Khi chính sách được điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng tiếp cận và linh hoạt trong phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ, số lượng người dân tiếp cận nguồn vốn rẻ để đầu tư phát triển các mô hình SXKD đã nâng lên đáng kể.
Cơ hội rộng hơn
Giảm tiêu chí về quy mô và tăng thêm một số đối tượng được vay mới, mong muốn của nhiều người dân đã được hiện thực hóa trong QĐ 09. Cho vay chăn nuôi bò giảm từ 10 con xuống còn 5 con; quy mô các mô hình trồng cao su, rau củ quả, lạc, trồng hoa giảm còn một nửa; bổ sung thêm đối tượng là trồng nấm, tiểu thủ công nghiệp, hộ nghèo và cận nghèo… là những điểm mới mở rộng hơn cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của người dân. Nguồn đầu tư tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho kênh HTLS đã chảy nhanh hơn kể từ đầu tháng 3/2013 khi QĐ 09 bắt đầu được triển khai.
Ông Nguyễn Khắc Bình – Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Cẩm Xuyên (một trong những đơn vị có dư nợ HTLS lớn trong hệ thống Ngân hàng No&PTNT tỉnh) cho biết: Sau khi QĐ 09 tháo gỡ những điểm khó của QĐ 26, từ đầu tháng 3/2013 đến nay, tổng dư nợ của đơn vị tăng lên 38 tỷ đồng, trong đó riêng dư nợ HTLS theo QĐ 26 và 09 đạt 20 tỷ đồng (chiếm trên 50%). Nếu như cuối năm 2012, cho vay HTLS mới chỉ đạt trên 20 tỷ đồng thì đến thời điểm này đã xấp xỉ 60 tỷ đồng với 1.200 khách hàng đang vay.
Theo bà Phạm Thị Chí – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng No&PTNT Cẩm Thành, trước đây, khách hàng chủ yếu vay nguồn vốn HTLS để phát triển chăn nuôi lợn vì tiêu chí để vay của mô hình này rộng hơn, dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, từ khi chính sách có sự điều chỉnh, số hộ vay để phát triển chăn nuôi trâu, bò có chiều hướng tăng lên, các mô hình sản xuất nấm cũng phát triển sôi động hơn. Bởi vậy, dư nợ HTLS tăng khá nhanh, đặc biệt, các xã điểm xây dựng NTM hấp thu nguồn vốn rất tốt như: Cẩm Bình hiện có dư nợ 13 tỷ đồng, Cẩm Thành trên 7,5 tỷ đồng… Anh Nguyễn Văn Phượng (xóm 8, xã Cẩm Vịnh) – chủ mô hình nấm có quy mô lán trại 200 m2, cho biết: Tôi ấp ủ ý tưởng từ lâu nhưng khi được sự tiếp sức của các chính sách hỗ trợ thì mới có thể xây dựng mô hình này. Trước mắt, gia đình tôi đã được vay 50 triệu đồng vốn lãi suất thấp để xây dựng lán trại sản xuất và được hỗ trợ 3.000 bịch giống nấm rơm. Sau 1 tháng chăm sóc, gia đình đã thu được 3-4 yến nấm tươi mỗi ngày” (giá bán hiện nay khoảng 2.500 đồng/kg).
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến cuối năm 2012, nguồn vốn cho vay HTLS theo QĐ 26 đạt trên 280 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 5/2013, con số này đã đạt trên 480 tỷ đồng. Với tiến độ này, dự kiến đến cuối năm 2013, doanh số cho vay HTLS đạt khoảng 700 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ là 36 tỷ đồng.
Tháo gỡ nỗi lo về nguồn
Không còn sự lo lắng của các địa phương và sự cân nhắc của các TCTD về nguồn tiền HTLS, QĐ 09 quy định rõ: huyện linh động điều chuyển nguồn phân bổ cho các xã có nhu cầu, xã nào không tranh thủ được chính sách sẽ bị điều chuyển nguồn. Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Lộc Hà, ông Nguyễn Hữu Sửu phân tích: Bên cạnh việc điều chỉnh về đối tượng được HTLS rất sát đúng với thực tiễn nông nghiệp – nông thôn, điều quan trọng nữa là sự rạch ròi trong phân bổ nguồn tiền hỗ trợ theo hướng ưu tiên cho đơn vị làm tốt đã tạo động lực để cấp ủy, chính quyền các địa phương phải thực sự vào cuộc tìm kiếm, hỗ trợ các mô hình vay vốn. Đối với hoạt động của ngân hàng, chúng tôi xác định, cơ hội đầu tư tín dụng đang mở rộng hơn và cần nắm bắt một cách hiệu quả nhất để phát triển thị trường, thị phần, đồng thời khẳng định trách nhiệm của mình trong việc chung tay thực hiện chủ trương lớn của tỉnh.
Đến thời điểm 10/6, trên địa bàn 13 xã của Lộc Hà, Ngân hàng Nông nghiệp huyện đã cho vay được 175 dự án với doanh số cho vay HTLS đạt 32 tỷ đồng. Các xã ở nhóm đầu về đích chương trình xây dựng NTM đạt dư nợ cho vay khá cao như: Thạch Châu (2 tỷ đồng), Thạch Kim (> 14 tỷ đồng), Thạch Bằng (> 7 tỷ đồng)… Trong đó, kết quả về cho vay HTLS ở xã Thạch Kim là minh chứng rõ nét về việc nguồn vốn được khơi thông khi có sự điều chỉnh, bổ sung mới của QĐ 09. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Tân cho biết: Năm 2012, trong điều kiện nguồn phân bổ HTLS hạn chế, xã chỉ tập trung ưu tiên cho các mô hình đóng mới tàu thuyền và các HTX, doanh nghiệp chế biến GQVL cho số đông lao động. Sang năm 2013, nguồn vốn được huyện phân bổ linh hoạt, không còn lo “đo bò làm chuồng”, xã tạo điều kiện cho thêm nhiều hộ dân vay nguồn vốn rẻ. Thêm vào đó, ngoài các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy hải sản, đối tượng vay đã mở rộng hơn cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: sản xuất ngư lưới cụ, đóng thuyền; cải hoán tàu chính sách được nới rộng đã giúp Thạch Kim tranh thủ được 14,2 tỷ đồng vốn lãi suất thấp để đầu tư cho phát triển sản xuất.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ nhưng có thể khẳng định chính sách HTLS theo QĐ 26 của UBND tỉnh đang đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp các địa phương xây dựng NTM một cách vững chắc.
Cán bộ cơ sở tác động lớn đến khả năng hấp thụ nguồn vốn
Trong số những yếu tố tác động đến khả năng hấp thụ chính sách, sự quan tâm chỉ đạo, quyết tâm chính trị của địa phương và trình độ của cán bộ chủ chốt của xã đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo khảo sát từ thực tế, những xã quyết tâm về đích NTM sớm hoặc trình độ cán bộ cao thì hấp thu chính sách tốt hơn, cụ thể, doanh số cho vay bình quân mỗi xã: gần 4 tỷ đồng (về đích năm 2013); gần 3,5 tỷ đồng (về đích 2015); gần 1,6 tỷ đồng (đăng ký về đích sau 2015); gần 2,4 tỷ đồng (những xã cán bộ cốt cán có trình độ chuyên môn đại học đạt từ 50% trở lên); 1,7 tỷ đồng (xã có cán bộ cốt cán trình độ đại học đạt dưới 50%) và những xã chưa phát sinh khoản vay chủ yếu nằm trong nhóm này.
Mai Thủy
Báo Hà Tĩnh