“Cơn lốc” ô tô giá rẻ tràn vào Việt Nam
Ô tô nhập khẩu: Giá rẻ bất thường
Trong tháng 3, xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam đạt hơn 6.700 chiếc, tăng hơn 2.500 chiếc so với tháng 2 (4.160 chiếc), mức tăng 61%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 1 triệu USD từ 73 triệu USD tháng 2 lên 74 triệu USD tháng 3, mức tăng 1,37%.
Điều này khiến giá khai báo thông quan hải quan bình quân của xe con nguyên chiếc tháng 3 chỉ là 11.040 USD/xe (252 triệu đồng). So với mức giá khai báo xe con dưới 9 chỗ bình quân tháng 2 là hơn 17.548 USD/xe (400 triệu đồng) thì chỉ sau 1 tháng, mức chênh giá khai báo bình quân đã lên tới gần 150 triệu đồng/xe. Trong đó, có những dòng xe nhập về Việt Nam có giá rẻ “giật mình”.
Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 4.800 chiếc xe từ Ấn Độ với mức giá CIF (giá tại cảng đến, chưa tính thuế, phí) bình quân vào khoảng 3.800 USD, tức xấp xỉ 87 triệu đồng mỗi chiếc tính theo tỷ giá hiện hành. Có thể thấy, năm nay, lượng xe nhập khẩu từ Ấn Độ tăng mạnh, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ, song giá bình quân lại ngày càng rẻ (năm 2016 là 3.849 USD/chiếc, năm 2015 là 3.955 USD/chiếc).
Tương tự, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan tiếp tục tăng mạnh. Riêng tháng 3 đạt 4.336 chiếc, nâng tổng số ô tô nguyên chiếc nhập về trong quý đầu năm lên 10.050 chiếc, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị tương ứng 179,5 triệu USD. Một thị trường ôtô khác trong ASEAN cũng đang xuất khẩu nhiều ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam là Indonesia, với lượng nhập trong quý I là 4.409 chiếc, gấp 5 lần cùng kỳ.
Bình luận về mức giá rẻ “giật mình” của một số dòng xe ô tô, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này cho biết, theo tính toán, với mức giá nhập khẩu (CIF) 87 triệu đồng, cộng thêm thuế nhập khẩu (giá CIFx70%), thuế tiêu thụ đặc biệt (giá bán buônx35%), thuế VAT thì giá thành sẽ khoảng 220 triệu đồng/xe. Trong khi đó, theo quan sát của vị chuyên gia này dòng xe nhập khẩu Ấn Độ có giá bán rẻ nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay chính là Huyndai i10. Mẫu xe này đang có giá bán lẻ dao động từ 360-450 triệu đồng/xe.
“Cứ cho giá thành xe nhập khẩu Ấn Độ sau khi hoàn thuế là 100 triệu đồng/chiếc, mỗi chiếc xe nhập khẩu bán ra thị trường sẽ chênh lệch so với giá mua thực tế khoảng 120 triệu đồng/xe, trừ chi phí, mỗi chiếc xe vẫn còn lãi ít nhất 70-80 triệu đồng/chiếc xe. Nếu chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, số xe từ Ấn Độ nhập về Việt Nam lên tới gần 5.000 chiếc thì tính ra con số lãi là khổng lồ” – vị chuyên gia này phân tích.
Với những phân tích trên, chuyên gia ô tô này đặt câu hỏi liệu mức lợi nhuận khủng này rơi vào túi ai, có phải do độc quyền… mang lại hay không? Tuy nhiên, ông cũng đặt một câu hỏi khác: Ở Ấn Độ, để mua một chiếc xe như Huyndai i10 với giá 87 triệu đồng liệu có khả quan hay không?
“Hiện nay dòng xe ô tô rẻ nhất ở Ấn Độ là Tata, là dòng xe đơn giản nhất, thậm chí không có điều hòa… có giá bán trung bình 81-115 triệu đồng. Vậy với một chiếc xe như Huyndai i10, cứ cho sau khi hoàn thuế có giá khoảng 100 triệu đồng thì liệu có thực tế không?” – vị chuyên gia này nói và cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét lại mức giá khai báo hải quan của những dòng ô tô nhập khẩu có giá rẻ bất thường như vậy.
Khai báo giá thấp: Để trốn thuế?
Liên quan đến những việc một số dòng ô tô nhập khẩu có giá khai báo hải quan thấp bất thường, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay ngành đã có chỉ đạo, đôn đốc các cục hải quan địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát mức giá khai báo của mặt hàng ô tô nhập khẩu. Cơ quan này đang kiểm tra, xác định trị giá đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu có giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thuế.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định hiện hành, đối với những mặt hàng nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan sẽ tự kê khai, tự tính thuế và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai, tính thuế của mình. Đồng thời, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra trị giá khai báo đối với trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo, tức là trị giá khai báo thấp hơn so với dữ liệu của cơ quan hải quan.
Lúc đó, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra và áp dụng các biện pháp để xác định trị giá, thu về ngân sách Nhà nước. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn cũng cho biết, thời gian vừa qua, qua kiểm tra theo dõi, cơ quan hải quan đã phát hiện có tình trạng một số doanh nghiệp khai báo thấp hơn so với cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan nhằm trốn thuế. “Đối với những trường hợp này, cơ quan hải quan đã xác định dấu hiệu nghi vấn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trong đó có tham vấn cũng như kiểm tra sau thông quan để xác định trị giá theo đúng quy định và thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính”, ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, trong điều kiện từ đầu năm 2018, thuế suất đối với một số dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN sẽ về 0% theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do khu vực ASEAN, để ngăn chặn tình trạng gian lận trong khai báo nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là mặt hàng ô tô nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác kiểm tra và xác định xuất xứ hàng hóa (C/O).
Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Theo đó, đối với việc khai báo và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải khai báo thông tin (số, ngày, tháng, năm) Giấy chứng nhận xuất xứ (bao gồm C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) trên tờ khai hải quan, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng các quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn về Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và các quy trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu (như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…), các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tiến hành rà soát C/O của các lô hàng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ ngày 1-1-2017 đến nay. Nếu có dấu hiệu vi phạm, chủ động tổ chức kiểm tra sau thông quan và báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan.
Trước đó, Việt Nam cũng đã đề nghị hải quan các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc hỗ trợ xác minh gần 2.000 C/O. Thư đề nghị hỗ trợ xác minh của Việt Nam tập trung vào chữ ký hợp lệ của người có thẩm quyền cấp C/O; nghi ngờ về con dấu hợp lệ trên C/O… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Hải quan vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào gian lận về xuất xứ hàng hóa.
Theo quy định hiện hành, đối với những mặt hàng nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan sẽ tự kê khai, tự tính thuế và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai, tính thuế của mình. Đồng thời, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra trị giá khai báo đối với trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo, tức là trị giá khai báo thấp hơn so với dữ liệu của cơ quan hải quan. Lúc đó, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra và áp dụng các biện pháp để xác định trị giá, thu về ngân sách Nhà nước. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan |
Linh Nhật / Theo An ninh Thủ đô