Vừa qua, TAND huyện Hương Khê đã đưa ra xét xử vụ án hình sự lưu động tại xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê – Hà Tĩnh) đối với bị cáo Phan Trọng Anh và tuyên phạt bị cáo 4 năm tù, thu hồi số tiền bất chính 15 triệu đồng.
Bản cáo trạng của VKSND huyện Hương Khê
Theo bản cáo trạng của VKSND huyện Hương Khê, bị cáo Phan Trọng Anh (SN 1986, trú tại xóm 11, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Vào khoảng 11/2012 đến 10/2015, bị cáo Phan Trọng Anh có quen biết với các đối tượng Đức (tỉnh Quảng Bình), đối tượng Thiện, Tuấn (TP.Vinh – Nghệ An) cả 3 đối tượng trên không xác định được địa chỉ cụ thể. Do quen biết với Đức từ ngày còn sống trong Miền Nam nên đầu tháng 11/2012, Đức điều khiển xe mô tô hiệu NOUVO LX không có biển kiểm soát đến nhà Anh chơi. Quá trình chơi, Anh hỏi Đức: “Xe mày đi của ai đó”? Đức trả lời: “Xe của em, thích thì em bán cho mà đi”. Anh hỏi về nguồn gốc chiếc xe thì Đức nói là xe lậu, không có giấy tờ. Anh xem xe rồi trả 12.000.000 đồng. Đức đồng ý và lấy tiền từ Anh. Đi một thời gian đến đầu 3/2014 Anh bán lại chiếc xe cho Phạm Ngọc Chiến (cùng xã) lấy 13.000.000 đồng. Sau khi bị phát hiện, chiếc xe đã được các cơ quan chức năng thu hồi, nhưng không xác định được chủ sở hữu tài sản. Hội đồng định giá chiếc xe trên có giá 8.000.000 đồng.
Lần thứ 2, do quen biết từ trước với một người tên Tuấn ( trú tại TP.Vinh, Nghệ An) nên đầu tháng 03/2014, Tuấn điện thoại cho Anh hỏi trên đó có ai mua xe lậu không. Anh nói “Có cái nào bán cho cái để đi”. Tuấn nói “Giờ chưa có, khi nào có sẽ điện thoại báo”. Khoảng 2 tuần sau, Tuấn điện thoại cho Anh nói có chiếc xe Air bale có lấy không. Anh nói có và hẹn Tuấn tại bờ hồ Bình Sơn (tại tổ dân phố 7 thị trấn Hương Khê) để xem xe. Tại đây Anh trả giá chiếc xe trên giá 12.000.000 đồng. Tuấn đồng ý và giao xe. Khoảng 20 ngày sau Anh bán lại chiếc xe trên cho Trần Văn Hiệp (cùng xã) lấy 14.000.000 đồng. Theo kết luận của hội đồng định giá chiếc xe trên có giá 22.500.000 đồng.
Thấy việc buôn bán xe lậu đều trót lọt, có lời những lần sau đó mỗi khi có xe Tuấn thường gọi cho Anh và hẹn gặp nhau tại bờ hồ Bình Sơn để xem xe và giao dịch mua bán. Tổng cộng Phan Trọng Anh đã tiêu thụ 14 chiếc xe do người khác phạm tội mà có. Theo hội đồng định giá tài sản trong tố tụng, số tiền của 14 chiếc xe trên có giá 250.000.000 đồng.
Bị cáo Phan Trọng Anh 14 lần tiêu thụ xe gian
Trên cơ sở những bằng chứng thu thập được, ngày 18/11/2015 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Khê đã quyết định khởi tố bị can Phan Trọng Anh về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác mà có” quy định tại điều 250 Bộ luật Hình sự.
Sau khi bị bắt, Phan Trọng Anh bị VKSND huyện Hương Khê truy tố tại điểm a, khoản 3, điều 250 bộ luật tố tụng hình sự (khung hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm tù giam). Tại bản luận tội, tình tiết tăng nặng trách nhiệm Hình sự của bị cáo Anh được căn cứ vào điểm g, điều 48 bộ luật hình sự (Phạm tội nhiều lần). Ngoài ra, VKSND cũng căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ theo điều 46 Bộ luật Hình sự (tự thú khai ra các lần phạm tội trước đó, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) để đề nghị giảm án cho bị cáo. VKSND đề nghị Tòa án tuyên phạt bị cáo từ 4 – 5 năm tù giam. Buộc truy thu 15 triệu đồng. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, TAND huyện Hương Khê đã tuyên phạt bị cáo phan Trọng Anh 4 năm tù, buộc truy thu 15 triệu đồng tiền thu lời bất chính từ việc buôn bán xe lậu mà có.
Như vậy, với những hành vi vi phạm của bị cáo Phan Trọng Anh việc VKSND huyện Hương Khê truy tố Bị cáo tại điểm a, khoản 3, điều 250 của Bộ luật Hình sự và đề nghị mức án 4 – 5 từ giam, truy thu 15 triệu đồng là chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và hậu quả mà Bị cáo gây ra.
Đặc biệt, TAND huyện Hương Khê tuyên phạt Bị cáo 4 năm tù là chưa thỏa đáng, hay nói cách khác Tòa án tuyên phạt bị cáo dưới khung hình phạt mà Bộ luật Hình sự quy định.
Mức án đề nghị của VKSND và phán quyết của TAND huyện Hương Khê liệu đã đủ sức thuyết phục
Tại phiên tòa, nhiều người cho rằng với tinh chất, mức độ vi phạm của bị cáo Phan Trọng Anh chỉ bị Tòa tuyên phạt 4 năm tù – Dưới khung hình phạt là chưa đủ sức thuyết phục, chưa đủ tính răn đe đối với bị cáo. Đối tượng Phan Trọng Anh phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, giá trị tài sản rất lớn, theo định giá lên đến 250.000.000 đồng, bị cáo phạm tội nhiều lần, số tiền thu lời bất chính 15.000.000 đồng nhưng chỉ bị phạt mức 4 năm tù giam liệu đã đủ sức răn đe?
Đặc biệt, vụ án được TAND huyện Hương Khê tiến hành xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật, trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến người dân, cảnh báo, răn đe, giáo dục chung đối với mọi người. Tuy nhiên với bản án dưới khung hình phạt, thậm chí quá nhẹ cho đối tượng phạm tội nhiều lần, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với giá trị rất lớn thì phiên tòa lưu động có đi ngược với mục đích ban đầu là phổ biến, giáo dục pháp luật? Dư luận không khỏi thắc mắc liệu mức án đề nghị của VKSND và bản án của TAND huyện Hương Khê dành cho bị cáo Phan Trọng Anh có làm mất niềm tin của người dân về tính tôn nghiêm của pháp luật, mất đi hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật mà một phiên tòa xét xử lưu động phải có.
Trước vụ án có dấu hiệu bất thường này dư luận đang nghi ngờ liệu sau mức án VKSND huyện Hương Khê đề nghị và bản án TAND huyện này dành cho bị cáo Anh có điều gì thiếu minh bạch và công bằng?
Hải Đăng/VTOTO