Giao Thông

Hà Tĩnh: Chủ tịch xã "thông đồng" nhà thầu bán đất trục lợi

Đường giao thông nối ra nghĩa trang đến khe Bò thuộc thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) là công trình thuộc dự án 106 kết hợp chương trình Nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án này có nhiều nghi vấn ngay từ chủ đầu tư khi lựa chọn nhà thầu.

Đường giao thông nối ra nghĩa trang đến khe Bò thuộc thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam, nơi có nhiều dấu hiệu nghi vấn.

Thông đồng nhà thầu để trục lợi

Tuyến đường do UBND xã Kỳ Nam làm chủ đầu tư, Công ty Tư vấn Nhật Minh ở TP Hà Tĩnh thiết kế và Công ty Tư vấn và Xây lắp Hòa Bình, trụ sở ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà là đơn vị thi công. Công trình có chiều dài 700m, mặt đường rộng 3,5m, dày 16cm, đá 1x2, bê tông max 200. Với tổng chi phí xây dựng gần 1,9 tỷ đồng từ nguồn dự án 106 và chương trình Nông thôn mới. Đây là ngân sách do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn, nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng.

Hợp đồng xây dựng được ký từ cuối năm 2016 nhưng do thời tiết không thuận lợi nên đầu năm 2017 công trình mới được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5 này.

Tại hiện trường, hai bên đường bị đào thành những hố sâu và rộng, dấu vết còn rất mới. Hỏi người dân trong vùng thì được biết, để làm nên con đường này, nhà thầu đã lấy đất hai bên đường để đắp lên, gây khó khăn trở ngại cho việc đi lại.

Hai bên đường bị đào thành những hố sâu với diện tích rộng, dấu vết còn rất mới.

Vật liệu để thi công cũng không đảm bảo chất lượng. Cát xây dựng rất bẩn, lẫn nhiều tạp chất, đất đá. Ảnh hưởng rất lớn đến độ kết dính cũng như khả năng chịu lực của công trình.

Cát xây dựng không đảm bảo chất lượng, hết sức bẩn, lẫn nhiều tạp chất, đất đá.

Những đoạn đã đổ bê tông, nhà thầu không chở đất đủ độ K về đắp lề mà múc đất hai bên đường đắp vào. Điều đáng nói là loại đất này hết sức kém chất lượng, pha tạp cả đất đá, rễ cây. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, lề đường sẽ bị cuốn trôi.

Những đoạn đã đổ bê tông, nhà thầu đã sử dụng lớp đất phong hóa để đắp lề.

Loại đất này hết sức kém chất lượng, pha tạp cả đất đá, rễ cây.


Không có chuyện bán đất cho Kỳ Nam

Trao đổi với PV, ông Hoàng Trọng Ánh, Giám đốc Công ty Tư vấn và Xây lắp Hòa Bình cho biết: “Đất đổ đường được mua ở phường Kỳ Phương. Trong quá trình thi công, do thiếu một ít nên có múc lên đổ hai bên lề cho cao lên, và vuốt taluy cho đẹp”.

PV thắc mắc việc hai bên đường bị đào với diện tích rất rộng, dấu vết còn rất mới, cát xây dựng kém chất lượng, ông Ánh giải thích: “Đó là do xã làm Nông thôn mới hoặc đào từ thời xa xưa, thời làm hầm đèo ngang. Còn cát được lấy từ Quảng Bình, do tập kết từ lâu, trước 30/4, nên khi trời mưa gió làm đất đá lẫn lộn”.

Cũng theo ông Ánh, đơn vị sẽ cho kiểm tra lại, nếu thấy cát bẩn như phản ánh thì loại ra, lấy thứ mới về làm vì cũng không còn nhiều nữa”.

Người dân cho rằng sở dĩ có những hố sâu hai bên đường là do nhà thầu đào đất đá để đắp đường.

Để tiếp cận thông tin về công trình, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Hiện tại tôi đang đi họp ngoài thị xã. Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật về công trình thì kế toán nắm chứ Chủ tịch làm gì có số liệu. Tất cả mọi giấy tờ do kế toán quản lý”.

Khi PV có mặt tại UBND xã Kỳ Nam thì ông Lê Văn Ngự, nhân viên kế toán lại nói rằng không nghe Chủ tịch chỉ đạo nên không thể cung cấp hồ sơ. PV liên lạc lại với ông Vin nhưng gọi cả chục cuộc ông Vin vẫn không trả lời, thậm chí tắt ngang máy. Cuối cùng, PV phải nhờ Bí thư Đảng ủy xã can thiệp nhưng cũng không có kết quả.

Trao đổi với ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương để xác minh nguồn gốc đất nói trên, ông Chương khẳng định: “Hiện tại địa phương không có mỏ đất nào cả. Trước đây có làm thủ tục xin cấp nhưng không được. Khi cần để đổ đường NTM thì phường tìm chỗ nào đó lấy ít xe về đổ cho dân đi vậy thôi”.

PV đặt vấn đề là địa phương có hợp đồng với các doanh nghiệp để chuyển đất ra ngoài hay không? Ông Chương quả quyết: “Tuyệt đối không có chuyện chuyển đất ra ngoài. Trường hợp vận chuyển ra ngoài thì chỉ có đào trộm thôi. Mà đào trộm thì chỉ được vài xe, không có nhiều. Còn chuyện ký hồ sơ, thủ tục hay xuất hóa đơn để vận chuyển đất sang Kỳ Nam là hoàn toàn không có”.

Như vậy là quá rõ việc ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam bưng bít thông tin về công trình là nhằm che đậy cho hành vi sai trái của mình. Ông Vin đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để thông đồng với nhà thầu bán đất trái phép. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để truy thu nhằm tránh thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Dưới đây là một số hình ảnh mà PV ghi nhận được tại công trình:

Tác giả: Phi Long - Trần Hoàn

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP