Cư Dân Mạng

Gặp người quay clip để cứu nhóm trẻ bị bạo hành ở Gò Vấp

Hai cô gái và những người bạn sinh sống gần điểm giữ trẻ của bà Thu đã tìm mọi cách để phơi bày sự thật, giải cứu những đứa trẻ khỏi nạn bạo hành

Ngày 16-3, Công an phường 17 (quận Gò Vấp, TP HCM) mời bà Nguyễn Thị Mộng Thu (49 tuổi), chủ cơ sở giữ trẻ tự phát lên làm việc. Trước đó, 1 clip quay cảnh 2 bảo mẫu của cơ sở này có hành vi bạo hành trẻ em lan truyền trên mạng xã hội.

Theo đó, đoạn clip khoảng 20 giây ghi lại cảnh 2 bảo mẫu có hành động đánh vào đầu, mặt những đứa trẻ (khoảng 1-2 tuổi) lúc đang cho ăn. Thậm chí, dùng muỗng thức ăn tống thẳng vào miệng khiến trẻ khóc thét. Sự việc khiến nhiều người hết sức bức xúc.

Hình ảnh bảo mẫu đánh trẻ khi cho ăn. Ảnh: Cắt từ clip

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, nhiều người trong khu vực đã phát hiện ra sự việc từ nhiều năm về trước. Trong số đó, chị L.K.P và chị B.T.N cùng nhóm bạn của mình đã tìm nhiều cách như quay clip, “kêu cứu” trên mạng xã hội, thậm chí liên hệ với những tổ chức bảo vệ trẻ em. Nhưng cho đến ngày hôm nay, sự việc mới được phanh phui, các em nhỏ mới được giải thoát khỏi cơ sở giữ trẻ khủng khiếp này.

Tội nghiệp những đứa trẻ!

Ban đầu tiếp xúc với chúng tôi, chị P. và chị N. tỏ ra rụt rè, e ngại không dám chia sẻ câu chuyện. Nhưng khi được động viên, cả hai trút ra bầu tâm sự chất chứa nhiều năm qua. Chị P. cho biết chị cùng bạn sinh sống tại khu vực điểm giữ trẻ của bà Thu khoảng 2 năm nay. Đây cũng là khoảng thời gian chị chứng kiến cảnh những đứa trẻ ở đây bị bạo hành mỗi ngày.

Theo chị P., trước đây, nhà trẻ này nuôi giữ tới khoảng 20 đưa trẻ trong căn nhà vỏn vẹn khoảng 20m2. Suốt ngày, mấy đứa nhỏ chẳng được chơi, chẳng được hát gì hết… Buổi trưa tụi trẻ phải nằm ngủ xếp lớp như cá mòi, lăn lóc giữa nền nhà mà không có chăn gối gì cả! Thật sự rất đáng thương!

Chị P. xúc động khi trao đổi với phóng viên về hành trình tố cáo điểm giữ trẻ của bà Thu bạo hành trẻ em.

Ngồi bên cạnh bạn, chị N. xen vào với giọng uất ức: “Thường ngày, tiếng trẻ em sặc cháo ặc ặc vang lên như cơm bữa, có đứa khóc và sặc cả 10 phút… Có lúc chị chứng kiến thấy đứa trẻ nuốt không kịp, nôn thức ăn ra. Nếu mấy đứa trẻ không chịu ăn chúng lại bị quát mắng, dọa nạt!”.

Thỉnh thoảng chị N. và những người bạn lại mang ít bánh cho mấy đứa nhỏ ngồi chơ vơ nơi góc cửa, thành thử tụi trẻ rất mến. “Nhiều khi tụi mình đi qua tụi nó gọi cô ơi cô! Có lúc thấy dáng mình nó tưởng nhầm là mẹ đến đón sớm liền reo lên mừng rỡ: “Mẹ ơi mẹ! Mẹ ơi mẹ!”. Đau lòng nhất là lúc thấy có lúc bà bảo mẫu dùng tay, có lúc dùng cái cây đuổi ruồi quất liên tục vào đầu các em, có lần mình chạy lại định can ngan thì nó kéo cửa lại, mình cũng không quay phim được” – chị N. nghẹn ngào kể lại.

Kêu cứu trong bất lực

Từ những gì phải chứng kiến, kể từ 2 năm trở lại đây chị P., chị N., cùng những người bạn tự nhủ phải tìm cách tố cáo hành vi bạo hành của các bảo mẫu, giải cứu những đứa trẻ tội nghiệp.

Cách đầu tiên các cô gái nghĩ đến là quay phim làm bằng chứng tố cáo. Nhưng theo chị P., bảo mẫu của điểm giữ trẻ này rất ranh ma, mỗi lần mắng chửi, đánh các bé đều kéo cửa lại để tránh người ngoài quan sát, ghi hình. “Có lần trời mưa, phát hiện mấy em nhỏ bị đánh, nhiều lần mình cố gắng chạy lại gần, rướn người quay phim nhưng đều không được, có lần còn bị té đau điếng” – chị P. nhớ lại.

Cũng theo hai chị, các phụ huynh gửi con tại điểm giữ trẻ của bà Thu đa số là công nhân, người lao động nghèo trong khu vực. Cuộc mưu sinh, cơm áo gạo tiền khiến họ không có thời gian quan tâm tới con cái của mình nhiều. “Có lần tới 9 giờ tối, có đứa nhỏ vẫn chưa được bố mẹ đón về. Tới khuya, mẹ của đứa trẻ mới đến đón vì tưởng người bố đã đón” – chị P. buồn bã kể.

Có lần các cô gái tìm cách nói cho một số phụ huynh biết sự việc đang diễn ra với con họ, nhưng họ đều không tin. Đa số các phụ huynh đều nghĩ rằng thương phải cho roi cho vọt, thậm chí có người còn nói rằng “con mình mình còn đánh được chứ nói gì người ta”.

Cũng theo chị P., bình thường khi trông trẻ ở nhà, tụi nhỏ thường hay quấy khóc liên tục, tiếng la mắng, quát thậm chí là đánh đòn tụi nhỏ của các bảo mẫu là cảnh tượng thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên khi các phụ huynh tới đón thì các bảo mẫu lại tỏ ra rất yêu thương con nít khiến nhiều phụ huynh tin tưởng.

Hết cách, hai chị và nhóm bạn đành cố gắng quay 1 số đoạn clip cảnh những đứa trẻ bị bạo hành đưa lên mạng xã hội, nhờ bạn bè giúp đỡ. Họ cũng cố gắng liên hệ với 1 số trung tâm bảo vệ trẻ em những không có kết quả.

May mắn, một khoảng thời gian gần đây, nhờ 1 người bạn, chị N. liên hệ được với 1 hội bảo vệ trẻ em ngoài Hà Nội. Sau nhiều lần kêu cứu, gửi tài liệu thông tin, vụ việc đã được chuyển đến cơ quan chức năng.

Một trong số nhiều clip được chị N. đăng lên facebook kêu gọi bạn bè giúp đỡ vào cuối tháng 10-2016.

“Mừng đến quên ăn”

Cho đến sáng ngày 16-3, cả hai chị đang đi làm thì nhận được thông tin chính quyền địa phương xuống xem xét cơ sở giữ trẻ, mời bà Thu về làm việc sau khi 1 clip bạo hành trẻ em mầm non được phát tán trên mạng.

Những hình ảnh trên clip cho thấy, hai bảo mẫu là bà Thu và bà Lan liên tục tống thức ăn vào miệng các bé. Trong đó, bé trai khoảng một tuổi bị đè ngửa, kẹp đầu vào nách người phụ nữ, liên tục vùng vẫy, khóc thét. Khi thức ăn trào ra ngoài, bà này gõ vào mũi đứa trẻ, bắt ăn lại. Đứa trẻ run rẩy, liên tục ọc và bị bảo mẫu giáng tay vào đầu. Các bé còn lại cũng trải qua bữa ăn cực hình như vậy. Trong giờ tắm, một bé trai còn bị người đàn bà thẳng tay quăng xuống sàn, khóc ngất.

Trao đổi với PV, chị N. không giấu được xúc động: “Chị đang đi làm thì được bạn thông phường đã tới mời mấy bà bảo mẫu về phường làm việc. Lúc đó chị vui mừng khôn xiết, vội chạy về nhà luôn. Chị vui tới mức mà trưa nay bạn chị mua cho chị món chị thích nhất mà chị không cần ăn, cũng thấy no vì quá vui. Cuối cùng thì tụi nhỏ cũng được giải thoát khỏi chỗ địa ngục này”.

Chia sẻ về động cơ thúc đẩy hai chị và những người bạn tìm cách giải cứu đứa trẻ, chị P. cười:

“Tụi chị cũng có người có con nhỏ nên chị thương lắm! Các điểm giữ được thì giữ còn giữ không được thì thôi. Con người ta thì đánh như vậy, thử con mình bị đánh như vậy có chịu được không? Cuối cùng thì công sức mình bỏ ra cũng thu lại được kết quả, hi vọng mấy đứa trẻ sẽ được chuyển qua chỗ giữ trẻ tốt hơn!”.

Bài và ảnh: Quốc Chiến/Theo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP