Xã hội

Hà Tĩnh: “Các cơ quan quản lý có một căn bệnh là... bệnh chủ quan!”

"Vụ sản xuất đông xuân, trong đó giống lúa Thiên Ưu 8 đã mất mùa thảm dù nguyên nhân có thể do thời tiết, giống hay trách của cơ quan quản lý thì trách nhiệm chủ quan vẫn là số 1. Trong đó, có một căn bệnh trong các cơ quan quản lý là bệnh chủ quan…"

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đã thẳng thắn chỉ ra như vậy trong phiên chất vấn sáng nay (14/7) tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân khóa XVII khi nói về việc tăng trưởng ngành nông nghiệp bị giảm 3,4%, đặc biệt vụ việc giống lúa Thiên Ưu 8 bị mất mùa trầm trọng.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng ngành sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh giảm 3,4%, đặc biệt giá lợn giảm sâu, lúa bị sâu bệnh, mất mùa gây thiệt hại nặng nề.

Trả lời tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh lý giải về nguyên nhân khách quan là do thị trường gặp nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, dẫn tới giảm diện tích, năng suất giảm; sự cố môi trường cũng đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất nông nghiệp và trong giai đoạn này nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp giảm.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh trả lời chất vấn sáng nay (14/7)

Về nguyên nhân chủ quan là do thói quen canh tác của người dân và các cơ quan có phần chủ quan.

“Trước việc lúa vụ đông xuân, đặc biệt giống lúa Thiên Ưu 8 bị mất mùa ngành hết sức trăn trở và thấy mình có phần trách nhiệm ở trong đó và xem đó là một bài học để ngành tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hơn”, ông Việt nói.

Cũng theo vị này, thì sau khi sự việc xảy ra, tỉnh, ngành cũng đã có những hỗ trợ cho người dân như cung cấp giống cho người dân, hỗ trợ 1 triệu/ha đối với diện tích bị ảnh hưởng từ 30%-70% và 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị ảnh hưởng trên 70%...

“Đây là việc quá bất ngờ, chưa từng gặp!”

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần: Tại sao khi sự việc được phát hiện đội ngũ kỹ thuật không khuyến cáo cho người dân?

Việc giống lúa Thiên Ưu 8 bị bệnh đạo ôn cổ bông, dẫn tới mất mùa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần đặt câu hỏi: Trước đây, ngày 24/4, tại huyện Nghi Xuân, chúng tôi đã cảnh báo giống lúa Thiên Ưu 8 có dấu hiệu bị bệnh đạo ôn nhưng phía đơn vị cung ứng giống đổ lỗi là do người dân làm không đúng thời vụ? Đến ngày 7/5 đạo ôn đã lan rộng cả cánh đồng. Tại sao, khi sự việc được phát hiện đội ngũ kỹ thuật không khuyến cáo cho người dân?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng, ngành đã có khuyến cáo, kiến nghị nhưng vai trò trách nhiệm của công ty cung ứng giống là Công ty CP giống cây trồng Trung ương chưa kịp thời.

“Đây là việc quá bất ngờ. Khi sự việc xảy ra, chỗ anh em báo cáo là bệnh trên lá xuất hiện ít mà cổ bông lại xuất hiện nhiều, đây là việc hết sức bất ngờ. Trong làm nghề chưa bao giờ gặp như vậy!”, ông Việt nói.

Đại biểu Trần Nhật Tân (Đoàn đại biểu huyện Thạch Hà) yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống Thiên Ưu 8

Cùng vấn đề này, đại biểu Trần Nhật Tân (Đoàn đại biểu huyện Thạch Hà) gay gắt: "Tôi thấy chưa đề cập đến trách nhiệm của đơn vị cung cấp giống?

Ở Thạch Hà khi đi kiểm tra ngoài đồng lúa và chụp ảnh trên bao bì thấy ghi giống lúa kháng bệnh đạo ôn và sâu bệnh tốt nhưng giờ lại bị bệnh đạo ôn. Chúng tôi đã nhiều lần phát văn bản gửi đơn vị cung ứng giống tới làm việc nhưng họ không có phản hồi.

Người dân và các tổ chức xã hội yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin hỏi đã đủ điều kiện để khởi kiện đơn vị cung ứng giống hay chưa?"

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã điện cho công ty cung ứng giống và họ đã cùng đi kiểm tra, nhưng lúc đó cũng là giai đoạn muộn rồi” .

“Ngày 25/6 ngành đã làm việc với công ty, họ đã hỗ trợ 400 tấn giống. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục mời công ty này vào làm việc cùng các sở, ban ngành đề nghị công ty đánh giá khả năng kháng bệnh đạo ôn và nội dung kháng cáo trên bao bì như quảng cáo, quảng cáo trên bao bì có sự sai khác. Tại buổi làm việc, đơn vị cung ứng giống trả lời chưa thuyết phục, họ đổ lỗi do thời tiết”, ông Việt cho biết.

Cũng theo ông Việt, hiện UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá nguyên nhân vụ việc và để làm rõ trách nhiệm.

Về vấn đề khởi kiện, ông Việt cho rằng, trách nhiệm của ngành là làm theo quy định nếu vi phạm thì có quyền khởi kiện. Quan điểm của ngành là ủng hộ để làm rõ vụ việc này.

Chưa bằng lòng với câu trả lời của giám đốc Sở NN&PTNT, đại biểu Tân tiếp tục truy cần làm rõ trách nhiệm của công ty, không thể lấp liếm việc này được. Nếu khởi kiện thì ai là người sẽ hướng dẫn cho người dân?

“Khi nào có kết luận cụ thể của Hội đồng khoa học thì tới lúc đó sẽ xem xét nếu đủ cơ sở thì sẽ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để khởi kiện cũng như việc xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân. Trong làm nghề chưa bao giờ gặp như vậy, đây là việc quá bất ngờ”, ông Việt một lần nữa cho biết.

Các cơ quan quản lý có một căn bệnh là bệnh chủ quan!

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Có một căn bệnh trong các cơ quan quản lý là bệnh chủ quan. Mấy vụ trước được mùa nên mùa này chủ quan.

Tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng: “Vụ lúa đông xuân, trong đó giống lúa Thiên Ưu 8 đã mất mùa thảm dù nguyên nhân có thể do thời tiết, giống hay của cơ quan quản lý nhưng trong đó trách nhiệm chủ quan là số 1. Trong đó, có một căn bệnh trong các cơ quan quản lý là bệnh chủ quan. Mấy vụ trước được mùa nên mùa này chủ quan.

Có rất nhiều đơn vị khi cung ứng giống thì nhiệt tình chào mời nhưng khi sự việc xảy ra thì không thấy đâu? Cần làm rõ trong quy trình xử lý thì khâu nào yếu nhất?", Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các ngành tiếp tục làm rõ.

Trong vụ sản xuất đông xuân lúa Thiên Ưu 8 bị nhiễm bệnh 20.271 ha, chiếm 35% tổng diện tích, làm giảm 8,6 vạn tấn lương thực


Tác giả: Xuân Sinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP