Giáo dục

Giáo viên khóc với chương trình giáo dục phổ thông mới

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên đã cảm thấy nhiều áp lực và dư luận cũng lo lắng với chất lượng đội ngũ giáo viên khi triển khai thực hiện chương trình mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT vừa công bố gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục được phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, ngay khi công bố, nhiều giáo viên, phụ huynh thậm chí là học sinh đã không hào hứng với chương trình trên. Bởi chương trình không thay đổi nhiều so với dự thảo chương trình trước đó, ở bậc THPT, chương trình mới giảm đến hơn 300 giờ học nhưng việc giảm giờ học không đồng nghĩa với giảm áp lực cho học sinh. Bên cạnh đó, dư luận cũng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng giáo viên – những người trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thực tế, trước khi được công bố, chương trình đã được thí điểm tại 6 tỉnh thành, nhiều nội dung trong chương trình mới vẫn bị phản ánh là quá tải, tăng áp lực và chưa phù hợp với độ tuổi học sinh.

Thậm chí, trong chương trình mới, có một số yêu cầu đặt ra còn cao hơn trình độ học sinh, một số bài thực nghiệm tương đối khó, một số bài vẫn nặng về kiến thức, dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy. Đơn cử như môn hóa học, ngay chương trình nguyên tử lớp 10 đã bê nguyên chương trình hóa học đại cương ở bậc đại học dẫn đến nặng nề với chương trình cũ và cũng quá hàn lâm khi học sinh học xong nguyên tử cũng không biết sẽ ứng dụng thế nào vào cuộc sống.

Một thách thức không nhỏ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ sở vật chất. Bởi để áp dụng chương trình mới, điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu 6 buổi/tuần, sĩ số theo chuẩn phải là 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 45 học sinh/lớp với cấp trung học. Ngoài ra, lớp học phải đảm bảo điều kiện có thể kê được bàn ghế theo nhóm. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của nhiều trường trong cả nước, quy định này là một thách thức không nhỏ. Không ít trường vẫn trong tình trạng quá tải khi có nhiều lớp học có sĩ số đến hơn 60 học sinh.

Không những không giảm tải được áp lực với các học sinh, chương trình mới còn đè nặng áp lực nên các giáo viên. Bởi ngay khi áp dụng thí điểm, một số giáo viên đã than thở chương trình mới có nhiều nội dung khó. Nhiều thầy cô dạy tiết đầu tiên đã không thành công. Chất lượng giáo viên ở thành phố còn than khó thì các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn sẽ rất áp lực với chương trình phổ thông mới.

Do vậy, việc tập huấn cho giáo viên rất quan trọng bởi nhiều bài học trong chương trình mới sẽ trở nên khó khăn đối với các thầy cô giáo nếu không có phương pháp và định hướng được nội dung. Trên thực tế, nhiều thầy cô đến thời điểm này chưa quen thay đổi, tiếp cận các phương pháp mới.

Ngay trong bài tham luận trong cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về quốc gia về “tiếp cận giáo dục thông minh trong đổi mới giáo dục phổ thông”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã nêu ra những thách thức cần vượt qua. Trong đó nêu rõ, việc thực hiện các quy định của chương trình thành sách giáo khoa và thực hiện chương trình, sách giáo khoa trong các hoạt động dạy, học, chỉ đạo, quản lý vẫn là một thách thức đối với người viết sách giáo khoa, cán bộ quản lý, chỉ đạo, giáo viên và học sinh.

Thách thức không nhỏ là việc thực hiện dạy học tích hợp khi chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng sau Tích hợp nội môn: tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học, tích hợp giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng.Tích hợp liên môn: tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau. Trong việc triển khai ba định hướng trên thì thách thức đáng kể nhất là dạy các môn học tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn băn khoăn với khái niệm thế nào là tích hợp liên môn. Đặc biệt ở bậc THCS, THPT, mỗi giáo viên đảm nhiệm một môn học và không dễ dạy tích hợp với môn học khác. Có giáo viên còn chưa thể tin vào chuyện “3 thầy 1 sách” và khẳng định giáo viên Vật lý không thể kiêm nhiệm Hóa học, Sinh học, hay giáo viên Lịch sử không thể dạy Địa lý.

Điều đáng lo lắng, giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Khi giáo viên còn lúng túng rõ ràng việc tích hợp chẳng những không đáp ứng mục tiêu giảm tải chương trình cho học sinh, mà có thể khiến cả thầy và trò đều tăng áp lực trong dạy và học.

Tại buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khi nói về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, trên cơ sở Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, ngày 06/02/2017, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho "Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT" (Chương trình ETEP).

Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT; xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm do Chương trình ETEP đang hoàn thiện; tổ chức nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hướng tiếp cận với những nội dung đổi mới chương trình GDPT theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác và Chương trình ETEP tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình GDPT, nội dung đào tạo để xây dựng mới chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, nỗi lo chất lượng giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn thường trực trong dư luận, các bậc phụ huynh và các học sinh.

Tác giả: Thiên Nga

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP