Pháp luật

Grab không gây thiệt hại cho Vinasun?

Theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, thực chất sự tụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thị trường. Từ đó, Vinasun cho rằng Grab gây thiệt hại cho mình và đòi bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ.

Ngày 11/2, Viện KSND cấp cao tại TPHCM vừa có quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND TPHCM, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM thì Grab không gây thiệt hại cho Vinasun.

Theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM thì Grab không gây thiệt hại cho Vinasun.

Trước đó, ngày 14/1/2019, Viện trưởng Viện KSND TPHCM ký quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm của TAND TPHCM giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là công ty TNHH Grab (Grab).

Theo quyết định bổ sung quyết định kháng nghị, Viện KSND cấp cao tại TPHCM phân tích, tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là: phải có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.

Tuy nhiên, theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra và kết quả xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa sơ thẩm, có đủ căn cứ xác định: Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan có thẩm quyền nhà nước cho phép theo quy định pháp luật trên cơ sở Đề án 24 của Bộ GTVT do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Hoạt động vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. Vì vậy, bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86/2014/CP của Chính phủ là không có cơ sở.

Đồng thời, theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun, nguyên đơn cho rằng bị thiệt hại hơn 41 tỉ đồng do Grab gây ra. Bản án sơ thẩm cũng căn cứ vào Chứng thư giám định của công ty giám định Cửu Long kết luận Grab gây thiệt thại cho Vinasun, từ đó chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.

Theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, thực chất sự tụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun (nếu có) liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải khác, sự thay đổi nhu cầu của hành khách… Và những vấn đề này chưa được đề cập trong kết luận giám định. Từ đó, Vinasun cho rằng Grab gây thiệt hại cho mình và đòi bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ.

Ngoài ra, theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, vì hoạt động kinh doanh của Grab là hợp pháp; doanh thu và lợi nhuận của Vinasun (nếu có) bị sụt giảm là do nhiều nguyên nhân gây ra, và do chính người tiêu dùng đã lựa chọn dịch vụ, tức không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra, nên tòa sơ thẩm buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng cho Vinasun là không có căn cứ.

Tháng 6/2017, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại cho công ty gần 42 tỉ đồng, từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Cuối tháng 12/2018, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên buộc Grab bồi thường cho Viansun số tiền 4,8 tỉ đồng. Sau bản án sơ thẩm cả Vinasun và Grab đồng loạt kháng cáo.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP