Năm 2007, chị Dương Thị Oanh xây dựng gia đình với anh Trần Đình Nam ở thôn 10, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Sau khi cưới nhau khoảng 1 năm, anh chị được bố mẹ cho ra ở riêng trên mảnh đất của ông bà. Hạnh phúc lớn dần khi 1 năm sau đó, hai vợ chồng anh chị được chào đón đứa con trai đầu lòng. Thế rồi, bế con trên tay, anh chị linh cảm thấy điều gì đó chẳng lành.
Định mệnh ập đến ngôi nhà nhỏ của đôi bạn trẻ khi hay tin, cháu Trần Đình Tiến (SN 2008) bị bại não, đất trời như sụp dưới chân. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, cháu bé cứ lớn mà chẳng chiu khôn, rồi tử vong khi mới tròn 1 tuổi…
Con trai mất, mấy năm sau vợ chồng anh chị mới dám sinh con tiếp. Những tưởng ông trời sẽ rủ lòng thương, cho đôi vợ chồng trẻ được người con khỏe mạnh, nhưng, sự đời đâu ai ngờ trước được.
Họ tiếp tục sinh thêm 3 con: Cháu trai Trần Đình Tuấn (5 tuổi), bé gái là Trần Thị Hằng (hơn 4 tuổi) và Trần Thị Ngọc Hà (hơn 1 tuổi). Chỉ mỗi Tuấn là phát triển bình thường, còn Hằng và Hà cũng bị mắc bệnh bại não.
Cả 2 vợ chồng đã đưa các cháu đi khám nhiều nơi nhưng hầu như không mang lại kết quả. Các bác sĩ cho biết, bệnh tình của Hằng là rất khó, hi vọng mong manh. Riêng cháu Hà (hơn 1 tuổi), nếu có tiền, có thể cho kết quả khả quan hơn nhiều.
Đứa trẻ này đã gần 5 tuổi bị bại não chỉ có thể suốt ngày nằm trên tay mẹ… |
Hỏi về ước mơ của mình, người phụ nữ 30 tuổi này cho biết, từ ngày con cái bị bệnh tật đến nay, chị chưa từng 1 đêm ngon giấc ngủ. Chị chỉ mơ ước, có 1 ngày nào đó, chị sẽ có được một đêm ngủ ngon giấc, trọn vẹn. Và còn một niềm mơ ước lớn lao khác, phải cần đến phép màu: Những đứa con tàn tật kia sớm được bình thường như bao đứa trẻ khác.
Được biết, hiện tại gia đình chị Oanh không có một nguồn thu nhập nào ngoài những đồng tiền công anh Nam làm thuê phụ hồ. Tiền công của anh nam cũng bữa được, bữa mất… Bữa cơm chưa có đủ ăn no, dám nói gì đến chuyện có miếng thịt, miếng cá hàng ngày…
Trong nước mắt, chị Oanh nghẹn ngào: “Nhà em thật khổ quá anh chị ạ! Chồng tai nạn bị liệt một tay, đi làm cũng chỉ được họ trả tiền công bằng 1/2 người khác. Sinh được 4 đứa con thì đứa đầu mất rồi, hai đứa em sau bị bại não, nhưng tiền ăn còn chưa đủ, dám ước gì có tiền chữa bệnh cho con…”.
Nhà xiêu vẹo, bếp vừa bị đổ sập, chỉ còn lại mảnh đất trống để củi lửa. |
Oanh chia sẻ rằng, nếu được xã công nhận hộ nghèo, gia đình sẽ đỡ phải nộp các khoản phí nghĩa vụ, được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm; việc đưa các con đi khám và điều trị chắc sẽ đỡ khó khăn phần nào.
“Thương hoàn cảnh gia đình, nhiều bà con cũng cho ít ký gạo, vài gói mì tôm nhưng cũng không thể lâu dài, vì dân chúng ở đây cũng khổ lắm. Đáng lẽ ra, như hoàn cảnh của anh Nam, chị Oanh thì phải được xét hộ nghèo để được hỗ trợ nhiều hơn”, bà Hà Thị Mai, hàng xóm nhà chị Oanh chia sẻ.
Lý giải việc việc gia đình anh Nam không được bình xét hộ nghèo, ông Lệ phân trần: “Cái này do cấp xóm xét trình lên. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào danh sách hộ nghèo”(!?).
Một gia đình được xếp vào diện “đặc biệt” nghèo khó như vậy, mà vẫn không được bình xét hộ nghèo hay cận nghèo là điều khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc. Còn câu trả lời của chính quyền lại quá thể hiện sự bàng quan, vô cảm và thiếu trách nhiệm…
Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, các đơn vị từ thiện, hãy đồng hành cùng chúng tôi, giúp đỡ hoàn cảnh này.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về: – Anh Trần Đình Nam và chị Dương Thị Oanh Thôn 10, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ĐT: 01682684514 – Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số TK: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung. |
HỒ THẮNG – PHI LONG