Hương Khê

Gỗ lậu phá rừng phòng hộ Sông Tiêm: Mặt trái dự án đường lâm nghiệp

Dự án đường lâm nghiệp do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, dẫn vào thượng nguồn rừng phòng hộ sông Tiêm (xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê) với mục đích góp phần quản lý bền vững rừng phòng hộ. Tuy vậy, khi đưa vào sử dụng, đã vô tình “tiếp tay” cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu, triệt hạ rừng một cách dễ dàng hơn…?!.

Mở đường cho lâm tặc

Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, thời gian qua, hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ diễn ra tại rừng phòng hộ sông Tiêm diễn ra công khai. Theo con đường mới mở thẳng vào thượng nguồn được đầu tư hàng chục tỷ đồng, gỗ lậu cứ thế vượt rừng về xuôi dễ dàng mà không gặp trở ngại nào.

Hàng chục diện tích đất rừng phải nhường chổ cho một dự án phát triển lâm nghiệp
Nhiều diện tích đất rừng phải nhường chỗ cho dự án phát triển lâm nghiệp

Theo tìm hiểu, dư luận tại Hà Tĩnh bức xúc cho rằng, rừng phòng hộ sông Tiêm bị tàn phá trước hết là do quản lý lỏng lẻo của chủ rừng và lực lượng chức năng, nhận thức của một số bộ phận nhân dân về công tác bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế khiến cho cây rừng đối mặt nguy cơ tận diệt. Mặt khác, việc đầu tư dự án mở đường vào rừng phòng hộ sông Tiêm là một sai lầm đáng tiếc.

Năm 2015, đoạn đường có chiều dài hơn 4km, với số vốn đầu tư không dưới 20 tỷ đồng được mở thẳng vào rừng phòng hộ sông Tiêm, dự án do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư từ Quỹ Phát triển lâm nghiệp. Tuy vậy, sau khi đưa vào sử dụng, dự án này đã gặp nhiều phản ứng trái chiều vì cho rằng vô tình “tiếp tay” cho lâm tặc phá rừng.

Việc mở đường phát triển lâm nghiệp đang “tiếp tay” cho hoạt động vận chuyển gỗ lậu
Mở đường phát triển lâm nghiệp “tiếp tay” cho vận chuyển gỗ lậu

Ông Hoàng Quốc Huấn – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Đối với những người làm công tác bảo vệ rừng, mở đường vào rừng là điều tối kỵ, không khuyến khích, bởi lẽ sẽ gặp bất lợi cho ngăn chặn lâm tặc phá rừng ”.

“Hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ lậu ở rừng phòng hộ sông Tiêm có diễn ra, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, phân công lực lượng bám sát địa bàn để phối hợp, ngăn chặn, xử lý. Về dự án đường lâm nghiệp được đầu tư vào năm 2015, thông tin cụ thể, tôi không nắm rõ nhưng chắc chắn khi triển khai phải được đánh giá tác động môi trường… ”, ông Huấn chia sẻ thêm.

Gỗ lậu ngày đêm được chuyển ra khỏi rừng phòng hộ, trong khi đó, chủ rừng lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm phối hợp xử lý. Ông Nguyễn Hữu Thinh – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tiêm đã lên tiếng thừa nhận hoạt động vận chuyển gỗ bằng xe kéo, trâu kéo diễn ra trong thời gian qua. Tuy vậy, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn, đang gặp nhiều khó khăn, do lực lượng mỏng, đối tượng khai thác gỗ ngày càng manh động…”.

Vị đại diện chủ rừng này thừa nhận, để mở được con đường này phải hy sinh khá lớn diện tích đất rừng. Mặc dù, là đại diện của chủ rừng nhưng ông Thinh cũng không nắm được về chủ trương đầu tư của dự án này.Ông Thinh cho rằng, mở đường vào rừng có nghĩa đang đánh đổi rừng, đường vào đến đâu, rừng sẽ hết đến đó. Theo lời ông Thinh, dự án đường lâm nghiệp đang gây trở ngại lớn đối với chủ rừng trong việc khống chế lâm tặc vận chuyển, khai thác gỗ ra khỏi rừng phòng hộ sông Tiêm trong thời gian qua.

Bỏ qua ĐTM?

 Lê Đức Khang – Trưởng Ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản của huyện Hương Khê cho hay, con đường mở vào rừng phòng hộ sông Tiêm là một công trình có vốn đầu tư khá lớn trên địa bàn huyện Hương Khê, được triển khai thi công và đưa vào sử dụng 2015, với hiện trạng nền đất, dự án nhằm phục vụ phát triển lâm nghiệp. Đây là công trình Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, nên địa phương không được biết nhiều nhưng chắc chắn phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) rồi mới triển khai thi công.

Tuy vậy, ông Phan Quốc Lập – Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê, khẳng định: “Chắc chắn là chưa. Nếu họ (chủ đầu tư – PV) thực hiện, ít nhất tôi phải là thành viên Hội đồng thẩm định. Thế nhưng, đến nay, chúng tôi không hề biết về việc thực hiện báo cáo ĐTM của chủ đầu tư”.

Việc mở đường phát triển lâm nghiệp đang “tiếp tay” cho hoạt động vận chuyển gỗ lậu
Phòng TN&MT huyện Hương Khê, khẳng định chắc chắn chưa có báo cáo ĐTM.

Ông Lập nói, thời gian qua, Phòng TN&MT huyện Hương Khê đã tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ thủ tục bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Tuy vậy, đối với các dự án đầu tư có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải xin giấy phép xây dựng trên địa bàn đều không lập hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường.

Ông Dương Văn Kỷ – Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh cũng cho hay, riêng về dự án mở đường vào rừng phòng hộ sông Tiêm sẽ làm thay đổi kết cấu của đất rừng, dễ gây sạt lở, nhiều diện tích rừng đã thu hồi nhường chỗ cho dự án, lượng nước từ thượng nguồn đổ về, vì thế cũng bị điều tiết do tác động của dự án…

Theo ông Phan Quốc Lập – Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê, quy định của luật bảo vệ môi trường, nếu thực hiện dự án khi chưa có báo cáo ĐTM là sai, cần phải xử lý. Tuy vậy, việc đánh giá báo cáo ĐTM hay không, còn tùy thuộc vào quy mô, cấp độ đầu tư của dự án. Còn đây là dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, Sở TN&MT phải là đơn vị chủ trì Hội đồng phê duyệt báo cáo ĐTM”. Ông Lập cho rằng, cần phải kiểm tra lại ảnh hưởng của dự án này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Bài và ảnh: Đức Cảnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP