Số phận nghiệt ngã
Anh Phạm Văn Cầm (SN 1969) trong một gia đình nghèo ở thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ khi lọt lòng, cậu bé Cầm đã có một thân hình không lành lặn, tứ chi co quắp, các ngón tay dính chặt vào nhau, càng lớn đôi tay của anh bị liệt dần không có khả năng cử động, giọng nói chỉ ê a, ú ớ không nên lời.
Tuổi thơ của anh Cầm không có được những ước mơ như các bạn đồng trang lứa, không một lần được đến trường. Bố mất khi anh còn nhỏ, một mình mẹ anh tảo tần nuôi 5 người con, trong khi anh và chị gái lại bị tật nguyền (chị gái đầu của anh Cầm bị thiểu năng trí tuệ). Trong gia đình, anh khó khăn chồng chất khó khăn, mọi lo toan đều chất lên đôi vai gầy của mẹ anh, bà Phạm Thị Cương.
Dù tật nguyền về thân thể nhưng anh Cầm lại rất thông minh. Hiểu được nổi cơ cực của gia đình, mỗi lần ăn thìa cơm từ mẹ chăm bón hay những lúc sinh hoạt cá nhân, từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải có người giúp khiến anh lại càng thêm khát khao được đỡ đần mẹ. Ban đầu là muốn được tự mình phục vụ bản thân. Sau là có công việc để kiếm sống, đỡ mẹ tiền rau cháo.
Tự kiếm tiền bằng việc đan lồng chim
Sau nhiều tháng ngày trằn trọc suy nghĩ, anh Cầm nghĩ đôi tay mình không thể cử động để làm việc thì mình còn có đôi chân. Thế rồi những lúc rảnh rỗi, anh tự cắp những vật nhẹ bằng hai bàn chân, không ít lần nâng lên rồi rơi xuống nhưng không làm anh nản chí. Nhiều ngày trôi qua, với sự kiên nhẫn của mình, anh Cầm cũng đã tự làm được việc nhẹ bằng đôi chân của mình như việc vệ sinh cá nhân, nấu ăn, giặt giũ quần áo. Sau nhiều năm tháng rèn luyện làm việc bằng đôi chân, anh Cầm bắt đầu nghĩ tới việc tự nuôi sống bản thân bằng chính đôi chân của mình. Anh nhờ một bác hàng xóm chỉ dạy cho cách đan lồng chim. Việc đan lồng chim người lành lặn làm bằng đôi tay đã khó, huống chi anh lại làm bằng đôi chân. Đan vào rồi sổ ra, không ít lần anh bị chảy máu bởi mũi dao nhưng những giọt máu trộn với những giọt mồ hôi cũng không làm anh nản lòng. Sau một thời gian miệt mài học tập, anh cũng làm được cái lồng chim đầu tay của mình. Anh làm được cái thứ nhất, thứ hai, thứ ba lâu dần mọi người biết đến anh nhiều hơn, khâm phục trước “đôi chân kỳ diệu” họ thường trả giá lồng chim của anh cao hơn bình thường.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, vậy mà dù đôi bàn tay bị liệt nhưng với niềm khát khao được hòa nhập cuộc sống anh Cầm đã sống và tồn tại bằng chính nghị lực của mình. Anh đã biến những ước mơ thành hiện thực nhờ đôi chân kì diệu.
“Tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn anh Cầm một người nhỏ bé chưa đầy 40kg với giọng nói ê a, ú ớ không nên lời, hai bàn tay bị liệt, dùng đôi chân để đan lồng chim đẹp đến như thế”, anh Hải, người đến mua lồng chim của anh Cầm nhận xét.
“Cũng là người có số phận như anh, cũng có đấy nghị lực và nhiều ước mơ. Nhưng để dùng đôi chân làm những việc như anh Cầm e là rất khó. Khi chứng kiến những việc anh Cầm làm, trong tôi như có thêm động lực để bước tiếp. Anh Phạm Văn Cầm là tấm gương sáng thắp lên ngọn lửa niềm tin, tình yêu cuộc sống cho tôi cũng như bao nhiêu người khuyết tật khác”, anh Bình, một người khuyết tật nhận xét về anh Cầm.
Sau nhiều năm tháng rèn luyện làm việc bằng đôi chân, anh Cầm đã có thể dùng đôi bàn chân của mình làm nên được những chiếc lồng chim rất đẹp. “Tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn anh Cầm một người nhỏ bé chưa đầy 40kg với giọng nói ê a, ú ớ không nên lời, hai bàn tay bị liệt, dùng đôi chân để đan lồng chim đẹp đến như thế”, anh Hải, người đến mua lồng chim của anh Cầm nhận xét.
Thái Bình