Theo đó, quyết định số 2588/QDUB-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành phê duyệt giá trị các lô hải sản đã được Sở Y tế Hà Tĩnh xác nhận không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép.
Tổng khối lượng hải sản bị nhiễm cadimi cần phải tiêu hủy là 11.790,3kg, tại kho đông lạnh của Công ty CP XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh (huyện Kỳ Anh), kho đông lạnh Sang Liên (ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), kho HTX Thiên Phú và kho HTX Hùng Mạnh (ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà).
Tổng số tiền được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt để hỗ trợ cho các chủ cơ sở đông lạnh tạm trữ hải sản này là 395.064.000 đồng.
Kho đông lạnh của Hợp tác xã Mạnh Hùng (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang được niêm phong 6.700kg cá chứa kim loại cadimi vượt ngưỡng.
Trước đó, sau khi xảy ra sự cố môi trường do Formosa xả thải khiến khu vực biển 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm, cơ quan cức năng Hà Tĩnh đã tiến hành lấy mẫu cá tạm trữ tại các kho đông lạnh trên địa bàn để phân tích độc tố chứa trong cá. Kết quả phân tích cho thấy, có hơn 10 tấn gồm các loại cá gai xồ, cá gai nhỏ, cá xước tre, cá mím, cá hồng, cá mu đều có hàm lượng kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng cho phép.
Ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra cá được niêm phong trong kho đông lạnh.
Theo ông, Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở Y tế Hà Tĩnh, nếu người dân ăn phải loại cá nhiễm kim loại nặng cadimi trên 0,007 microgram sẽ gây nhiễm độc cơ thể tùy theo thể trạng mỗi người. Độc tố của cadimi nếu trên mức cho phép sẽ làm tăng huyết áp, thủng vách ngăn mũi, rối loạn chức năng thận và có thể phá hủy tủy xương, ảnh hưởng nội tiết, máu, tim mạch.
Trao đổi với phóng viên sáng 21/9, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: “Hiện Sở Y tế được giao niệm vụ tính toán, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách theo quy định. Sau khi hoàn tất việc hỗ trợ cho người dân thì chúng tôi sẽ xin tỉnh phê duyệt địa điểm và tiến hành tiêu hủy”.