Mới đây, trong một toạ đàm bàn về hướng phát triển giáo dục Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm - một chuyên gia văn hoá giáo dục, chỉ ra nền tảng văn hoá khiến giáo dục Việt Nam đang theo kiểu đối phó.
GS Trần Ngọc Thêm nhận định, mọi thứ đều gắn với văn hoá, trong đó có giáo dục và muốn thay đổi văn hoá thì phải đi từ nền tảng giáo dục.
“Văn hoá của chúng ta rất âm tính, do đó đặc điểm của chúng ta là văn hoá "khôn" dù đôi khi ai đó muốn từ chối điều đó cũng không được vì nó đúng ở mỗi chỗ, mọi nơi. Nên dẫn vào giáo dục là văn hoá đối phó”, ông Thêm khẳng định.
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng nền tảng văn hoá khiến giáo dục nước ta đang đi theo tư duy đối phó |
Theo vị giáo sư này, trường học luôn đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA rất cao.
“Hiện chúng ta cũng kiểm định chất lượng ở tất cả mọi nơi, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường học sinh gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ.
Nhiều trường đang phải loay hoay trong xây dựng chương trình, thay vì sắp xếp những môn học chung ở năm đầu tiên nhưng điều này sẽ khiến sinh viên bỏ học hàng loạt vì chán nản.
Cuối cùng, có trường đối phó bằng cách sắp xếp những môn học chung vào học kỳ cuối cùng, đẩy những môn học hấp dẫn cho năm đầu tiên.
Khi cần kiểm định chất lượng thì các trường sẽ chỉ thị về cho các phòng ban cùng ngồi lại sáng tác ra những văn bản cách đây cỡ 5-7 năm để cho đủ bộ, khớp mọi thứ khi đoàn kiểm tra về. Thậm chí, cả bài báo quốc tế cũng đối phó nốt”, ông Thêm nêu.
GS Thêm cũng nói thêm rằng, trong thời đại 4.0 với kho dữ liệu trên mạng rộng mở, vấn đề không còn nằm ở sách giáo khoa hay học thuộc bài nhưng người Việt chúng ta vẫn học thuộc để trả bài cho thầy vẫn là đói phó.
“Ai lại cao học và nghiên cứu sinh vẫn còn lo sử dụng giáo trình gì, chương trình gì, với tư duy này vẫn còn trong một số lãnh đạo trường ĐH thì đủ biết giáo dục chúng ta đang ở đâu rồi.
Vấn đề cần bắt đầu từ con người mà phải xem lại hệ giá trị, hướng đến cái gì. Không phải bằng thế giới mà quan trọng là đi đến đó bằng cách nào. Trước hết con người phải thay đổi, nếu vẫn vậy thì dù 4.0 hay cho đến 10.0 đi nữa vẫn là tư duy đối phó”, ông Thêm đặt vấn đề.
Ông Thêm khẳng định rằng, “phải xây dựng hệ giá trị mà trong đó giáo dục phải hướng đến chất lượng thực sự không phải đến tiền, thành tích, không phải đối phó”.
Trường chuyên để làm đẹp bảng thành tích cho các địa phương
Tương tự, trong một chia sẻ của mình, PGS. TS Kiều Phương Chi, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Sài Gòn cũng chỉ ra những thực trạng nặng nề thành tích trong giáo dục.
Theo ông Chi, giáo dục Việt Nam gần đây nhấn mạnh lấy người học làm trung tâm nhưng ở trên thế giới hiện đang chuyển sang hướng “lấy năng lực người học làm trung tâm”.
Vấn đề trường chuyên lớp chọn ở Việt Nam có phần hơi tiêu cực, trong khi thực chất các trường phổ thông trên thế giới thì mỗi trường đều như một trường chuyên vì họ đào tạo người học theo hướng phát triển đủ năng lực, phẩm chất của bản thân mình.
Theo PGS.TS Kiều Phương Chi, những trường chuyên đang tạo ra những học sinh giỏi để làm đẹp bảng thành tích cho các địa phương (ảnh mang tính minh hoạ) |
“Vậy thì việc phát triển mô hình trường chuyên, lớp chọn có cần thiết không? Ở ta, chính trường chuyên đang là địa điểm đào tạo ra những học sinh giỏi để làm đẹp bảng thành tích cho các địa phương.
Ở góc độ này, cần phải xem lại việc thi học sinh giỏi nên chuyển giao cho các cục, hội giáo dục nghề nghiệp như hội toán, vật lý… và từ đó trở thành phong trào Olympic. Các thành tích ấy chính là dựa vào năng lực của người học”, ông Chi từng băn khoăn.
Đồng thời, TS Chi cũng chỉ ra rằng, với cách kiểm tra đánh giá như này thì chương trình phổ thông mới không đạt yêu cầu, ít nhất với môn Toán.
Theo ông Chi, "hiện nay gần như chúng ta mới chỉ quan tâm tới chương trình và sách giáo khoa, không quan tâm tới đổi mới kiểm tra đánh giá. Nếu vậy thì rất khó thành công vì văn hoá thi cử của người phương đông áp lực thi cử rất nặng nề. Một văn hoá thi gì học nấy thì còn rất lâu mới thay đổi được. Do đó, cần có kế hoạch ngắn và dài hạn về thay đổi kiểm tra đánh giá".
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí