Ngày 17/10/2017, báo Bảo vệ pháp luật nhận được đơn của gia đình ông Thái Văn Tuấn và bà Đào Thị Huyên phản ánh việc chủ đầu tư thực hiện dự án “đầu tư xây dựng công trình tuyến đường gom thuộc cụm công nghiệp Phù Việt, huyện Thạch Hà” yêu cầu thu hồi 02 lô đất số 95 và 107 thuộc tờ bản đồ số 18 của gia đình ông bà mà không thực hiện thỏa thuận về giá đền bù. Sau đó, báo Bảo vệ pháp luật đã chuyển hồ sơ của công dân cho UBND huyện Thạch Hà, đồng thời PV báo BVPL đặt lịch làm việc với đơn vị có liên quan tại huyện này. Qua điều tra, phân tích hồ sơ, PV báo BVPL nhận thấy có phát sinh một số nội dung bất hợp lý giữa hồ sơ dự án được phê duyệt và thực tế thi công tại công trình.
Vị trí vòng tròn có mũi tên đỏ (PV) chính là mốc lộ giới QL1A được cắm từ lâu nằm giữa tim tuyến đường gom đang thi công dở. |
Về công trình, đây là tuyến đường gom của cụm công nghiệp có chiều dài tuyến 482,59m, chiều rộng nền đường 12,0m, chiều rộng mặt đường 7,0m, kết cấu đường làm bằng bê tông xi măng dày 28cm, với tổng mức đầu tư 9.447.178.000 đồng (gần 9,5 tỷ đồng), trong đó ngân sách tỉnh Hà Tĩnh cấp là 7.479.137.000 đồng. Vấn đề con đường bê tông đấu nối dài gần 500m được đầu tư với kinh phí gần 9,5 tỷ đồng có quá lớn hay không chúng tôi sẽ có bài phân tích của chuyên gia về xây dựng giao thông ở một bài báo khác.
Theo bản vẽ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, và bản vẽ điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phù Việt giai đoạn 2014-2020 không hề thể hiện tuyến đường gom nhưng lại có ô đất ở có liên quan (vị trí có mũi tên đỏ chỉ vào - PV). |
Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề quy hoạch và vị trí xây dựng. Theo bản vẽ quy hoạch cụm công nghiệp Phù Việt đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được lưu trữ tại UBND huyện Thạch Hà thì ranh giới cụm công nghiệp (giới hạn cuối cùng của cụm công nghiệp Phù Việt) ở phía đông của cụm bám đường quốc lộ 1A nằm tiếp giáp với mốc lộ giới quốc lộ 1A và đã được cho thuê hết mặt bằng. Các công ty đã thuê mặt bằng đầu tư xây dựng ở đây lần lượt theo hướng từ Bắc vào là: Công ty TNHH TM & DVVT Viết Hải – Nhà máy bê tông thương phẩm & cấu kiện công nghệ cao; Công ty TNHH kết cấu thép Thương Phú; Tổng đại lý Gas Tâm Hoa và Tổng kho của Công ty TNHH thương mại vận tải Bình Nguyên. Căn cứ theo bản vẽ quy hoạch cụm công nghiệp, thì các doanh nghiệp này đã xây dựng và sử dụng đến hết ranh giới của cụm, bắt buộc khi đầu tư tuyến đường gom đấu nối phải xây dựng phía ngoài ranh giới cụm công nghiệp.
Đường chỉ có mũi tên màu đỏ chỉ vào (PV) chính là lối vào Trạm trộn bê tông của công ty Viết Hải dài khoảng 50m, trước đây nó được bịt bằng hàng rào sắt với QL1A, nhưng không hiểu sao hơn 2 tháng nay bị tháo, mặc dù đã có đường đấu nối? |
Điều đáng nói ở đây là, khi tiến hành trắc địa lấy mặt bằng tuyến cho đến khi thi công, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, những người có trách nhiệm của đơn vị thi công và đặc biệt là các cán bộ quản lý đường bộ trực thuộc Cục quản lý đường bộ tuyến quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh đã ở đâu? Liệu họ đã làm đúng trách nhiệm công việc mà Nhà nước giao mà hàng ngày ngân sách đang phải chi trả lương hay chưa? Nhưng có một điều chắc chắn là khi khảo sát thực tế tại công trình, PV báo BVPL ghi nhận thấy mốc lộ giới quốc lộ 1A được cắm thẳng ngay tim con đường rộng 12m mới làm. Vậy, ai đã cho phép đơn vị thi công làm cái việc không được làm này, hay các cán bộ thuộc các cơ quan chức năng có liên quan đã “mắt nhắm, mắt mở” bật đèn xanh cho vi phạm.
Với hiện trạng như hiện nay, tuyến đường gom chỉ cách quốc lộ 1A tầm 6m, nếu xét về quy định bảo vệ lộ giới quốc lộ 1A, trường hợp các nhà dân bám quốc lộ muốn tận dụng không gian lộ giới thì được phép sử dụng cách đường 6m trở ra, nhưng các công trình xây dựng trên đó không được phép xây dựng kiên cố, và khi Nhà nước có nhu cầu mở rộng đường thì phải tự tháo dỡ mà không được đền bù. Vậy, tuyến đường gom dài 500m có tổng mức đầu tư gần 9,5 tỷ đồng này có được xem là công trình tạm bợ hay không? Và khi Nhà nước có nhu cầu thu hồi để mở rộng quốc lộ hoặc một lý do nào đó thì khoản tiền từ nguồn ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh gần 7,5 tỷ đồng, ngân sách huyện Thạch Hà là phần còn lại ai sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả?
Tất cả những điều này chắc hẳn những cán bộ chuyên trách của huyện Thạch Hà, đặc biệt là ông chủ tịch UBND huyện - Trần Việt Hà (người từng là một trưởng ban dự án lớn của tỉnh Hà Tĩnh) rõ hơn ai hết?!
Trong bản vẽ điều chỉnh, mở rộng cụm công nghiệp Phù Việt được UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Xây dựng phê duyệt tháng 6/2016 thể hiện rất rõ ranh giới cụm công nghiệp (mũi tên xanh), và khu đất ở (mũi tên đỏ-PV) nhưng nay lại có thêm tuyến đường gom nằm đè lên hành lang lộ giới QL1A. |
Và, chính những điều này đã dẫn đến việc gia đình ông Thái Văn Tuấn và bà Đào Thị Huyên khiếu nại liên quan đến 2 mảnh đất như đã nói trên. Trong bản vẽ quy hoạch cụm công nghiệp Phù Việt thì hai lô đất của ông bà Tuấn, Huyên được quy hoạch nằm ngoài cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, dù vị trí tuyến đường gom được xây dựng đúng hay sai thì hiện trạng cũng đã thỏa mãn việc gom các cổng ra vào của 4 doanh nghiệp nói trên để đấu nối với quốc lộ 1A (4 doanh nghiệp này đã thuê hết diện tích quy hoạch cụm công nghiệp khu vực bám quốc lộ 1A).
Đến đây, dư luận đặt nghi vấn phải chăng mục đích của việc thu hồi này là để giúp doanh nghiệp Viết Hải có được một khuôn viên vuông vắn, đẹp và rộng hơn? Theo như thông tin riêng mà PV báo BVPL có được, hiện tại, một số lô đất tiếp giáp với 02 lô của ông Tuấn bà Huyên đã được doanh nghiệp Viết Hải mua lại, chỉ còn 02 lô này chủ sở hữu không muốn bán nên mới xảy ra việc bị huyện Thạch Hà thu hồi, với lý do tuyến đường phải chạy hết phần đất thuê của doanh nghiệp Viết Hải, và nó phải vượt qua ½ lô trên cả 02 lô đất nói trên của ông bà Tuấn, Huyên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên các số báo sau.
Tác giả: Hà Hải
Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật