Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton sử dụng máy nhắc chữ khi phát biểu về cuộc điều tra e-mail mà FBI nhằm vào bà, tại Florida hôm 29/10 – Ảnh: Reuters.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan tình báo Mỹ đang điều tra những tài liệu giả mạo được tạo ra với mục đích gây mất uy tín cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton, nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Reuters.
Đây là một phần trong cuộc điều tra nhằm vào điều mà giới chức Mỹ tin là âm mưu của Nga nhằm gây rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Một trong số những tài liệu được điều tra đã được Thượng nghị sỹ Tom Carper – một nhân vật Dân chủ trong Ủy ban An ninh nội địa thuộc Thượng viện Mỹ – chuyển cho FBI. Lý do khiến ông Carper chuyển tài liệu này cho FBI là tài liệu này đã bị làm giả nhằm đánh lừa rằng đây là một bức thư do ông viết ra – theo nguồn tin.
Trong một đoạn của bức thư được xác định là giả mạo, ông Carper bị cho là viết cho bà Clinton nói rằng: “Chúng tôi sẽ không để bà thua cuộc bầu cử này” – nguồn tin tiết lộ.
Lá thứ giả này chỉ là một trong số nhiều tài liệu được chuyển cho FBI và Bộ Tư pháp Mỹ để điều tra trong những tuần gần đây, nguồn tin cho hay.
Cũng trong cuộc điều tra nhằm vào nghi vấn hacker Nga tấn công bầu cử Mỹ, FBI đề nghị các quan chức của Đảng Dân chủ cung cấp bản sao của những tài liệu bị nghi là giả được phát tán cùng với những e-mail và các tài liệu thật khác mà hacker làm rò rỉ – nguồn tin nói.
Giới chức Mỹ cho hay, các quan chức tình báo nước này đã cảnh báo về một chiến dịch mà họ cho là được hậu thuẫn bởi Chính phủ Nga nhằm gây nghi ngờ đối với cuộc bầu cử Mỹ. Chiến dịch này được cho là có thể vượt xa hơn việc tấn công vào mạng e-mail của Đảng Dân chủ, bao gồm cả việc tung những bằng chứng giả mạo về gian lận bầu cử, hoặc những thông tin sai lệch khác trước thềm cuộc bầu cử 8/11.
Đến nay, giới chức Nga vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc như vậy từ Mỹ.
Nguồn tin nói rằng ngoài lá thư giả mạo là thư của nghị sỹ Carper, FBI còn điều tra một tài liệu điện tử dài 7 trang mang logo của Benenson Strategy Group, một công ty thăm dò dư luận thuộc về ông Joel Benenson, một đảng viên Dân chủ. Tài liệu này cũng mang logo của quỹ Clinton Foundation.
Tài liệu trên – đã được chiến dịch tranh cử của bà Clinton xác nhận là giả – nói rằng tỷ lệ ủng hộ bà Clinton đã giảm mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận, đồng thời kêu gọi “thay đổi chiến lược cho tháng 11”, bao gồm “gây bất ổn” và tấn công bằng bom bẩn để gây gián đoạn bầu cử.
Cũng giống như bức thư giả mạo, hiện chưa rõ tài liệu giả này bắt nguồn từ đâu và bắt đầu được phát tán như thế nào.
Tuy nhiên, vào hôm 20/10, ông Roger Stone, một cựu trợ lý của Trump, dẫn đường link tài liệu này trên mạng xã hội Twitter, đăng kèm dòng trạng thái: “Nếu điều này là thật, Chúa ơi!!”
Glen Caplin, một phát ngôn viên của bà Clinton, nói rằng tài liệu trên là giả mạo và là một “chiêu trò tuyệt vọng” nhằm lợi dụng việc WikiLeaks tung loạt e-mail rò rỉ của Đảng Dân chủ.
Những diễn biến này cho thấy vai trò quan trọng bất thường của lực lượng chấp pháp và các cơ quan tình báo Mỹ trong một cuộc bầu cử căng thẳng, cũng như cuộc tranh luận đang diễn ra về việc các cơ quan này nên công khai tới mới độ nào về các cuộc điều tra của họ.
Giám đốc FBI James Comey, một nhân vật Cộng hòa được Tổng thống Obama bổ nhiệm, đã vấp phải sự chỉ trích mạnh của Đảng Dân chủ vào tuần trước khi ông thông báo với Quốc hội về việc đã mở một cuộc điều tra e-mail mới liên quan đến bà Clinton. Tuyên bố này của ông Comey đã phủ bóng lên chiến dịch tranh cử của bà Clinton, khiến tỷ lệ ủng hộ mà cử tri dành cho bà suy giảm trong một số cuộc thăm dò dư luận mới nhất.