Kinh tế

Gần tết, cẩn thận nguy cơ tiền giả!

Cứ mỗi dịp cận tết, cơ quan chức năng lại bắt được nhiều lô tiền giả và khuyến cáo người dân cẩn thận để không bị tiêu dùng những đồng tiền này.

Càng những ngày sát Tết, tình trạng rao bán tiền giả trên mạng lại có xu hướng nở rộ. Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “mua tiền giả” hay "mua bán tiền giả” trên mạng xã hội Facebook là sẽ có hàng trăm kết quả hiện ra.

Hoạt động mua bán tiền giả trên mạng diễn ra khá công khai, thách thức cơ quan chức năng với những lời chào mời có cánh như: "Giống tiền thật 98%", "giá rẻ giật mình", "thanh toán nhanh gọn", "đảm bảo đi tiêu xài không bị phát hiện"… kèm theo những số điện thoại của cả người bán lẫn người mua.

Trên trang FB “Nhập tiền giả (mua bán toàn quốc)” còn đăng tải ảnh chụp hoạt động mua bán tiền giả với những lời tiếp thị như: mối lớn, giao hàng tận nơi…

Tiền giả được mua bán công khai trên mạng xã hội FB. (Ảnh chụp màn hình).

Báo chí từng phản ánh đa phần các thông tin mua bán tiền giả trên mạng chỉ là những chiêu trò lừa đảo để lấy tiền đặt cọc của người mua.

Cụ thể, các giao dịch mua bán này không bao giờ diễn ra trực tiếp mà người bán luôn yêu cầu người mua chuyển khoản hoặc nạp thẻ điện thoại rồi tiền giả sẽ được gửi bưu điện hoặc giao sau. Lợi dụng cách thức này, nhiều tài khoản rao bán tiền giả đã mất tích luôn sau khi nhận được tiền đặt cọc.

Tiền giả mệnh giá lớn được rao bán công khai trên trang Facebook.

Trên thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện các vụ việc lưu thông tiền giả trên thị trường.

Cụ thể, ngày 8/7, tại đường mòn Đồi Cao thuộc thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, Đồn Biên phòng Tân Thanh phát hiện, bắt quả tang một đối tượng vận chuyển 110 triệu đồng tiền giả, mệnh giá 200 nghìn đồng. Đối tượng là Trần Văn Hậu, sinh năm 1993, ở Thái Nguyên, vận chuyển thuê để lấy tiền công 1 triệu đồng…

Một trường hợp khác, tối 23/8/2017, đồn Biên phòng Tân Thanh bắt quả tang 2 đối tượng gồm Lừ Văn Quang (1982) và Quàng Văn Ban (1968), cùng trú tại xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La khi đang vận chuyển trái phép 588 triệu đồng tiền Việt Nam giả, loại mệnh giá 200 nghìn đồng, với nhiều số seri trùng nhau từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều người trong lúc mua bán hàng hóa do bất cẩn đã nhận được những đồng tiền giả, thông thường là các tờ 200.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng…

Theo các chuyên gia, có một số dấu hiệu để phân biệt tiền thật và tiền giả. Cụ thể, vệt phản quang in ngang trên tờ tiền thật sẽ kéo dài sát tận mép, còn tiền giả thì hụt một chút.

Tờ tiền giả (bị đục lỗ) có vệt phản quang bị hụt so với tờ tiền thật.

Hình ảnh Quốc huy trên tờ tiền thật có màu đỏ đậm, còn trên tờ tiền giả cũng có màu đỏ nhưng nhợt nhạt hơn.

Về chất liệu, tiền thật cầm đanh và thật tay, không xé được, trong khi tiền giả dễ có nếp gấp, mỏng và nhẹ…

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: gần tết , tiền giả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP