Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ngành giáo dục cần phải làm một cuộc “đại phẫu”, cắt bỏ ung nhọt để tạo nên những vết thương lành. |
Để các trường tuyển chọn đầu vào
Sau Hà Giang, đến lượt nhiều địa phương khác, đặc biệt là tỉnh Sơn La cũng đang gây chấn động từ tình trạng gian lận điểm thi. Thực trạng trên nói lên điều gì, thưa ông?
Sau khi vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang được phanh phui, gần đây lại có thông tin gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, đặc biệt tại Sơn La vừa qua,… Tôi nghĩ rằng, danh sách này không chỉ dừng lại ở đó mà có thể sẽ còn dài nữa.
Nhân dịp này tôi đề nghị Bộ GD&ĐT phải làm một cuộc “đại phẫu” trong toàn ngành. Qua đó cần rà roát lại kết quả thi của tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Cần phải chủ động, chứ không chạy theo phản ánh từ dư luận xã hội. Sau khi rà soát lại, nơi nào làm tốt cũng trả lại danh dự cho họ, ngược lại tỉnh nào vi phạm phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm.
Vụ việc này cũng đặt ra vấn đề, liệu kỳ “thi 2 trong 1”, để cho địa phương tự coi thi, chấm thi như thế, giao quyền tự chủ cho địa phương như thế đã phù hợp chưa, khi chúng ta chưa có cơ chế để giám sát, kiểm soát một cách thực sự nghiêm túc, hiệu quả.
Vậy theo ông phương án thực sự hiệu quả, cần thiết cho kỳ thi này là gì?
Từ nhiệm kỳ Quốc hội trước, tôi đã từng nói về điều này. Chúng ta đã phổ cập trung học cơ sở, rồi tiến tới trung học phổ thông, thế thì nên chăng chỉ giao cho các trường ở các tỉnh, thành tự xét tốt nghiệp trong 3 năm học đó. Cứ điểm trung bình trở lên là tốt nghiệp, vì chúng ta đã tiến tới phổ cập rồi.
Còn thi đại học mới là thi cạnh tranh thực sự, 100 em tốt nghiệp có khi chỉ 10 em vào đại học. Vì thế khâu tuyển chọn nên giao cho các trường đại học tự tổ chức thi, tự tuyển đầu vào, vì mỗi trường có một đặc thù riêng. Khi tôi sang một trường đại học ở Pháp, người ta bảo cho ghi danh, nghĩa là ai muốn vào cũng được.
Đầu vào họ cho 100%, nhưng có khi đầu ra chỉ còn khoảng 20%, vì mỗi năm rơi đi vài chục %. Sinh viên cũng không cần phải tốt nghiệp toàn bộ mà chỉ cần lấy những chứng chỉ cần thiết. Việc đào tạo của họ rất thực chất và tạo cơ hội cho rất nhiều người. Các nước họ kiểm soát đầu ra rất chặt, còn chúng ta đầu vào 100% và đầu ra cũng gần như 100%.
Vì thế, nên giao tự chủ trong thi tuyển đầu vào cho các trường đại học, không tổ chức thi “2 trong 1” nữa. Vì làm như thế này dễ nảy sinh gian lận, rồi lại đẩy khó khăn cho các trường đại học. Các em học tốt, nghiêm chỉnh có khi không đỗ, còn học sinh trung bình, thậm chí yếu kém, nhưng dựa vào bố mẹ, hoặc có quyền hoặc có tiền vẫn đỗ đại học nhẹ tênh. Ngươi có năng lực thực sự lại đứng ngoài khóc, vì chính thực lực của mình đã bị đánh cắp bởi sự gian lận điểm, rất bất công. Như thế khác nào trường đại học mở ra đối với những người có chức quyền, có nhiều tiền?
Tôi và nhiều nhà khoa học đều kiến nghị, chỉ nên tổ chức một kỳ thi thôi, nhưng đó là kỳ thi đại học và chỉ xét tốt nghiệp căn cứ vào 3 năm học, như thế sẽ rất nhẹ nhàng. Đó là xu thế văn minh trên toàn thế giới. Tôi đi khảo sát ở các nước như Đức, Pháp, Ý…họ đều làm thế cả.
Nhiều vụ bê bối, sao chưa ai từ chức?
Trước những sai phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng trách nhiệm với những tập thể, cá nhân liên quan dường như còn rất mờ nhạt, chưa rõ ràng, thưa ông?
Vụ việc xảy ra như ở Hà Giang, hoặc Sơn La và có thể một số tỉnh nữa, theo tôi, một cá nhân không thể làm được. Như Hà Giang, trưởng phòng lại tiếp tay, đưa chìa khóa cho phó phòng khảo thí vào sửa điểm. Rồi hai người giám sát lại bỏ đi, phải chăng đi để cho người ta còn “làm việc”? Hay ở Sơn La còn mất bài thi gốc, sửa điểm trên bài thi gốc, thậm chí PGĐ Sở GD&ĐT còn liên quan…
Chính vì thế phải xem lại toàn bộ hệ thống, bởi ở đây có cái gì đó như một lợi ích nhóm, như một đường dây chạy điểm. Đây là tiếng chuông cảnh báo trong ngành giáo dục, muốn lấy lại niềm tin trong nhân dân thì nhân đây phải làm một cuộc đại phẫu thuật, làm thật nghiêm minh, cắt bỏ được ung nhọt mới tạo nên vết thương lành.
Cơ quan quản lý nhà nước, từ Bộ GD&ĐT đến các Sở GD&ĐT địa phương và tất cả hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấm thi… không thể lơ là như thế được. Đây là lỗi hệ thống, có trách nhiệm quản lý nhà nước từ cấp sở đến cấp bộ, không thể vô can.
Với vụ việc gây chấn động dư luận như vừa qua diễn ra ở Hà Giang, Sơn La và có thể còn những địa phương khác, nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao lại chưa có ai từ chức?
Trong hai nhiệm kỳ làm đại biểu dân cử, tôi đã nhiều lần cảnh báo trên diễn đàn Quốc hội, rằng từ chức cũng là một văn hóa. Đi nghiên cứu ở một số nước trên thế giới, tôi thấy khi có một sự kiện gì xảy ra ở cơ quan họ, hoặc ở ngành họ thì họ chủ động từ chức ngay. Khi xảy ra vụ tai nạn hai tàu đâm nhau, làm mấy chục người chết. Hôm sau ông bộ trưởng đứng lên từ chức trước Quốc hội và tiến cử người khác thay.
Đó cũng là hành động chuộc lỗi với dư luận. Mặc dù ông ấy không trực tiếp tạo nên nhưng trách nhiệm của ngành, trách nhiệm quản lý nhà nước, ông ấy vẫn phải chịu trách nhiệm. Sau khi ông ấy xin từ chức, xã hội lại rất ca ngợi, coi là con người dũng cảm, dám nhận khuyết điểm, dám chịu trách nhiệm.
Với những bê bối nâng điểm như vậy, tại sao Giáo đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, hay những địa phương xảy ra tiêu cực này lại không thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương để từ chức? Khi lòng tự trọng tổn thương, từ chức hay từ nhiệm là con đường văn hóa nhất để chuộc lại lỗi với nhân dân, với cử tri cả nước cũng như với dư luận xã hội.
Vụ việc vừa qua cũng rung lên tiếng chuông cảnh báo về văn hóa từ chức. Trước nay chúng ta chỉ có ông Lê Huy Ngọ, sau khi xảy ra tổn thất nhiều mặt ở Bộ NN&PTNT, ông ấy đã xin từ chức và cũng được ca ngợi rất nhiều. Nhưng đến nay, mặc dù xảy ra nhiều vụ việc bê bối gây chấn động trong ngành mình, bộ mình, nhưng lại chưa thấy ai từ chức cả.
Cảm ơn ông!
Tác giả: LUÂN DŨNG
Nguồn tin: Báo Tiền phong