Kinh tế

Hà Tĩnh: Chính quyền “triệt đường sống”, nhà đầu tư nước ngoài lãnh đủ

Là một Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng cho thuê đất trong 50 năm. Tuy nhiên sau 03 năm hoạt động, trải qua 5 năm đề nghị xin được gia hạn cấp phép nhưng đến nay (Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế Việt-Séc) vẫn không được đáp ứng.

Trên cơ sở Hiệp định song phương giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Cộng hòa Séc ký năm 1997 về khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự và hình sự ký năm 1982; Luật Đầu tư- Luật doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2008 tại Hà Tĩnh, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế Việt-Séc) được thành lập bởi ba cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH SEZAKO PREROV (sở hữu 60% vốn điều lệ Việt – Séc).Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại ĐỨC HUY (sở hữu 30% vốn điều lệ Việt-Séc. Công ty TNHH NHƯ NAM (sở hữu 10% vốn điều lệ Việt-Séc).

Ngày 26/2/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 28121000040 (GCNĐT), để thực hiện Dự án: Khai thác và chế biến đá tại mỏ đá Cổng Khánh nhằm phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Ngày 04/6/2009 UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 1620/UBND-QĐ về việc cho thuê đất (03ha) sử dụng vào mục đích khai thác và QĐ số 2205/UBND-QĐ ngày 20.7.2009 cho thuê đất sử dụng vào mục đích xây dựng khu chế biến đá. (5ha, thời hạn 50 năm).

Giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường do UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Công ty cổ phần hợp tác kinh tế Việt – Séc với thời 03 năm.

Địa điểm thực hiện dự án khai thác và chế biến đá tại Phường Đậu Liêu, TX.Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, với tổng diện tích đất sử dụng là 08ha. Trong đó diện tích khu vực khai thác là 03ha và 05 ha dùng để xây dựng khu chế biến.

Trước đó, ngày 01/8/2008, Công ty Việt-Séc được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường với thời hạn ba (03) năm, có hiệu lực đến hết ngày 01/8/2011.

Căn cứ vào các văn bản pháp lý dẫn trên, Công ty SEZAKO PREROV CH Séc đã quyết định đầu tư vào dự án đã được phê duyệt với tồng số vốn trên 30 tỷ VND bằng hình thức cung cấp các thiết bị khai thác và lắp đặt dây chuyền công nghệ chế biến đá với công nghệ hiện đại từ CH Séc. Đó cũng là cơ sở vững chắc để nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào một dự án sẽ có thể được hoạt động ít nhất trong thời gian năm mươi (50) năm.

Từ khi xây dựng cho đến đi vào hoạt động,  dự án từng bước khẳng định hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động trên địa bàn. Tuy nhiên sự việc trở nên rắc rối khi Giấy phép khai thác mỏ hết hạn vào ngày 01/08/2011 bị cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Hà Tĩnh từ chối gia hạn.

Từ năm 2011 đến nay, các văn bản của Công ty cổ phần hợp tác kinh tế Việt – Séc liên tục được gửi cho Chính quyền Hà Tĩnh xin gia hạn khai thác nhưng không được chấp thuận.

 Mặc dù trước khi giấy phép khai thác mỏ hết hạn hơn 3 tháng (28/4/2011), công ty luôn liên tục đệ đơn xin được gia hạn Giấy phép khai thác. Tuy nhiên mãi đến năm 2014 mới nhận được văn bản trả lời đầu tiên từ phía sở TN&MT số 2389 ngày 27/8.

 Tiếp theo là các văn bản số 2630 ngày 18/9; văn bản số 2275 ngày 01.9.2015 và  “văn bản cuối cùng”  số 1195 ngày 19.5.2016. Nội dung tất cả các văn bản trả lời của Sở đều nhất quán khẳng định: “Mỏ đá của Công ty Việt – Séc nằm trong khu vực phải chấm dứt hoạt động sau khi giấy phép hết hạn. Khu vực mỏ đã cấp phép hiện không nằm trong quy hoạch điều chỉnh bổ sung đã được tỉnh phê duyệt và đề nghị Công ty (nếu có nhu cầu) tìm vị trí  mới (Sơn Thủy huyện Hương Sơn và Đức Giang huyện Vũ Quang) phù hợp với quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tiếp tục triển khai hoạt động. Đồng thời Sở yêu cầu Công ty khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Sở TN&MT cũng nêu rõ cơ sở để đưa ra lời khẳng định này, đó là thực hiện nghiêm túc QĐ số 2427 ngày 22.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển khoáng sản: “không khai thác vật liệu xây   dựng ở chân sườn đồi, núi dọc theo tuyến đường QL để bảo vệ cảnh quan” và căn cứ Báo cáo 03 ngày 19.7.2013 của Đoàn kểm tra, Thông báo kết luận số 305 ngày 19.8.2013 và QĐ số 431 ngày 06.02.2014 của UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện QĐ số 2427 của Thủ tướng chính phủ về chiến lược khoáng sản, từ đầu năm 2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ thị thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, ban hành một số văn bản, QĐ về việc chấm dứt hoạt động khai thác đá tại các mỏ đá xây dựng khu vực chân sườn đồi, núi dọc hai bên đường QL 8B.

Theo đó một số nguyên tắc, tiêu chí và hướng xử lý đã được thống nhất cụ thể:

 Về nguyên tắc:

Đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng nghiêm túc, khách quan, đúng pháp luật; xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động khai thác phù hợp nhằm giảm thiểu các thiệt hai về tài sản, chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp…

Về tiêu chí:

Căn cứ khoảng cách gần nhất từ mép hành lang an toàn của QL1Atheo thiết kế (QL 8B cũ) đến ranh giới cấp mỏ, gương khai thác đảm bảo an toàn về việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cảnh quan môi trường, điểm đấu nối.

Căn cứ thời hạn của Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp và mức độ đầu tư thực tế của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

Hướng xử lý:

Đối với các trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn hoặc hết hạn trước ngày 30.6.2014, nếu đơn vị có nhu cầu tiếp tục hoạt động khoáng sản và có văn bản cam kết tự di dời máy móc thiết bị, lán trại, dụng cụ…phục vụ khai thác mỏ ra khỏi khu vực mỏ mà không đòi hỏi bồi thường tài sản đã đầu tư trong quá trình khai thác thì cho phép lập hồ sơ để được cấp phép khai thác (thời gian khai thác tối đa đến ngày 30.6.2014).

Đối với các mỏ có khoảng cách gần với QL 1A, ảnh hưởng cảnh quan môi trường nhưng do đầu tư lớn nên được kéo dài thời gian khai thác.

Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, Công ty Việt-Séc (tổ chức kinh tế có vốn đầu tư Nước ngoài) hoàn tòan không được tham gia hay thông báo bất cứ thông tin nào về lộ trình chấm dứt hoạt động khai thác được cho là “đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, nghiêm túc, khách quan, đúng pháp luật giảm thiểu các thiệt hai về tài sản, chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp”.

 Thậm chí ngay cả trong danh sách các đơn vị hoạt động khoáng sản (HĐKS) ở chân đồi, núi dọc theo đường QL8B kèm theo Công văn 396/UBND ngày 4/2/2013 của UBND tỉnh cũng không có tên của Công ty Việt -Séc.

 Ngược lại, mỏ đá của Công ty Việt – Séc được UBND tỉnh Hà Tĩnh kết luận là đối tượng phải chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ ngay sau khi hết hạn giấy phép khai thác (1.8.2011) như là một kết luận đã được mặc định từ trước mà không cần phải quan tâm đến khía cạnh pháp lý cũng như tình hình thực tế của công ty.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo 03 ngày 19.7.2013 của Đoàn kểm tra và Thông báo kết luận số 305 của UBND tỉnh ngày 19.8.2013,thì phần lớn các mỏ trong tổng số 29 mỏ dưới chân đồi dọc theo QL 1A (có khoảng cách từ mép hành lang an toàn QL1A theo thiết kế đến ranh giới mỏ gần hơn so với khoảng cách này của Công ty Việt-Séc và mức độ đầu tư thực tế ít hơn …)đã được phép tiếp tục hoạt động kể cả giấy phép KT đã hết hạn.

Trong đó một số mỏ được phép hoạt động đến tháng 6/2014, một số mỏ được hoạt động đến 31.12.2015 và một số mỏ sau năm 2015 vẫn đang được xem xét gia hạn.

Từ kết quả xử lý của UBND tỉnh cho thấy nguyên tắc và tiêu chí do Chính quyền đề ra đã không được áp dụng đối với Công ty Việt-Séc (Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Điều này đã phản ánh rõ thực trạng đối xử bất công, phân biệt đối với đầu tư nước ngoài từ phía chính quyền địa phương, vi phạm  Điều 3 về Nguyên tắc đối xử quốc gia và Quy chế tối huệ quốc của Hiệp định song phương giữa hai Chính phủ Séc-Việt về khuyến khích và bảo hộ đầu tư dẫn trên:  bên tham gia ký kết phải đảm bảo sự đối xử công bằng và thỏa đáng đối với đầu tư và lợi nhuận của các nhà đầu tư từ bên thứ hai tham gia ký kết trên lãnh thổ của mình và không kém phần thuận lợi hơn so với đầu tư và lợi nhuận của các nhà đầu tư trong nước hoặc đầu tư và lợi nhuận của các nhà đầu tư đến từ bất kỳ nước thứ ba nào (trong trường hợp họ được hưởng thuận lợi hơn).

Việc hoạt động khai thác của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty Việt-Séc) tại nơi đã được cấp phép nhưng không được tiếp tục gia hạn sau mới chỉ hơn hai năm hoạt động. Cùng  những hành vi đối xử phân biệt của các cơ quan có thẩm quyền và vì Quy hoạch điều chỉnh bổ sung, phân vùng hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh Hà Tĩnh kèm theo các quyết định liên quan trên cơ sở thực hiện theo QĐ số 2427 của Thủ tướng Chính phủ – đồng nghĩa với việc Dự án khai thác, chế biến đá làm VLXDTT của Việt-Séc buộc phải chấm dứt hoạt động dẫn đến vốn đầu tư (máy móc thiết bị phục vụ khai thác và dây chuyền công nghệ chế biến đá) của nhà đầu tư nước ngoài đang bị hủy hoại và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Ông Jan SVRCEK, đại diện hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài SEZAKO PREROV CH Séc, chủ tịch HĐQT kiêm đại diện theo pháp luật của Công ty CP HTKT Việt-Séc bức xúc:Việc không gia hạn Giấy phép hoặc từ chối gia hạn Giấy phép sau khi Giấy phép hết hạn  và cả những lập luận vì lý do bảo vệ môi trường đều  được xác định là những hành động có ảnh hưởng tương tự như việc tước quyền sở hữu đầu tư nước ngoài. Nhà nước áp dụng biện pháp đó nhất thiết phải xác lập trách nhiệm bồi thường đầy đủ cho các khoản đầu tư kể cả lãi suất tương ứng và tổn thất thu nhập mà lẽ ra nhà đầu tư được hưởng nếu không có hành vi nêu trên – Hiệp định song phương giữa hai chính phủ Séc-Việt về khuyến khích và bảo bộ đầu tư đã quy định rõ điều đó”.

Ông Jan SVRCEK, đại diện hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài SEZAKO PREROV CH Séc, chủ tịch HĐQT kiêm đại diện theo pháp luật của Công ty CP HTKT Việt-Séc đang trao đổi với PV

Trong khi Đảng và Chính phủ “Bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp – khuyến khích, kêu gọi và bảo hộ đầu tư nước ngoài” thì ở Hà Tĩnh phải chăng cơ quan công quyền đang làm ngược lại ?

Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt đang bộc lộ những yếu kém nội tại về quản trị, về vốn, nhân lực, công nghệ … Nếu thêm những yếu tố kiểu đối xử phân biệt nhà đầu tư nước ngoài như cách hành xử của cơ quan công quyền Hà Tĩnh thì liệu chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam có còn hấp dẫn và nền kinh tế Hà Tĩnhcó thể và khi nào sẽ có khả năng để “hội nhập” ?

Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP