Kinh tế

Giá xăng thấp hơn 120 nước, quyết tăng thuế lên tới 4.000 đồng/lít

Bộ trưởng Tài chính vừa thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 4.000 đồng/lít.

Tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít,...

Lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế, một là do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do); hai là chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động bất thường, khó lường; ba là dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể xăng dầu nhập khẩu từ thị trường Asean và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%).

Chính phủ tiếp tục đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 4.000 đồng/lít.

Bộ Tài chính cho rằng: Do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.

Cụ thể, giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Trung Quốc và thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, châu Á như Singapore, Philippines, Hồng Kông.

Bộ Tài chính cho hay, sau một thời gian lấy ý kiến về đề xuất này đã nhận được 77 ý kiến tham gia, trong đó 19 ý kiến của các Bộ, ngành; 43 ý kiến của các địa phương; 5 ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo đã được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết.

Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính cho hay việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.

Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường).

Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Với phương án điều chỉnh trên, Bộ Tài chính dự kiến thu ngân sách dự kiến được 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng thêm hơn 15,1 nghìn tỷ mỗi năm. Điều này góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội trong đó có chi cho bảo vệ môi trường.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP