Formosa xả thải

Hà Tĩnh: Cơ cực, túng quẫn là bức tranh hậu sự cố môi trường tại các làng quê ven biển

Chỉ còn 2 tuần nữa khai giảng năm học mới, tuy nhiên không khí ảm đạm, cơ cực đang bao trùm lên làng quê các huyện ven biển chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa xả thải như thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà (Hà Tĩnh)…

hatinh24h

Anh Huyên đang đau đầu với khoảng tiền nộp học cho 4 đứa con

Huyện Lộc Hà tuy không nằm trong khu vực đặt nhà máy Formosa, tuy nhiên ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra đối với địa phương này là cực kỳ lớn. Hiện đại bộ phận ngư dân đã ra khơi đánh bắt trở lại nhưng điều đáng buồn là nguồn lợi thủy hải sản cạn kiệt, cá đánh bắt về không ai mua. Nhiều ngư dân đã neo thuyền vào bờ, ly hương kiếm sống hoặc đi xuất khẩu lao động.

Ngoài vấn đề cơm áo, gạo tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày, nỗi lo lớn nhất các hộ dân ven biển Hà Tĩnh đang phải đối mặt là các khoản đóng góp của con em trước năm học mới 2016 – 2017.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Huyên (49 tuổi), chị Phạm Thị Phương (43 tuổi), thôn Sơn Bằng, có 4 con đang theo học tại trường THPT, THCS. Ngôi nhà của hai vợ chồng nằm lọt thỏm trong con ngõ ngoằn ngoèo của xã Thạch Kim.

Trò chuyện với PV, anh Huyên cho biết, gia đình anh thuộc diện cận nghèo, bao nhiêu năm nay anh ra khơi đánh bắt xa bờ cùng các bạn chài trong xóm, chị ở nhà đẩy cá thuê cho các đại lý lấy tiền nuôi con cái ăn học.

“Sau khi biển bị nhiễm độc, 2 tháng đầu tôi thất nghiệp, tháng vừa rồi tôi ra khơi tiếp nhưng số tiền thu được không đủ để trang trải ăn uống trong nhà chứ chưa nói đến trả nợ. Vợ tôi cũng đang thất nghiệp. 4 đứa con sắp nhập học mà sách vở, quần áo, tiền nộp cho nhà trường chưa xoay được đồng nào”, anh Huyên than thở.

Co cuc, tung quan la buc tranh hau su co moi truong tai cac lang que ven bien - Anh 2

Chiếc bàn học tập của con anh Huyên không thể nhỏ hơn được nữa

Từ trong nhà, chị cả Nguyễn Lâm Quỳnh (lớp 11) đang hướng dẫn em trai Nguyễn Văn Thái Sơn (lớp 9) làm bài tập trên chiếc bàn không thể nhỏ hơn được nữa; hai cô con gái Nguyễn Linh Giang (lớp 3) và Nguyễn Ái Nhân (lớp 1) nhắng nhít nhìn bố tiếp khách với ánh mắt ngây thơ hồn nhiên.

Anh Huyên nói: “Hai cháu lớn từ ngày đi học đến nay đều là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường, của lớp. Riêng cháu Quỳnh hai năm liền là học sinh giỏi tỉnh môn Văn. Các cháu đều có đam mê học tập, vợ chồng tôi hi vọng chúng sẽ thoát khỏi cảnh khổ cực của bố mẹ. Nhưng kinh tế gia đình đang bi đát. Gần 15 triệu đồng tiền nộp học chưa biết vay đâu, sách vở, quần áo cũng chưa sắm”.

Được biết, trước sự cố môi trường bình quân mỗi tháng đi biển anh Huyên kiếm được 7 – 8 triệu đồng, nay thu nhập giảm còn 2 – 3 triệu đồng/tháng, thậm chí như tháng 5/2016 anh không kiếm được đồng nào. Còn chị Phương, trước đẩy cá thuê mỗi ngày thu nhập được 100.000 đồng, nhưng hơn 4 tháng nay cả tháng chị chỉ quanh quẩn ở nhà vì không có ai thuê.

Co cuc, tung quan la buc tranh hau su co moi truong tai cac lang que ven bien - Anh 3

Nếu sắp tới không được miễn giảm và phải nộp dồn học phí, khả năng chị Xuân phải cho cháu lớn nghỉ học

Cũng thuộc diện cận nghèo, hộ anh Nguyễn Dương Hoàng (37 tuổi), chị Ngô Thị Xuân (35 tuổi), thôn Sơn Bằng có 3 con đang học lớp 7, lớp 4 và lớp 1 là Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Hoài Thu và Nguyễn Phi Tiến.

Vợ chồng anh Hoàng bi đát hơn anh Huyên vì những năm tháng sóng yên biển lặng, anh chị tích góp được 120 triệu đồng, vay mượn thêm 150 triệu từ ngân hàng dựng căn nhà cấp 4 trú mưa che nắng, đến nay số tiền nợ chưa trả hết thì đường làm ăn đứt đoạn.

Chị Xuân cho biết, trước anh Hoàng đánh bắt vùng lộng, còn chị nướng cá thuê, mỗi tháng hai vợ chồng cũng kiếm được từ 10 – 12 triệu đồng nhưng mấy tháng nay, bình quân mỗi ngày thu nhập cả hai chỉ được khoảng 150.000 đồng.

“Tính sơ sơ đầu năm phải nộp cho nhà trường 11 triệu đồng/3 cháu, còn tiền quần áo, sách vở chưa tính. Tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách giảm học phí cho con em vùng biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Nếu sắp tới bắt nộp dồn trong học kỳ 1 thì nhiều khả năng tôi phải cho cháu lớn nghỉ học. Tôi cũng đang tính đến cuối năm đi XKLĐ kiếm tiền về trả nợ và nuôi con”, chị Xuân buồn bã nói.

Hơn 2.000 học sinh ảnh hưởng

Theo thống kê của UBND huyện Lộc Hà, sự cố môi trường vừa qua đã khiến trên 3.462 hộ dân các xã Thạch Kim, Thạch Bằng, Mai Phụ, Thịnh Lộc ảnh hưởng.

Trong đó, có 2.038 em học sinh, sinh viên (THCS 1.341 em; THPT 362 em; đại học, cao đẳng, trung cấp 335 em) đang đứng trước nguy cơ thiếu tiền nộp học phí. Riêng xã Thạch Kim có 2.044 hộ bị ảnh hưởng với 1.055 em.

Ông Phan Đình Cương, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bằng nhận định, sắp tới nhiều phụ huynh sẽ không có tiền nộp học phí cho con em, bởi người dân hầu hết sinh sống dựa vào nghề đi biển và làm dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, hiện cả hai nghề trên đều đang “chết”.

Còn Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Lê Trung Phước cho hay, huyện đang bàn giải pháp, tích cực đề nghị cấp trên miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp cho các em vì sau sự cố môi trường thu nhập của gia đình các em đều giảm mạnh.

“Bây giờ những hộ dân cận nghèo như chúng tôi tái nghèo rồi. Còn những hộ khá giả chắc cũng đang nợ nần chồng chất, bi đát không khác gì chúng tôi”, anh Nguyễn Văn Huyên chia sẻ.

Thanh Nga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP