GS Đào Trọng Thi: Không nên gom tất cả mọi thứ vào, rồi bảo học sinh của chúng ta không có kỹ năng (Ảnh: ND) |
Sau khi tiến hành một cuộc khảo sát nho nhỏ với 45 học sinh THPT, thầy Trần Đình Trợ (giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đưa ra những cảnh báo và cho rằng kỹ năng sống của các em học sinh quá kém… Cá nhân GS có biết về kết quả khảo sát này không?
Tin bài liên quan
>> “Học sinh bây giờ khổ vì nhiều thứ quá!”
>> Hà Tĩnh: Điều tra bất ngờ về học sinh THPT, Kết quả trớ trêu
Khảo sát đó tôi không biết. Nhưng kết luận đó thì không có gì xa lạ cả!Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình SGK do Ủy ban chúng tôi chủ trì, thực hiện cũng đã đi đến một kết luận: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay thiên về dạy chữ mà không quan tâm đến dạy người. Mà dậy người ở đây được hiểu là phẩm chất đạo đức, kỹ năng và lối sống nói chung.
Ngoài ra các báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng khẳng định vấn đề đó. Tóm lại hiện tượng ấy và kết luận ấy không có gì mới và chúng ta cũng nắm được thực trạng này.
Chính vì vậy lần này, một trong những mục tiêu rất quan trọng của chúng ta trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo là chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức, sang một nền giáo dục phát triển về phẩm chất năng lực. Đó là kỹ năng sống, kỹ năng lao động, rồi sự giáo dục về truyền thống văn hóa cũng như đạo đức lối sống cho học sinh.
Kết quả khảo sát của thầy Trợ có những điểm đáng lưu tâm về học sinh hiện nay. Chẳng hạn như các em đều đi xe đạp nhưng lại không biết sửa xe đạp, học sinh từng đi qua sông suối nhưng lại không biết bơi, thậm chí có những em nhớ ngày sinh của bạn nhưng lại không nhớ ngày sinh của cha mẹ mình… GS đánh giá như thế nào về thực trạng này của giới trẻ hiện nay?
Tôi nghĩ chúng ta phải có một phân tích sâu hơn về những hiện tượng anh vừa đề cập. Việc học sinh không biết một số quy tắc tối thiểu trong quan hệ và trong cuộc sống, đưa ra những cảnh báo như vậy nói chung là đúng. Chẳng hạn bơi là kỹ năng bảo vệ cho sức khỏe cũng như bảo vệ tính mạng của mình mà các em không biết thì đáng tiếc.
Nhưng có một số cái cũng không hoàn toàn đúng đắn, không thực sự cần thiết. Ví dụ như việc đi xe đạp mà các em lại không biết chữa xe đạp. Chúng ta tiến tới một xã hội văn minh thì không nhất thiết các em phải chữa được xe đạp, kỹ năng này không cần thiết.
Vì lúc đó các em sẽ sử dụng các loại dịch vụ với một hình thức cao hơn, hiện đại hơn. Nghĩa là các em sẽ tìm đến một dịch vụ chữa xe đạp mà không cần phải làm điều đó…
Thầy Trần Đình Trợ |
Tức là ngay cả kỹ năng sống của các em cũng cần phải lựa chọn chứ không cần biết tất?
Chúng ta phải phân biệt giữa cái cần thiết và không thực sự cần thiết đối với các em học sinh. Còn nếu cứ yêu cầu học sinh biết mọi thứ thì lại không đúng.
Tức là kỹ năng gì cần cho cuộc sống, trong tương lai thì chúng ta phải giáo dục, rèn luyện cho học sinh. Vì có những cái có thể phù hợp với cuộc sống hiện tại, nhưng có thể sau này sẽ không cần nữa. Chúng ta phải phân biệt điều đó, chứ không nên gom tất cả mọi thứ vào, rồi bảo học sinh của chúng ta không có kỹ năng.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận đó là những kỹ năng cơ bản, gần gũi thiết thực nhất mà các em học sinh lại không biết. Thực trạng đó khiến người thầy tiến hành cuộc khảo sát này đã đưa ra nhận định, khi ra đời sau này các em sẽ trở nên “lơ ngơ như bò đội nón”. GS nghĩ sao về nhận định này?
Điều đó rất đúng. Tôi đã nói rồi, chúng ta phải trang bị kỹ năng sống cho học sinh, mà kỹ năng sống là trong cuộc sống hiện tại và trong một tương lai mà các em sẽ phải đối mặt. Những kỹ năng gì cần thiết thì chúng ta phải giáo dục cho các em, chứ không phải mình trang bị cho các em mọi kỹ năng. Hoặc bảo các em phải biết tất mọi thứ thì lại nguy hiểm.
Các em biết hát, biết biểu diễn văn nghệ, biết làm xiếc, rồi biết đủ thứ thì tôi cho có khi lại sa đà vào những chuyện mà lẽ ra cần phải tránh. Chúng ta cần phải phân biệt rất rõ điều này để giáo dục các em.
Xin cảm ơn GS!
Điều tra “xã hội học” nhỏ về học sinh một lớp chọn 12 của thầy Trần Đình Trợ cho kết quả:
1. Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó: Có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.
2. Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi “chó ngoi nác lụt” (Chó ngoi nước lụt – PV). Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn “xuống nước, ba ngày sau mới nổi”.
3. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát.
4. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.
5. Có 45/45 em đọc sách, (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó có 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng kí mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.
6. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.