Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Giải bài toán chất lượng dạy nghề cho nông dân

Sau ba năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các trung tâm DN,HN-GDTX trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi qua một chặng đường, đã trải qua gian lao thử thách, đã nếm trải những thất bại, đã có những thành công và bước đầu…

Nhìn lại chặng đường đã qua, đúc rút những kinh nghiệm để làm tốt sứ mệnh dạy nghề cho nông dân.


Muốn giải được bài toán chất lượng dạy nghề có nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là ba yếu tố: Người học, người dạy và kinh phí. Ba yếu tố này như ba đỉnh của một tam giác, mà muốn giải nó phải sử dụng đa phương pháp, đồng bộ.


Giải bài toán nền nếp


Theo thầy Biện Văn Mân – Phó GĐ Trung tâm DN, HN và GDTX Hương Sơn, đối tượng tham gia học nghề có nhiều điểm đặc biệt: Đặc biệt về tuổi tác, hoàn cảnh, giới tính, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, hiểu biết.


“Chúng tôi gọi đây là một lớp hỗn nhập, không thuần nhất. Tính chất đặc biệt còn được biểu hiện ở từ một không gian sinh hoạt lao động tự do với nhiều tập tục, lối sống tự do tham gia lớp học phải khuôn vào tổ chức chặt chẽ về thời gian, nề nếp, chương trình, mục tiêu đào tạo. Về tâm lý, từ nghe, nhìn (ti vi), nói chuyện (với cộng đồng) chuyển sang nghe, nhìn nói theo yêu cầu, theo chương trình lại thực hành, kiểm tra thi cử là một thách thức. Thầy Lê Tiến Hợi (Phó GĐ trung tâm DN, HN, GDTX Hương Sơn) bổ sung.


Theo quy định của Bộ LĐ -TB&XH có nhiều nhóm nghề cần giảng dạy cho nông dân. Nhưng chủ yếu nông dân học những nghề họ đã làm, đã biết, đã quen thuộc. Khả năng để đáp ứng nghề mới để nông dân chuyển đổi nghề nghiệp không phải ngày một ngày hai, nên đối với đối tượng dạy nghề nông dân lao động công tác tư tưởng, truyên truyền, vận động, tổ chức lớp, quản nề nếp cũng phải hết sức đặc biệt. “Nề nếp của lớp học là thách thức đầu tiên của lớp học nghề nông dân. Không giải quyết được khâu đầu tiên này, nguy cơ lớp học tan vỡ, rã đám chứ đừng nói đến chất lượng”, thầy Trần Đình Nghi – Giám đốc trung tâm DN, HN và GDTX Thạch Hà chia sẻ.


Tháng 2/2013, trung tâm DN,HN và GDTX Hương Sơn tổ chức 2 lớp nghề chăn nuôi tại xã Sơn Bằng. Sáng khai giảng, vắng gần một nửa lớp vì trùng phiên chợ Rạp. Kết quả điều tra nguyên nhân bỏ học, thấy mục đích học nghề khác nhau: Học để biết, học vì tò mò, học vì được hỗ trợ kinh phí (tiền ăn, tiền xăng xe). Để ổn định nề nếp lớp học, trung tâm đã quyết định chỉ tập trung mở 1 lớp nghề chăn nuôi, tổ chức chặt chẽ, giám sát thường xuyên, vận dụng nhiều giải pháp khác nhau, nhất là phối kết hợp với cấp ủy Đảng chính quyền địa phương động viên kịp thời, khuyến khích người học nên lớp đi vào nền nếp.


Để giải bài toán nền nếp, mỗi cơ sở dạy nghề có một cách làm phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của địa phương mình. Thầy Nguyễn Văn Nghi – Phó Giám đốc trung tâm DN, HN và GDTX Can Lộc chia sẻ kinh nghiệm: “Công tác truyên truyền để nhân dân 5 biết: Biết đường lối chủ trương của Đảng (về tam nông, về xây dựng nông thôn mới, về quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ); biết về lợi ích của học nghề (xóa đói giảm nghèo bền vững), biết lựa chọn một nghề để đăng ký; biết thu xếp công việc gia đình để tham gia lớp học; biết vận dụng kiến thức vào sản xuất. Chúng tôi sử dụng nhiều kênh truyên truyền (thông tin đại chúng, hội họp, phát tài liệu, qua hội phụ huynh…). Đồng thời liên kết để cấp ủy Đảng, cơ quan, đoàn thể địa phương vào cuộc. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào cấp ủy Đảng chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt thì sự nghiệp dạy nghề thành công”.


Với những trung tâm DN, HN và GDTX ở địa bàn miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh thì phương án tại chỗ lại là phương án khả thi. Học, thực hành, kiểm tra, thi tại chỗ kết hợp với việc lựa chọn thời điểm mở lớp (thời gian nông nhàn); tăng cường công tác tổ chức lớp, giám sát (mỗi buổi học/1GV) cũng như động viên khích lệ người học, minh bạch về tài chính về các khoản học viên được hưởng; thầy dạy thực hiện nền nếp vào, ra lớp đúng giờ, tạo điều kiện về ăn ở tại chỗ cho GV ký hợp đồng; dạy những điều cần thiết, tinh giản; liên kết với cấp ủy Đảng cơ quan địa phương…


Giải bài toán về đội ngũ


Bám sát tiêu chuẩn thầy giáo ký hợp đồng với thầy giáo tâm huyết, có trình độ tay nghề, đam mê với truyền nghề cho nông dân, trải qua 3 năm dạy nghề cho nông dân lao động những thầy giáo như KS Nguyễn Dương Quốc – Cán bộ thú y Hương Sơn, thầy Nguyễn Công Lam – Tổ trưởng Dạy nghề trung tâm DN, HN, GDTX Hương Sơn… có nhiều cống hiến cho chất lượng của các lớp học nghề.


“Để giải bài toán đội ngũ giảng dạy, chúng tôi ký hợp đồng với GV bên ngoài có năng lực. Đồng thời trả tiền dạy hợp đồng theo mức tối đa nguồn kinh phí cho phép, chúng tôi làm công tác tư tưởng để các thầy giáo thấy được sự nghiệp dạy nghề cho nông dân không phải của riêng ai để cùng nhau chung lưng đấu cật, sẻ chia. Mặt khác, chúng tôi cũng chia sẻ những khó khăn với các thầy, trong điều kiện có thể hỗ trợ các thầy về phương tiện đi lại, ăn ở nên đã tìm được tiếng nói chung”, thầy Biện Văn Mân trao đổi.


Chia sẻ kinh nghiệm biên soạn tài liệu, các thầy cho rằng cần phải khắc phục hiện tượng thừa và thiếu. Giữa ngổn ngang cả đống tài liệu (thừa), các thầy đã chắt lọc, tinh giản, gọn, nhẹ với phương châm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, vì nông dân không có thời gian nhiều để đọc. Ví như “Nuôi và phòng trị bệnh cho hươu” hiện có 3700 trang tài liệu, chắt lọc biên soạn thành 40 trang, giải quyết những vấn đề trọng tâm cần thiết trong nghề chăn nuôi hươu. Kinh nghiệm cho thấy những modun thiết thực, đơn giản ngắn gọn sẽ phát huy được hiệu quả.


Về phương pháp, thay vì học lý thuyết, chú ý thực hành, vận dụng không gian mở: Học trên đồng, trên chuồng trại, học trên lớp. Ngoài ghi, nghe, tạo tình huống để học viên tham gia thảo luận. Ví như: Tình huống hươu ăn thức ăn tinh bị đau bụng, hoặc tình huống hươu không đổ đến thời kỳ mọc nhung… để học viên tham gia thảo luận thay vì thuyết giảng khô khan.


Những thiết bị hỗ trợ dạy – học như máy chiếu, băng, đĩa, tranh ảnh, các mô hình được vận dụng một cách uyển chuyển đã làm cho những giờ trên lớp đỡ nhàm chán. Ngoài ra, một chút hài hước hóm hỉnh của thầy giáo cũng tạo cho không khí lớp học nhẹ nhàng hiệu quả.


Những học viên đặc biệt này có một kho kinh nghiệm, vì vậy mỗi buổi học phải làm sao huy động được học viên tham gia vào bài giảng. Các mô đun về các tình huống trong thực tế tạo điều kiện cho người học từ cái có để tiếp tục nhận thức, hoàn thiện ở mức cao hơn.

Kết quả đào tạo nghề cho LĐNT trong 3 năm 2010 -2012:


– Tổng số L ĐNT đã được đào tạo: 11.466 người (trong đó 3922 người thuộc đối tượng 1; 1.338 người thuộc đối tượng 2 và đối tượng 3 là 6.206 người.


– Số GV tham gia dạy nghề cho LĐNT: 433 người.


– Số kinh phí thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT trong 3 năm 2010-2012: 84.112 triệu đồng (trong đó hỗ trợ LĐNT học nghề , mô hình dạy nghề, xây dựng chương trình học liệu, đào tạo, bồi dưỡng GV, người dạy nghề: 28.670 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập: 52.572 triệu đồng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã: 2.580 triệu đồng; truyền thông, kiểm tra, giám sát, đánh giá: 290 triệu đồng)


(Theo số liệu Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh)


Lê Văn Vỵ

GDTĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP