Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Đào tạo lái xe “chui” gắn logo Học viện Cảnh Sát

Thời gian qua, trên các tuyến đường trong địa bàn Hà Tĩnh, những chiếc xe mang biển số xanh 80 có gắn lo go trường Học Viện Cảnh Sát Nhân Dân (HVCS) vẫn “ngang nhiên” đào tạo lái xe hạng B, C mà không có tất cả các hạng mục tối thiểu của một sân tập phục vụ đào tạo lái xe theo quy định và không hề chịu sự quản lý đào tạo của cơ quan nơi sở tại. Với cách tuyển sinh, đào tạo trái quy định này đã gây nên tình trạng lộn xộn trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên địa bàn.

laixe2

Dạy học ngoài đường

Theo chân chiếc xe mang BKS 80M – 00027 từ đường Nguyễn Huy Tự (T.p Hà Tĩnh, và là nơi xe này đậu hàng ngày), chúng tôi (-PV) được đưa đến các sân bóng, nơi vắng vẻ ở trên các địa bàn huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và một số tuyến đường T.p Hà Tĩnh….
Theo quan sát của chúng tôi thì các học viên ngồi lái xe được “thầy” ngồi bên ghế phụ hướng dẫn trên đường, khi đến các bãi tập được dùng sơn vẽ sa hình từ trước thì được “thầy” hướng dẫn đi hình, vào ga ra….. ngay trên đường nhựa.

Mặc dù chưa được phép đào tạo lái xe ở Hà Tĩnh nhưng xe Biển xanh vẫn ngang nhiên đạo tạo ngoài đường

Mặc dù chưa được phép đào tạo lái xe ở Hà Tĩnh nhưng xe Biển xanh vẫn ngang nhiên đạo tạo ngoài đường.

Trong khi đó, theo thông tư 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009, quy định: “Cơ sở đào tạo lái xe phải có đủ hệ thống phòng học chuyên môn, phòng nghiệp vụ, giáo viên, xe tập lái, sân tập lái và tuyến đường tập lái đảm bảo tiêu chuẩn, quy định diện tích tối thiểu của sân tập lái đào tạo hạng B1 và B2 phải đạt 8.000m2, đào tạo đến hạng C: 10.000 m2”. Không chỉ sai phạm về tiêu chuẩn đào tạo, việc thu học phí cũng có dấu hiệu khuất tất?.

Trong vai một học viên có nhu cầu học lái xe hạng B2, chúng tôi được một học sinh vừa học lái xe theo hình thức này giới thiệu cho thầy Thiện (trú tại Phường Tân Giang, T.p Hà Tĩnh). Thầy Thiện tư vấn: “Hồ sơ không phải làm gì cả, chỉ có chụp ảnh 3×4 và photo CMND là được, còn tất cả thủ tục khác thì Học viện Cảnh sát họ lo cho hết. Giấy khám sức khỏe, chứng chỉ, tiền học phí, tiền tốt nghiệp… toàn bộ là 8,5 triệu. Về học lý thuyết thì đã có đĩa CD và đề học nhanh, nếu không học được thì thầy lo cho. Một xe hơn chục người nhưng mình chia ra mỗi buổi học 3-4 người thôi. Ta học thì học ngay đường Nguyễn Trung Thiên, ngay sân bóng phường Thạch Quý”.

Theo quan sát, những chiếc xe dạy lái này đều là xe tải nhỏ và có in dòng chữ trên cánh cửa xe “Học Viện CSND – Bộ Công An – Trung tâm DN và ĐT LX ĐT:0437653154”. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc nhiều lần với số điện thoại nói trên thì không thể liên lạc được.

Xe tải dạy lái xe ghi rõ "“Học Viện CSND – Bộ Công An - Trung tâm DN và ĐT LX ĐT:0437653154”

Xe tải dạy lái xe ghi rõ ““Học Viện CSND – Bộ Công An – Trung tâm DN và ĐT LX ĐT:0437653154”.

Bằng do Bộ cấp sẽ “oai” hơn?

Một học viên đã học theo lớp học kiểu này tâm sự: “Em được một người quen giới thiệu về hình thức học kiểu này, nghe nói dễ đậu, rẻ tiền hơn học ở các trường tại Hà Tĩnh, mà là học lái của Trường HVCS nghe cũng oai, lấy bằng của Bộ nữa nên em đã đăng ký học. Ai ngờ sau khi thu tiền xong, đi học thì đi lung tung, lý thuyết thì thầy cho cái đĩa về nhà bỏ máy tính tự học. Rồi đến ngày thi thì phải lặn lội ra Hà Nội để thi, ra ngoài đó mất tiền ăn nghỉ cũng đã tốn rồi. Mà e lại thi rớt nên sau đó phải tự bắt xe để đi thi lại. Nói chung là đi thi được cái bằng mà vất vả lắm anh ạ….”.

Được biết, việc liên kết đào tạo lái xe của các đơn vị nói trên đã vi phạm điểm 5, điều 23 trong Quy định về Vi phạm và hình thức xử lý vi phạm thuộc các văn bản quy định và hướng dẫn về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam: “Cấm tổ chức đào tạo ngoài cơ sở; liên doanh liên kết mà không được các cấp có thẩm quyền cho phép”.

Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái – sở giao thông Hà Tĩnh cho biết: “Sở giao thông vận tải đã có văn bản gửi  Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ về tình trạng các đơn vị đào tạo lái xe ngoại tỉnh về trên địa bàn mình hoạt động trái với quy định.

Trong giấy phép  đào tạo cấp cho các đơn vị đào tạo có quy định rất rõ phạm vi hoạt động trong tỉnh (Ví dụ trong giấy phép cho trường đào tạo ở Hà Tĩnh thì có ghi rõ: chỉ được phép hoạt động trong địa bàn Hà Tĩnh)”.

Các hình vẽ bằng sơn trên đường nhựa tại Phường Thạch Quý để dạy lái xe

Các hình vẽ bằng sơn trên đường nhựa tại Phường Thạch Quý để dạy lái xe.

Cũng theo ông Dũng, ngày trước khi các xe này vào có gắn lo go xe của đơn vị nào, biển xe tập lái, biển số xe nhưng thời gian gần đây, họ liên doanh, liên kết với một cá nhân nào đó tại địa phương có xe và xe không có lo go… người này dạy lái đến một trình độ nhất định nào đó rồi hoàn thành hồ sơ đưa đi thi….. gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Khi anh em đi kiểm tra, bắt gặp trên đường thì họ nói rằng mình không đào tạo dạy lái, họ hoạt động chui nên rất khó để quản lý.

“Trường HVCS thuộc Bộ Công An về làm việc trực tiếp với công an tỉnh, chủ yếu dạy công an, còn đây mình dạy thêm ở ngoài. Chứng chỉ, hồ sơ, bằng lái do Tổng cục đường bộ và Bộ Công An cấp. Học xong có người đem ra Hà Nội thi, thầy trực tiếp đặt xe đưa đi một chiều. Nếu bằng B2 thì thi dễ, trước mắt chỉ cần nộp 5 triệu là được. Về học thực hành thì học ở phường Thạch Quý (TP. Hà Tĩnh), huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc… chổ nào cũng có cả, yên tâm đi không lo gì hết. Học xe tải nhỏ này dễ hơn học các xe con ở trường khác. Ở các huyện cũng đều có thầy dạy lái của trường HVCS cả. Thầy là giáo viên hợp đồng của trường HVCS được cử về đây đào tạo nên em yên tâm đi. Các học sinh khóa trước của thầy đều đậu hết…” – Thầy Thiện giới thiệu thêm.

Để làm rõ tại sao xe mang biển xanh 80 của HVCS lại về đào tạo lái xe ở Hà Tĩnh, ông Quyết – Chánh Thanh tra Sở Giao Thông tỉnh Hà Tĩnh: “Theo thẩm quyền thì chúng tôi đã có kiến nghị và đề xuất theo văn bản báo cáo với Công an tỉnh, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải. Chúng tôi đã kiểm tra, báo cáo chứ còn thanh tra không thể kiểm tra được xe cảnh sát, quân đội . Chúng tôi đã phát hiện lâu rồi, đã có báo cáo hơn 1 năm với Công an tỉnh, Bộ Công an và trong quy định của Bộ Công an thì đào tạo cho Công an và có văn bản nội bộ”.

Theo thông tư số 28/2012/TT-BCA ngày 18/5/2012 của Bộ Công an về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong Công an nhân dân thì : “ Trường hợp các Cơ sở đào tạo, Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe có nhu cầu đào tạo cho cán bộ chiến sĩ đóng quân ở vùng sâu, vùng xa thì được phép liên kết đào tạo tại các Trung tâm sát hạch của Công an địa phương hoặc Trung tâm sát hạch của Bộ Giao thông vận tải nơi đủ các điều kiện cơ sở vật chất theo quy định. Việc mở lớp, đề nghị sát hạch và tổ chức sát hạch phải thực hiện theo đúng các quy định”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng đào tạo lái xe “chui” này để tránh tình trạng loạn trong đào tạo lái xe trên địa bàn. Bên cạnh đó, các học viên khi đăng ký học lái xe các hạng cần tìm hiểu kĩ các trung tâm đào tạo, các trường được cấp phép hoạt động trên địa bàn, tránh tình trạng đăng ký vào các trung tâm chưa được cấp phép với cách đào tạo không giống ai và đi thi cũng như “Đường Tăng đi lấy kinh” vậy?

Theo Bùi Trung / Đại lộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP