Tỉnh Hà Tĩnh có tới 33.149 lao động ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi sự cố môi trường biển
Gần 29.000 lao động ảnh hưởng trực tiếp
Trao đổi với NNVN, ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau hơn một tháng tập trung lực lượng xuống chỉ đạo cơ sở triển khai công tác kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển, đến thời điểm này 362/367 thôn, xóm thuộc 62/62 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, TP đã thành lập Tổ xác định đối tượng, số lượng tàu thuyền bị thiệt hại ở cấp thôn.
Theo ông Nhân, ngay sau khi Formosa thừa nhận sự cố môi trường biển do họ gây ra, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại gồm 18 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng làm Chủ tịch Hội đồng; thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện, thị tại các huyện bị thiệt hại; các xã, phường thành lập Tổ xác nhận đối tượng, hộ gia đình.
Trong quá trình thực hiện, người dân tiến hành kê khai để các tổ đánh giá đúng mức thiệt hại, sau đó đưa ra họp và bàn bạc trong nhân dân một cách khách quan, công khai, tránh khiếu kiện và thiếu sót trong quá trình thực hiện.
Kết quả thống kê xác định có 4.636 tàu cá; hơn 827ha ao, hồ và gần 25.000m3 nuôi lồng bè; 49,7 ha làm muối; 33.149 lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường (trong đó, số lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp là 28.858 người). Các địa phương có số lượng tàu thuyền và lao động bị ảnh hưởng lớn lần lượt là thị xã Kỳ Anh; huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.
Tỉnh Hà Tĩnh có tới 33.149 lao động ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi sự cố môi trường biển
Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho hay, các thành viên Hội đồng đánh giá thiệt hại huyện đang đến từng xã thẩm định việc thống kê đối tượng, số lượng do thôn, xã kê khai để tổng hợp, báo cáo. Mặc dù thời gian gấp gáp nhưng để đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ, huyện triển khai soát xét, thẩm định thí điểm một số xã, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Huyện Kỳ Anh có 35 thôn thuộc 6 xã bị thiệt hại do sự cố môi trường. Hiện các thôn, xã đã hoàn tất việc kê khai, kiểm đếm theo quy định.
Còn 5 thôn bất hợp tác
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh, việc thực hiện kê khai phải đảm bảo tính chính xác, dân chủ, minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do diện ảnh hưởng rộng, sự cố này lại chưa từng xảy ra trên địa bàn nên các tổ đánh giá cấp cơ sở còn lúng túng.
Tại thị xã Kỳ Anh đang có 2 thôn thuộc xã Kỳ Hà và 3 thôn của xã Kỳ Lợi chưa thành lập Tổ rà soát, kê khai cấp thôn. Lý do mà người dân ở các thôn này bất hợp tác, theo ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã: “Có lẽ họ không thích lấy tiền đền bù”.
Ông Hà cũng cho biết, thị xã đã tổ chức tới 12 cuộc đối thoại ở Kỳ Hà và 3 cuộc ở Kỳ Lợi để tháo gỡ vướng mắc nhưng mọi nỗ lực của chính quyền vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Người dân ở đây yêu cầu “Họ phải biết số tiền và khi nào đuổi Formosa đi họ mới kê khai thiệt hại”, cho nên giải pháp duy nhất bây giờ thị xã thực hiện cũng chỉ còn cách tuyên truyền, vận động.
Gạo “hỗ trợ khẩn cấp” nằm chất đống trong hội trường xã Cẩm Lộc hơn 1 tháng nay
Thị xã Kỳ Anh là “tâm chấn” đặt Nhà máy Formosa và cũng là địa phương có số lượng lao động chịu ảnh hưởng lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh với con số thống kê: 1.329 tàu dưới 90CV; 6.539 lao động trên thuyền và khai thác thủy sản đơn giản; 592 tổ chức, cá nhân NTTS; 1.274 cơ sở kinh doanh thủy sản ven biển; 85 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và 33 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại.
Gạo “hỗ trợ khẩn cấp” đem về chất kho
Một thực trạng khiến người dân xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên bức xúc là trong khi người dân ven biển đang lâm vào cảnh khốn khó thì gạo “hỗ trợ khẩn cấp” lại đem về chất đống trong UBND xã, lo ngại hư hỏng.
Ông Hoàng Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho hay, hiện có hơn 16,8 tấn gạo hỗ trợ theo Quyết định 1621, ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh đang chất đống trong hội trường UBND xã chưa thể giải ngân, phát cho các hộ dân do chủ tàu thiếu xác nhận của trạm kiểm soát Cửa Nhượng (Đồn Biên phòng 168).
Theo quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, các tàu thuyền lắp máy hoặc không lắp máy dưới 90CV phải có xác nhận của Đồn Biên phòng mới được nhận gạo hỗ trợ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong số 64 tàu thuyền của xã Cẩm Lộc chưa được hỗ trợ thì có những tàu trong quá trình ra vào cửa lạch đã trình “sổ danh bạ thuyền viên tàu cá” để Đồn Biên phòng đóng dấu nhưng nhận được trả lời: “Tàu nhỏ nên ra vào lạch không cần trình sổ nữa”. Và bây giờ khi gặp sự cố, đời sống ngư dân lâm vào khó khăn thì chính họ lại không được hỗ trợ vì cái giấy xác nhận ra vào cửa lạch.
Ông Trương Ngọc Dương (SN 1969), thôn 5 Cẩm Lộc, có thuyền lắp máy 90CV đánh bắt vùng lộng. Đây là nghề chính của ông Dương và đứa con trai 17 tuổi; chị Lê Thị Thuần (vợ ông Dương) ở nhà buôn bán cá. Do sự cố môi trường cả gia đình 6 miệng ăn thiếu việc làm, cuộc sống ngày càng vất vả. Đợt 1 và đợt 2 xã phát gạo hỗ trợ, gia đình anh nằm trong danh sách thống kê thiệt hại nhưng không được nhận hỗ trợ vì thiếu giấy xác nhận của Đồn Biên phòng.
Tàu thuyền hộ ông Dương từng đóng dấu xác nhận ra vào Trạm Cửa Nhượng nhưng nay vẫn không được hỗ trợ
Ông Dương nói: “Từ năm 2008 – 2009 tôi thường vào trạm Cửa Nhượng đóng dấu sau các anh ở Trạm bảo tàu nhỏ không cần trình sổ nữa nên thôi. Vậy mà giờ kê khai thiệt hại chúng tôi lại không được hỗ trợ thì thiếu công bằng quá”. Theo ông Dương, thôn 5 cũng đang có 5 tàu cùng chung cảnh ngộ như gia đình ông.
Trả lời về giải pháp xử lý hơn 16,8 tấn gạo chất kho, ông Hoàng Văn Ngọ cho biết, xã đã làm tờ trình lên huyện, huyện cũng làm tờ trình lên tỉnh xin xem xét hỗ trợ cho bà con số gạo trên nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Thanh Nga