Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Gia hạn, hoàn thuế 700 tỷ đồng cho doanh nghiệp bị đập phá

Bộ Tài chính cho biết đã gia hạn nộp hơn 213 tỷ đồng và hoàn 487 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do đập phá tại Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai, Hà Tĩnh.

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại, khắc phục hậu quả và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về thuế, cơ quan này cho biết đã tiếp nhận và thông báo chấp nhận gia hạn nộp hồ sơ kỳ khai thuế tháng 4/2014 của 51 doanh nghiệp bị thiệt hại, gia hạn và dừng tính tiền chậm nộp của các doanh nghiệp tính đến trước các vụ việc với số tiền thuế nợ là 213,86 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, ngành đã giải quyết hồ sơ và thực hiện hoàn thuế trước đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại với tổng số tiền 487 tỷ đồng. Trong đó, riêng các đơn vị tại Hà Tĩnh được hoàn thuế giá trị gia tăng cho 483 tỷ đồng. Các trường hợp này, theo Bộ Tài chính mặc dù doanh nghiệp còn nợ các loại thuế khác nhưng cơ quan thuế tạm thời chưa thực hiện bù trừ, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về tài chính khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất.

Binh-Duong-500-2131-1403150146.jpg

Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn gần 500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Ảnh: Nguyệt Triều

Về việc giải quyết miễn, giảm tiền thuê đất, Bộ Tài chính cho biết, hiện UBND các tỉnh đang chỉ đạo Ban quản  lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Sở Tài chính phối hợp với cơ quan thuế rà soát, xác định mức độ thiệt hại. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ tham mưu đề xuất với UBND tỉnh miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tương ứng với mức độ thiệt hại. Bộ cho biết, hiện chưa xác định cụ thể số tiền từng doanh nghiệp được miễn giảm. Tuy nhiên, cơ quan này yêu cầu đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại, các cục thuế không tính tiền chậm nộp đối với tiền thuê đất năm 2014 cho đến khi UBND tỉnh, thành phố quyết định miễn, giảm.

Riêng tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính cho biết đã có kế hoạch bố trí mặt bằng mới cho các doanh nghiệp bị cháy toàn bộ có nhu cầu chuyển địa điểm mới để khôi phục sản xuất kinh doanh và thông báo miễn toàn bộ tiền thuê đất cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Cũng theo báo cáo, cơ quan thuế đã chỉ đạo tạm dừng kế hoạch thanh, kiểm tra đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại nằm trong kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2014. Việc tạm dừng được kéo dài cho đến khi doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Ngay cả đối với các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn thuế, các cơ quan thuế cũng đã tạm thời hoàn trước để thực hiện kiểm tra sau, đảm bảo hoàn nhanh chóng cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực hải quan, ngành đã hỗ trợ giải quyết thủ tục, khôi phục chứng từ cho 14 doanh nghiệp tại Đồng Nai và 20 doanh nghiệp tại Bình Dương. Ngoài ra, hàng chục tờ khai nhập khẩu của doanh nghiệp bị thiệt hại có số nợ thuế hải quan hơn 100 tỷ đồng cũng đã được thực hiện thông quan.

Về công tác bồi thường, Bộ nhận định mức độ thiệt hại đối với các tài sản tham gia bảo hiểm rất lớn và ảnh hưởng đến khả năng tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh đó, công tác giám định tổn thất và xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại có nhiều khó khăn nên cơ quan này cho rằng có thể phải chấp thuận cho doanh nghiệp bảo hiểm có cơ chế linh hoạt trong công tác bồi thường bảo hiểm.

Do đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất một số giải pháp như cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được áp dụng cơ chế bồi thường rút gọn. Đồng thời, đơn vị bảo hiểm được chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nhưng không thuộc phạm vi bảo hiểm (chi bồi thường thiện chí) và khoản chi này được trừ khi xác định thuế thu nhập…

Tính đến ngày 6/6, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng tiền bồi thường cho 113 nhà đầu tư tại Bình Dương với số tiền là 114 tỷ đồng. Trong đó có 87 nhà đầu tư Đài Loan với số tiền 59,5 tỷ; 3 nhà đầu tư Singapore với số tiền 28,3 tỷ đồng; 4 nhà đầu tư Hồng Kông với số tiền 21,8 tỷ…

Ngọc Tuyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP