản ánh, tôi sẽ trực tiếp lên kiểm tra và chấn chỉnh ngay”.
Thiết nghĩ, với một một công trình văn hóa lịch sử, nơi thờ tự anh hùng dân tộc, người con kiên trung của Đảng, những người làm công tác quản lý, người trông coi như thế liệu đã phù hợp?
Mong rằng qua đây các cơ quan chức năng sẽ có những chấn chỉnh để trả lại sự trang nghiêm vốn có của một khu tưởng niệm và di tích lịch sử.
Tác giả: Quang Toản
Nguồn tin: Tạp chí Tri Ân