Nghi Xuân

Hà Tĩnh: 22 năm mỏi mòn chờ quyết định cấp đất

Sau khi chia tách 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, 55 hộ gia đình là CBCVC nhà nước được xét giao đất ở huyện Nghi Xuân để tiện đi lại, công tác, thế nhưng đã 22 năm trôi qua, các hộ gia đình nói trên không hề được hưởng quyền lợi về đất vì quyết định tạm đình chỉ để thành lập đô thị của tỉnh.

Sau khi có chủ trương xét giao đất ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) này, nhiều hộ dân đã tích cực hoàn thành các nghĩa vụ của mình để có các giấy tờ về đất. Tuy nhiên, tất cả các công trình đều phải tạm đình chỉ xây dựng để thành lập đô thị theo quyết định số 1217/QĐ –UBND ngày 11/10/1993 của tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, sau khi được điều động về công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, vào tháng 3/1991, lo lắng cho nơi ăn chốn ở của mình nên nhiều gia đình cán bộ, viên chức đã đề xuất nguyện vọng được mua đất làm nhà tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.

Hatinh24h   hatinh24h

Khu đất phía Nam cầu Bến Thủy được cho là đã cấp cho hàng chục hộ dân

 

Ông Nguyễn Đình Quang (SN 1942), nguyên là cán bộ Ban quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT) là người có đã từng có nhiều công lao trong quá trình xây dựng cầu Bến Thủy cũng như việc phát triển kinh tế của huyện Nghi Xuân cũng là một trong những người được ưu tiên xét cấp đất ở khu vực này.

“Đây là vùng đất giáp ranh giữa Nghệ An và Hà Tĩnh, sẽ thuận tiện cho việc di chuyển, công tác nên chúng tôi được xét cấp đất. Nhiều hộ gia đình đã nộp tiền và có đầy đủ giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bây giờ (sổ xanh – PV). Một số hộ nộp tiền nhưng chưa đươc giao đất thì UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 11/10/1993 (gọi tắt QĐ 1217) về việc đình chỉ xây dựng để thực hiện quy hoạch xây dựng  xã Xuân An lên thị trấn Xuân An vào năm 1994. Sau nhiều năm nhưng quyết định 1217 vẫn giữ nguyên giá trị nên chúng tôi vẫn không sử dụng được đất, cũng không thực hiện được các thủ tục về đất của mình”.

Hà Tĩnh: 22 năm mỏi mòn chờ quyết định cấp đất - Ảnh 2

Phiếu thu tiền và giấy tờ đất của gia đình ông Nguyễn Đình Quang

Đến cuối năm 2004, UBND tỉnh có chủ trương giải quyết việc tồn đọng đất đai tại thị trấn Xuân An, nói cụ thể hơn là giải quyết hậu quả QĐ1217.

Thanh tra tỉnh là đơn vị được tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết  nội dung này. Tuy nhiên, trong công văn trả lời đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Lợi ở thị xã Hồng Lĩnh (cũng là người đã được cấp đất ở phía Nam cầu Bến Thủy) về việc bị thu hồi đất nhưng không có tiền đền bù, hỗ trợ, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh lại phủ nhận quyền sở hữu của gia đình bà Lợi vì “đất được giao không đúng đối tượng”(?!)

Điều đáng nói ở đây là vào ngày 6/6/2006, đại diện UBND thị trấn Xuân An, UBND huyện Nghi Xuân và gia đình bà Nguyễn Thị Lợi đã ký bản cam kết về việc chi trả tiền bồi thường đất ở cho hộ gia đình bà Lợi vì phải di dời thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Gia Lách của Công ty Cổ phần Hoàng Mai Ngọc. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, gia đình bà Lợi vẫn chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào.

Hà Tĩnh: 22 năm mỏi mòn chờ quyết định cấp đất - Ảnh 3

Mảnh đất của gia đình bà Lợi được thu hồi để làm đường vào khu du lịch

Bàn về vấn đề đất cấp trái thẩm quyền, đại diện Công ty Luật Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo Điều 23, Nghị định 43/2014 về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền nêu rõ: “Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này”.

Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trương Văn Cường, Phòng nghiệp vụ 1 Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, Phó đoàn Thanh tra cho biết: “Kết luận thanh tra về khiếu kiện đất đai thuộc huyện Nghi Xuân chưa có nhưng quá trình làm thì bà Lợi có ý kiến thắc mắc nên đoàn đã có văn bản hướng dẫn trả lời gửi về cho bà. Vì nguyên tắc chưa ban hành quyết định nên đoàn thanh tra chưa thể tiết lộ được gì thêm. Vụ việc này phức tạp kéo dài 22 năm nên chưa thể giải quyết ngay được. Các hộ được giao đất trên, ngoài giao đất không đúng thẩm quyền, thì cái quan trọng nhất là không đúng đối tượng”.

Hiện nay, ngoài hộ ông Quang, bà Lợi còn có hơn 50 gia đình khác vẫn đang mòn mỏi chờ đợi câu trả lời từ các cấp chính quyền ở tỉnh Hà Tĩnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến quý độc giả.

HỒ NGỌC – HÀ HẰNG / ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP