Hàng loạt ổ gà án ngữ mặt đường |
Dự án đường từ thị trấn Đắk Đoa, huyện Đak Đoa đi xã Ia Băng, huyện Chư Prông được đầu tư với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, kết nối liên vùng, liên xã, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Công trình được đầu tư với tổng mức kinh phí 95 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô TCVN: 4054-2005, mặt đường cấp phối đá dăm, láng nhựa, quy mô đường cấp IV, bề rộng nền đường 7,5m, chiều dài gần 22km nối từ Quốc lộ 19 đến quốc lộ 14, diện tích sử dụng đất 22,75 ha.
Mặt đường bị bong tróc hoàn toàn |
Dự án được giao cho các đơn vị: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư; 2 đơn vị thi công gồm, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên (địa chỉ: 26 Trần Khánh Dư, phường Diên Hồng, TP PleiKu, Gia Lai) và Công ty CP Xây dựng - Thương mại Hà Mỹ Hưng (địa chỉ: xóm 6, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2017 và đang trong thời gian bảo hành, tuy nhiên qua mấy tháng sử dụng thì mặt đường đã xuất hiện rất nhiều điểm bị bong tróc với diện rộng, nhiều hố sâu xuất hiện trên mặt đường, ổ voi, ổ gà kéo dài hàng chục mét, lớp đá cấp phối bị bung ra nằm rải rác lởm chởm trên bề mặt. Quan sát toàn tuyến, nhiều đoạn bị bung và nhô lên thành đống, lớp nhựa ứa ra bám dính chặt lốp xe như lúc đang rải thảm.
Ông Nguyễn Văn M. (60 tuổi, trú thôn 6, xã Ia Băng, huyện chư Prông) cho biết: “Hằng ngày tôi đi qua tuyến đường này nơm nớp lo sợ bị tai nạn, đường mới hoàn thành cách đây mấy tháng nhưng hư hỏng hết rồi, lớp dầu mỏng lắm, chất lượng quá kém, đặc biệt ở khu vực gần chợ còn hư hỏng hơn nữa”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Quý Thành, Chủ tịch UBND xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa thông tin: “Đường mới làm mà đã bong tróc như vậy, chứng tỏ kết cấu và mặt đường chưa đảm bảo. Đây là tuyến đường chính nối hai huyện, lưu lượng xe, kể cả xe trọng tải lớn rất nhiều. Địa phương đã kiến nghị cấp trên đề nghị đơn vị thi công chắp vá những ổ gà để tránh tai nạn. Còn vấn đề xử lý như thế nào là do các cơ quan liên quan”.
Ông Phạm Xuân Điệp - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Gia Lai giải thích: “Hiện nay để xảy ra hư hỏng đường thì có nhiều nguyên nhân, trong quá trình thi công thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, khả năng nước mưa đọng trong lớp cấp phối, khi thảm nhựa thì nó bị bung ra. Trong quá trình thi công bị dính mưa, đương nhiên đơn vị tư vấn giám sát họ có mặt tại công trình để giám sát.
Nguyên nhân xuống cấp không phải do nền đường mà nhiều nguyên nhân khác nữa. Biện pháp khắc phục là nhà thầu bỏ chi phí sửa chữa, việc đầu tiên là phải đào hết lớp hư hỏng lên để xử lý, nếu lớp cấp phối đá dăm không ổn thì thay cấp phối đá dăm, nếu đất nền không đảm bảo thì thay lớp đó. Có thể xe quá khổ quá tải đi khá nhiều nên bung các vết đó ra”.
Dư luận đặt ra câu hỏi, những hạng mục bề nổi như mặt đường vừa thi công đã xuống cấp như vậy liệu các hạng mục khác trên cung đường này có đảm bảo chất lượng hay không?.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Infonet ghi nhận tại hiện trường:
Mặt đường bị xới lên như đất ruộng |
Hình ảnh này rất dễ bắt gặp trên tuyến đường gần trăm tỷ này. |
Một điểm xuất hiện dấu hiệu bong tróc |
|
Tác giả: Bá Tứ - Sông Cài
Nguồn tin: Báo Infonet