Mặn xâm nhập
Có mặt tại một số xã ở phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh như thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà… chúng tôi chứng kiến nhiều tuyến kênh mương nội đồng vốn sử dụng nước bơm từ sông Lam vào đã khô cạn, ruộng đồng khô cằn, nứt ngang nẻ dọc. Theo ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, vụ hè thu này có 24.000ha ruộng gieo cấy lúa ở phía Bắc Hà Tĩnh đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng. Giải pháp trước mắt của công ty là cho vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Linh Cảm để giải quyết phần nào tình trạng khô hạn ở một số nơi, đồng thời báo cáo lên các cơ quan chức năng để kịp thời tìm biện pháp ngăn mặn, giúp nhân dân ổn định sản xuất.
Còn ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở phía Bắc Hà Tĩnh phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ sông Lam, nhưng nước sông đang bị nhiễm mặn nặng ở mức cao kỷ lục so với mức trung bình của hàng chục năm qua. Cống thủy lợi Trung Lương phải đóng nên thiếu nước tưới trầm trọng. “Theo quy định cống thủy lợi Trung Lương chỉ mở khi độ mặn nước sông Lam ở mức 1,28%0 (phần nghìn). Tuy nhiên, do mực nước tại sông Lam lên đến hơn 4%0 nên chi cục đã yêu cầu Công ty TNHH Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đóng cống. Cống Trung Lương bị đóng khiến 190 trạm bơm lớn nhỏ trong hệ thống kênh trục sông Nghèn không thể bơm tưới, ngoài ra nguồn nước tự nhiên ở các hồ đập, sông suối tụt xuống quá thấp, nên sản xuất nông nghiệp ở các huyện trên chịu ảnh hưởng nặng nề…
Hồ đập cạn kiệt nước
Theo lịch thời vụ đặt ra, ngày 10-6 là hạn cuối để các địa phương trên toàn địa bàn hoàn thành việc xuống giống trực tiếp đối với hơn 41.000/43.000ha lúa vụ hè thu. Tuy nhiên, do hạn hán khốc liệt kéo dài gây thiếu nước tưới trầm trọng nên đến thời điểm hiện tại Hà Tĩnh mới chỉ xuống giống được khoảng 20% diện tích.
Huyện miền núi Hương Khê được xem là địa phương xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ở Hà Tĩnh (có lúc từ 39°C đến hơn 41°C) trong thời gian qua. Phòng NN-PTNT huyện này cho biết, vụ hè thu 2015 toàn huyện có 3.500ha đất lúa nhưng chỉ có 1.738ha có thể chủ động được nước tưới. Vì vậy, nông dân phải chuyển 1.155ha lúa sang trồng cây hoa màu khác và khoảng 350ha có nguy cơ sẽ phải bỏ hoang…
Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 345 hồ chứa và 57 đập dâng. Mỗi năm, các hồ chứa đảm bảo tưới cho trên 110.000ha lúa, cây trồng cạn và nuôi trồng thủy sản. Nhưng đến nay, hầu hết các hồ chứa, đập dâng này đều đã gần như cạn khô. Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực, thực hiện các giải pháp để chống hạn, tiết kiệm sử dụng nước tối đa vùng đầu nguồn và ưu tiên cho vùng cuối nguồn, lắp đặt trạm bơm dã chiến tại các điểm có nguy cơ hạn hán cao để giảm thiểu mức độ thiệt hại, cố gắng gieo trồng hơn 41.000/43.000ha lúa vụ hè thu và buộc phải chuyển khoảng 2.000ha đất lúa sang trồng cây khác để cố gắng giảm thiểu diện tích đất bỏ hoang…
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu cán bộ cấp tỉnh phụ trách các địa phương, lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung giúp dân chống hạn. Những cán bộ lơ là trong công tác chống hạn sẽ bị xử lý nghiêm. |
Theo Dương Quang/ Sài Gòn Giải Phóng