Video:
Giáo viên Thanh Hóa bật khóc khi nói về việc điều chuyển Nhiều giáo viên trong diện bị điều xuống dạy mầm non ở Thanh Hóa cảm thấy ấm ức và không kìm nổi nước mắt trước sự điều động của tỉnh.
Trước tình trạng thừa thiếu giáo viên bất hợp lý, nhiều địa phương đã điều giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non.
Ở Thanh Hóa, 250 giáo viên phải chuyển công tác về trường mầm non trong thời gian từ 2 đến 3 năm tùy địa bàn.
Việc này khiến nhiều người bức xúc khi họ nằm trong diện bị điều chuyển bất hợp lý.
Trả lời phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), giáo viên Phạm Huyên, người nằm trong diện bị điều xuống dạy mầm non, không khỏi ấm ức khi nhìn lại quá trình phấn đấu 13 năm với các loại giấy khen đủ danh hiệu.
Nghĩ tới một tháng, thậm chí một năm tới không được đứng trên bục giảng, nữ giáo viên bật khóc.
Cô Huyên cũng cảm thấy việc điều chuyển không công bằng và không đặt tiêu chí giáo dục lên hàng đầu. Cô thuộc diện điều động chỉ vì là giáo viên Ngữ văn trẻ nhất trường.
Theo các giáo viên, việc điều động này không khác gì đánh đố vì họ chỉ được đào tạo để dạy chuyên biệt từng môn.
Cô Hà Thị Liễu, giáo viên trường Mầm non Thanh Kỳ ở Như Thanh không kìm nổi nước mắt khi nói về việc bị điều chuyển. Từ một giáo viên dạy Văn, cô bị phân làm công tác lau dọn phòng học, dọn nhà vệ sinh và hỗ trợ trông trẻ.
Cô Liễu khóc khi phải rời trường để làm công việc không đúng chuyên môn. Ảnh cắt từ clip.
Nhớ trường, nhớ trò, thỉnh thoảng, nữ giáo viên vẫn về thăm trường cũ và hy vọng thời gian điều động sớm kết thúc để có thể trở về với công việc chuyên môn như trước.
Đầu tháng 3, trước những lo ngại về mặt chất lượng khi điều chuyển giáo viên dôi dư ở bậc phổ thông xuống dạy mầm non, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã công văn gửi UBND các tỉnh, đề nghị dừng việc bồi dưỡng giáo viên trong diện điều chuyển.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên ở Thanh Hóa, họ vẫn nhận được thông báo tham gia khóa đào tạo ngắn hạn. Theo thông báo, sở này tổ chức hai đợt, mỗi đợt kéo dài 6 tuần liên tiếp. Giáo viên tham gia các lớp học từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày hai buổi.
Thông báo chỉ được đưa ra hai ngày trước khi nhập học. Nhiều người phải vượt quãng đường hơn 400 km để đến trường, có trường hợp không kịp thu xếp thời gian, phải dẫn theo con đến ĐH Hồng Đức học.
Phần lớn giáo viên cảm thấy bất ngờ trước việc sở làm trái chỉ đạo của bộ. Họ phải đến trường theo điều động nhưng vẫn rất băn khoăn, trăn trở, đặc biệt khi phải học 7 môn theo lịch học dày đặc.
Cô Lê Thị Hương, giáo viên trường Mầm non Minh Tiến ở Ngọc Lộc, nhận định đây chỉ là động thái lấp chỗ trống, đối phó hoàn toàn không thể đảm bảo chất lượng.
Trước băn khoăn của giáo viên, đại diện Phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định việc tổ chức lớp là thực hiện đúng theo chỉ đạo của tỉnh.
Trong khi đó, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho hay tỉnh không kháng lại quyết định của Bộ GD&ĐT như nhận định của một số người.
Tỉnh phải giải quyết chuyện cấp bách trước mắt do chịu sức ép xã hội lớn. Vị này giải thích nếu đưa giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non mà không đào tạo lại, phụ huynh sẽ bức xúc.
Tuy nhiên, sau buổi làm việc với phóng viên VTV, ông đã thay đổi quyết định và ngay lập tức gửi công văn khẩn, yêu cầu sở GD&ĐT và ĐH Hồng Đức tạm dừng các lớp bồi dưỡng sau khi khóa học diễn ra được hai ngày.
Ngay sau khi nắm được thông tin, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu sở GD&ĐT cùng các địa phương trong tỉnh thực hiện đúng chỉ đạo của bộ, dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non mà không qua đào tạo.
Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu về công tác đào tạo lại giáo viên.
Sau khi ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn thiện khung chương trình đào tạo chuẩn, bộ sẽ có thông báo để các cơ sở đào tạo sư phạm ở các địa phương triển khai.
Nguyễn Sương (Theo VTV)