Trong nước

GS Thuyết: “Nên đổi tên nước thành Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ đề nghị của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về việc lấy lại tên nước lúc mới giành được độc lập, đồng thời cho rằng theo đúng ngữ pháp tiếng Việt, phải gọi là “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”.

Sau 3 tháng lấy ý kiến của toàn dân, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một bản dự thảo mới, kèm theo đó là báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân, có nhiều điểm sửa đổi rất đáng ghi nhận.Đổi tên nước là một phương án đúng


Lần này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu và đưa vào Dự thảo những nội dung quan trọng mà nhiều chuyên gia và người dân đóng góp, đó là điều đáng mừng. Điều đáng chú ý đầu tiên là kiến nghị lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nước ta đã có từ ngày giành được độc lập.


“Tôi cho rằng đây là một phương án đúng, bởi cái tên này thể hiện đúng bản chất của chế độ chính trị nước ta: Cộng hòa Dân chủ – chế độ do dân làm chủ, mọi việc thực hiện theo bản Hiến pháp do toàn dân nhất trí thông qua và hệ thống pháp luật do những đại diện mà dân bầu ra ban hành.


Tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời năm 1976, trong không khí hào hùng của những ngày giang sơn thu về một mối. Khi ấy, trong tất cả các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa chỉ 5 nước có tên xã hội chủ nghĩa là Liên bang cộng hòa XHCN xô viết (Liên Xô), Cộng hòa nhân dân XHCN An-ba-ni, Cộng hòa liên bang XHCN Nam Tư, Cộng hòa XHCN Ru-ma-ni, Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc, còn các quốc gia khác từ Ba Lan, Bun-ga-ri, Đông Đức, Hung-ga-ri, đến Trung Quốc, Lào, Triều Tiên đều lấy tên là Cộng hòa nhân dân, Cộng hòa dân chủ hoặc Cộng hòa dân chủ nhân dân. Tên nước Cu-ba XHCN chỉ đơn giản là Cộng hòa Cu-ba.

Ngoài ra, lúc đó có 2 nước không thuộc khối XHCN cũng có cụm từ xã hội chủ nghĩa trong tên nước là My-an-ma (từ 1974 đến 1988), và Ly-bi. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Sri Lan-ca có cụm từ xã hội chủ nghĩa trong tên nước, nhưng ta biết rằng quan niệm về XHCN của Sri Lan-ca không giống nước ta, ít nhất ở 2 điểm – chính thể không do Đảng Cộng sản cầm quyền và không theo chủ nghĩa Mác – Lênin”, GS Thuyết chia sẻ.


Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trở lại với tên gọi thiêng liêng, đánh dấu sự ra đời của nền độc lập, của chế độ dân chủ và gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Do đó, chúng ta không có gì phải e ngại khi quyết định trở lại với tên gọi này.


Với những ý kiến lo ngại rằng, đổi tên nước thì sẽ xa rời con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Đó là lo ngại không chính đáng. Từ năm 1945 đến tận năm 1976, tên nước ta không có cụm từ xã hội chủ nghĩa, nhưng đâu có phải vì vậy mà ta không xây dựng chủ nghĩa xã hội! Nếu chỉ lấy một cái tên thể hiện mơ ước mà đạt ngay được mơ ước của mình thì các nước người ta đã làm trước mình lâu rồi”.


Tuy nhiên,với tư cách một chuyên gia về ngôn ngữ, GS Thuyết cho biết tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt theo trật tự từ tiếng Hán (Trung Quốc). “Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán. Các tên gọi như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Việt Nam độc lập đồng minh hội, Việt Nam tuyền truyền giải phóng quân v.v… đều là cách diễn đạt theo tiếng Hán. Bây giờ phải gọi lại là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam mới đúng ngữ pháp tiếng Việt”, GS Thuyết phân tích.



“Hiến pháp được toàn dân thông qua thì mới vững bền”


GS Thuyết cũng nhận định, việc tập thể Chính phủ kiến nghị quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật chứ không phải pháp luật là đúng. “Nói pháp luật thì quá rộng, vì Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của cấp Bộ, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân từ cấp tỉnh cho tới cấp xã cũng bao hàm trong nghĩa này; và nếu tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đó đều có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân thì như vậy là lạm quyền. Còn luật là do Quốc hội thông qua, chỉ cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước này mới có đủ quyền để quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Ở ta hiện nay vẫn đang tồn tại chuyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh điều chỉnh những việc liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tôi cho như vậy không phù hợp với thẩm quyền của cơ quan này, vì chỉ có Quốc hội mới được toàn dân ủy quyền”, GS Thuyết nói.


Đề cập tới ý kiến của đa số thành viên Chính phủ cho rằng quyền lập hiến là sự thể hiện cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, bao gồm quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo hiến pháp và cuối cùng là quyền biểu quyết qua trưng cầu ý dân, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Đây là một đề xuất hợp lòng dân. Hiến pháp là một khế ước xã hội, tức là thỏa thuận của toàn dân về thể chế chính trị, bộ máy nhà nước mà họ muốn lập nên, về quyền của con người, của công dân và của các cơ quan nhà nước trong thể chế ấy.

Cho nên Hiến pháp được toàn dân thông qua thì mới vững bền. Cách thức thông qua Hiến pháp là tổ chức trưng cầu ý dân. Luật về trưng cầu ý dân chưa làm kịp thì có thể làm sau, nhưng trước mắt bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi này cần được toàn dân thông qua. Vừa rồi, Nhà nước có lấy ý kiến nhân dân về bản Dự thảo. Nhưng lấy ý kiến và trưng cầu ý dân là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trưng cầu ý dân được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín, có những câu hỏi rõ ràng để người dân thể hiện sự Đồng ý hay Không đồng ý của mình”.


Ngọc Quang

GDVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP