Hương Khê

Hà Tĩnh: Dân chán nản vì thủ tục hành chính nhiêu khê

“Đến lúc làm hồ sơ nhận hỗ trợ phải làm giấy đến 3, 4 lần rất phiền hà, trồng hai ba chục cây nhưng phải đi xin xác nhận 3, 4 lần, lên hỏi xã thì xã cho rằng do phòng NN huyện chỉ đạo…”.

hatinh24h

Một kiểu ban hành mẫu hồ sơ kỳ lạ!

Năm 2016 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 09/2016 ngày 18/03/2016 nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó có chính sách hỗ trợ đối với người dân trồng mới ba loại cây: Cam bù, cam chanh và bưởi phúc trạch. Để nhận được hỗ trợ hồ sơ người dân cần có giấy chứng thực cây giống mua tại các doanh nghiệp, nhà vườn.

Quyết định 09/2016/QĐ-UBND ngày 18/3/2016 của UBND tỉnh Hà Tĩnh

Theo chủ trương hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Hương Khê nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả với ba loại cây trên, lấy nguồn cung từ các vườm ươm cây giống trên địa bàn huyện. Để hoàn tất mẫu hồ sơ theo Theo quyết định 09/2016 của UBND Tỉnh, hướng dẫn thực hiện nghị quyết 90/2014 NQ-HĐND ngày 16/7/2014, nghị quyết số 157/2015 NQ-HĐND ngày 12/12/2015 các hộ dân nhận mẫu hồ sơ từ Phòng NNPTNT huyện. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì cán bộ Phòng NNPTNT huyện Hương Khê lại ban hành văn bản hướng dẫn người dân hoàn thành hồ sơ theo “cảm tính” đầy “ngẫu hứng”, nay một mẫu mai một mẫu khiến người dân cũng như các chủ vườn, doanh nghiệp cung cấp cây giống chạy nháo nhào?

Cụ thể, mẫu đầu tiên ban hành ngày  28/4/2016 yêu cầu phải có xác nhận của xóm trưởng và nơi bán giống, nhận được mẫu hồ sơ người dân vội vàng gõ cửa các địa chỉ cần xác nhận trong mẫu để hoàn tất thủ tục nhận hỗ trợ kịp 29/4 hết hạn.

Tuy nhiên ngày 2/5 Phòng Nông nghiệp huyện lại ban hành mẫu mới người dân lại một phen chạy toán loạn đi xác nhận kẻo hết hạn, mẫu đơn nộp rồi tưởng đã “êm” ai ngờ mẫu này chỉ áp dụng được 5 ngày đến 6/5 Phòng lại ban hành mẫu mới khiến người dân một phen ngã ngửa mà không hiểu lý do gì!

Ông Trương Viết Toàn, người dân xã xã Phú Phong, Hương Khê bức xúc: “Hưởng ứng chương trình Nông thôn mới gia đình được xã vận động trồng cây, được hướng dẫn các chính sách hỗ trợ sau khi trồng, các địa điểm mua giống… Mặc dù đã đến những cơ sở cung cấp cây giống đạt chuẩn, đầy đủ pháp lý nhưng đến lúc làm hồ sơ nhận hỗ trợ phải làm giấy đến 3, 4 lần rất phiền hà, trồng hai ba chục cây nhưng phải đi xin xác nhận 3, 4 lần, lên hỏi xã thì xã cho rằng do phòng NN huyện chỉ đạo…”.

Hàng trăm người dân trên địa bàn tự hỏi liệu cán bộ Phòng NN đang thử thách độ kiên nhẫn của bà con nhân dân? Cách làm việc của cán bộ dựa theo “thời tiết” hay quả thực do trình độ năng lực hạn chế? Ban hành văn bản hướng dẫn dân thực hiện chủ trương hỗ trợ của tỉnh, nhưng với cách làm việc này liệu Phòng NN huyện Hương khê đang giúp hỗ trợ của tỉnh đến với người dân hay đang là rào cản chính sách này đến được với người dân? Trong vòng chưa đến 10 ngày Phòng đã đưa ra 3 mẫu đơn thử hỏi có luật nào, cơ quan nào ban hành văn bản kỳ lạ như vậy? và người dân lao động lấy thời gian, công sức, tiền bạc ở đâu để theo kịp những mẫu đơn này?

Mẫu hồ sơ thiếu hẳn chuyên môn

Không chỉ thay đổi mẫu đơn liên tục mà bản thân những mẫu đơn do Phòng NN huyện Hương khê ban hành rất có vấn đề.

Ở mẫu đơn thứ nhất, xác nhận mua – bán giống cây trồng yêu cầu phải có “xác nhận của xóm trưởng nơi bán cây giống”, “người mua cây”, “người bán cây”, “xác nhận của UBND xã nơi bán cây giống” và “xác nhận của Phòng NNPTNT huyện”. Những đơn vị cần xác nhận có trong tờ đơn đã cho thấy sự bất cập, hoạt động mua – bán cây giống giữa người mua người bán tại sao lại phải có sự xác nhận của thôn trưởng? sự xác nhận này là về số lượng? chất lượng, hoạt động kinh doanh? Hay chỉ là thêm vào để người dân càng “mất công”? về mặt chuyên môn lẫn hành chính sự xác nhận này hoàn toàn không có giá trị. Không hiểu vì lý do gì sự xác nhận “trời ơi” này lại tự vắng mặt trong các mẫu đơn tiếp theo mà Phòng NN huyện Hương Khê ban hành?. Trong lúc Nhà nước ta đang chủ trương tinh giảm thủ tục hành chính thì mẫu đơn này lại đi ngược lại.

Mẫu đơn xác nhận mua – bán cây giống phải có sự xác nhận của thôn trưởng nơi bán cây giống?

Mẫu thứ ba, ban hành ngày 6/5 yêu cầu sự xác nhận của người cam kết: bên bán – bên mua và xác nhận của UBND xã, ở đây cũng không ghi rõ xã nơi bán cây giống hay xã nào. Như vậy, người dân có thể xác nhận bất cứ nơi đâu, hay nói cách khác mua cây giống ở xã Phúc Trạch mang đơn xuống xã Hương Long đóng dấu xác nhận cũng được? Giá trị của sự xác nhận này thực sự nằm ở đâu?

UBND xã xác nhận chất lượng cây giống phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9302:2013?

Đặc biệt, theo những mẫu đơn này thì người dân mua cây giống bất kỳ đâu cũng được xác nhận là có nguồn gốc và được hỗ trợ điều này không đúng với chủ trương của tỉnh. Không có sự khác biệt nào giữa đơn vị cung cấp cây giống đạt chuẩn và đơn vị cung cấp cây giống không đạt chuẩn? Mẫu ghi rõ “Để có cây giống cung cấp cho gia đình trồng và phát triển cây ăn quả thời gian qua tôi đã liên kết với ông (bà)…” Ông bà ở đây là ai? Đơn vị nào? Đạt  chuẩn để cung cấp cây giống không? Rất mơ hồ!

Một bên cung cấp, một bên chịu trách nhiệm chất lượng!

Để làm rõ sự bất cập trên chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Đài, Phó trưởng phòng NN và PTNT huyện Hương Khê, khi đưa ra 3 mẫu đơn Phòng NN huyện ban hành chỉ trong chưa đầy 10 ngày rất đáng buồn là vị lãnh đạo này cho rằng: “Mẫu này ở đâu ra? Mẫu này Phòng không hướng dẫn” và tuyên bố “báo chí muốn thông tin thì phải đọc những văn bản hướng dẫn của Tỉnh của Phòng NN huyện”.

Câu trả lời thiếu trách nhiệm đối với người dân của ông Đài chắc hẳn không phải bình luận gì thêm. Nếu người dân thắc mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà chỉ biết “đọc lại văn bản” thì chiếc ghế của cán bộ dùng để làm gì? Liệu khi đó cương vị của những người đại diện do nhân dân, phục vụ nhân dân như ông còn ý nghĩa  gì nữa hay không?

Một vĩ lãnh đạo từng nói: “Cán bộ của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải có trách nhiệm làm cho dân hài lòng. Dân chưa hài lòng thì phải cảm thấy nóng ruột. Không hài lòng đã phức tạp rồi, mà còn rất không hài lòng thì sao? Chúng ta đã bước sang năm thứ 16 cải cách hành chính rồi mà còn để dân rất không hài lòng thì phải xem xét lại”. Không rõ ông Lê Tiến Đài có thấu hiểu cái gọi là “rất không hài lòng” của dân khi phải chạy nháo nhào hết lần này đến lần khác hoàn thành thủ tục theo mẫu đơn hướng dẫn của Phòng NNPTNT huyện Hương Khê mà ông là vị Phó Trưởng phòng hay không? Khi dân bức xúc phản ánh đến công luận ông tuyên bố “Báo chí muốn làm việc thì tìm hiểu văn bản”. Liệu đây có phải là cách làm việc quan liêu, hạch sách mà Nhà nước ta đang hết sức loại bỏ trong tư tưởng của những người đại diện cho quyền lợi của nhân dân?

Thiết nghĩ,  đơn vị, cá nhân ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật, trước dân về những văn bản đó, văn bản chuẩn, khoa học giúp nhà lãnh đạo quản lý tốt, nâng cao hiệu quả làm việc, người dân tiết kiệm chi phí nhưng với những mẫu đơn như Phòng NNPTNT huyện Hương Khê ban hành rất cần phải xem xét lại năng lực, trình độ làm việc cũng như trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo!

Những thủ tục hành chính lờ mờ, thiếu nhất quán ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân, hành dân thì phải xóa bỏ, cán bộ lãnh đạo phải là người chịu trách nhiệm cao nhất nếu gây phiền hà, lãng phí cho dân phải thẳng thắn nhận trách nhiệm chứ không thể bảo rằng muốn làm việc thì về “đọc văn bản”.

Hải Đăng – Thiên Phú/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP