|
Sáng nay (12/12), TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo trong vụ án Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) ra xét xử.
Phiên xử bắt đầu lúc 8h và sẽ diễn ra trong 3 ngày. Người điều hành phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh. Hai kiểm sát viên Nguyễn Chí Dũng và Trương Tuấn Hưng thực hiện quyền công tố tại tòa.
Có 3 luật sư bào chữa cho ông Dũng tại phiên sơ thẩm, gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng (đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Bảo vệ quyền lợi cho cựu Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc có luật sư Nguyễn Huy Thiệp và một cộng sự cùng văn phòng.
Hội đồng xét xử. |
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines); Mai Văn Phúc (cựu TGĐ Vinalines); Trần Hữu Chiều (cựu Phó TGĐ kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M); Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines); Lê Văn Dương (đăng kiểm viên); Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines); Lê Ngọc Triện; Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa); Trần Hải Sơn (cựu giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).
(Ảnh: T.Nhung) |
An ninh trước cổng tòa Hà Nội được thắt chặt ngay từ sáng sớm (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
8h15: Vì có 4 bị cáo bị truy tố ở khoản 4, Điều 278 tội Tham ô tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình nên theo quy định, thành phần HĐXX gồm 5 người, trong đó có hai thẩm phán là bà Ngô Thị Yến và ông Đào Vĩnh Tường cùng 3 vị hội thẩm nhân dân. Bà Ngô Thị Yến giữ quyền điều hành phiên tòa.
Có 2 thẩm phán ngồi bàn dự khuyết trong trường hợp các bị cáo muốn thay đổi thành phần xét xử.
PV VietNamNet đang có mặt tại phiên tòa thông tin: Công tác an ninh trong phiên xử được siết chặt. Các loại thiết bị tác nghiệp của phóng viên như máy tính, máy ảnh đều bị kiểm tra và không được phép mang vào. Tất cả các PV chỉ được mang theo bút, sổ ghi chép. Các PV được bố trí theo dõi phiên xử qua màn hình ti vi. |
Dự tòa ngoài các nhân chứng còn có đại diện của những cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Cục đăng kiểm Việt Nam…
Bị cáo Dương Chí Dũng nhìn khỏe mạnh, thái độ rất điềm tĩnh, trang phục sơ mi trắng sơ vin, bên ngoài áo khoác xanh.
Bị cáo Dương Chí Dũng được dẫn giải đến Tòa án để tham gia phiên xét xử. (Ảnh: VietNamplus) |
9h: Tòa kết thúc phần thủ tục, VKS công bố cáo trạng.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an tạm giữ của bị cáo Dương Chí Dũng 3.900 USD khi bị bắt giữ ngày 4/9/2012. Gia đình bị cáo Trần Hải Sơn đã nộp 500 triệu đồng; gia đình bị cáo Trần Hữu Chiều nộp 340 triệu đồng; bà Trần Thị Hải Hà nộp 2 tỷ đồng.
Bà Hà là người nhận được 2 tỷ đồng trong tổng số gần 1,67 triệu USD trong thương vụ ụ nổi 83M. Đây là số tiền mà bị cáo Sơn trả công cho bà Hà khi đứng ra làm trung gian trong việc vận chuyển số tiền 1,67 triệu USD từ Công ty AP về Việt Nam. Bà Hà không biết số tiền này của Vinalines.
Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và các đồng phạm tại tòa (Ảnh: VietNamplus) |
Số tiền thu giữ trên CQĐT đang gửi giữ tại tài khoản của Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội.
CQĐT cũng đã kê biên 3 căn hộ của bị cáo Dương Chí Dũng; kê biên 1 căn hộ của bị cáo Mai Văn Phúc.
Đối với những vẫn đề khác tại Vinalines chưa được được điều tra làm rõ trong vụ án này như việc mua bán tàu biển, quản lý, khai thác cảng biển, đầu tư ngoài ngành… Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để kết luận xem xử lý theo quy định của pháp luật. VKSNDTC cho rằng như vậy là phù hợp.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M – một hạng mục quan trọng trong dự án – gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng, tham ô hơn 28 tỷ đồng.
Dương Chí Dũng và các đồng phạm biết rõ chiếc ụ nổi này hư hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối với nhau để hợp thức hóa thủ tục đưa ụ nổi từ Nga về Việt Nam.
Ông Dương Chí Dũng bị cáo buộc đã Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò là chủ mưu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.
Ngoài ra, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã cùng nhau tham ô hơn 28 tỷ đồng.
Có 15 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 3 ngày.
Sáng 12/12, đoàn xe chở Dương Chí Dũng và các đồng phạm đến tòa Hà Nội để xét xử (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
11h30: Bắt đầu phần thẩm vấn:
Bị cáo Dương Chí Dũng là người đầu tiên.
– Bản cáo trạng vừa được công bố so với bản cáo trạng mà bị cáo được nhận có gì khác không?
Không.
– Bị cáo giữ chức Chủ tịch HĐQT từ khi nào?
Từ 1/2007.
– Tại thời điểm đó Vinalines có chủ trương xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển chưa?
Có chủ trương từ năm 2006. Thời điểm đó bị cáo chưa được giữ chức Chủ tịch HĐQT.
– Lúc đó bị cáo giữ chức vụ gì?
Tổng giám đốc.
– Bị cáo có phải người đề xuất dự án không?
Bị cáo có trình dự án đó. Là xuất phát từ nhu cầu thực tế
– Thời điểm bị cáo được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT có tiếp tục không?
Có tiếp tục được thực hiện.
– Thẩm quyền phê duyệt thuộc về ai?
HĐQT.
– Có phải xin phép ai không?
Không.
– Dự án đó dùng vốn ở đâu?
Vốn vay để mua ụ nổi.
– Sẽ lấy tiền đâu để trả nợ?
Huy động giữa Vinalines và một thành viên khác.
– Nếu không phải dùng vốn nhà nước có phải báo cáo Bộ chủ quản không?
Báo cáo về chủ trương thôi.
– Bị cáo chỉ đạo Vinalines làm gì?
Bị cáo triệu tập HĐQT, ra Nghị quyết và thành lập Ban QLDA. Lúc đó bị cáo hiểu chỉ cần như thế là được rồi. Đến khi bị bắt, được cơ quan điều tra giải thích bị cáo mới biết mình sai.
– Trên cơ sở nào bị cáo quyết định mua ụ nổi?
Khi đang lập dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu thì có đề xuất mua ụ nổi. Nó căn cứ vào nhu cầu cần thiết cho nhà máy sửa chữa tàu.
– Bị cáo giao cho ai làm?
Căn cứ vào Nghị quyết, bị cáo giao cho Mai Văn Phúc làm.
– Bị cáo có chỉ đạo gì không? Định hướng như thế nào?
Bị cáo không chỉ đạo mua mới hay cũ gì cả, chỉ giao cho Phúc mua.
– Sao bị cáo biết Nhà máy bên Nga có rao bán ụ nổi đó?
Bị cáo biết trên thị trường, Nhà máy ở Nga đã từng rao bán.
– Ngoài Phúc, bị cáo có chỉ đạo ai không?
Bị cáo không tham gia chỉ đạo ai mua cái này, cái kia.
– Trong quá trình được báo cáo, bị cáo có phát hiện gì không?
Bị cáo biết có việc đi khảo sát. HĐQT đã cử người đi khảo sát.
– Bị cáo có biết ai đi không?
Có biết anh Chiều, anh Khang. Hôm đi anh Chiều có lên chào tôi. Tôi không chỉ đạo bất cứ gì.
– Đoàn khảo sát đi Nga có báo cáo gì không?
Chỉ chào thôi, nói mọi việc tốt đẹp, ngồi uồng nước một lúc rồi đi.
– Có văn bản gì báo cáo bị cáo việc mua ụ nổi?
Không có, chỉ khi Tổng giám đốc trình trong cuộc họp thì nghe.
Chỉ có duy nhất tờ trình khi Tổng giám đốc trình trong cuộc họp là mua ụ nổi của CTY AP giá 9 triệu USD.
– Trong đó có thể hiện độ tuổi của ụ nổi không?
Có
– Như thế nào?
Bảo sản xuất năm 1965.
– Tại sao lại mua ụ nổi từ phía Cty AP-Singapore chứ không mua trực tiếp từ phía Nga?
Do vướng một số thủ tục xuất nhập khẩu.
– Sau khi phê duyệt, bị cáo chỉ đạo gì tiếp theo?
Bị cáo không chỉ đạo cụ thể, không biết cái gì, không được báo cáo.
– Bị cáo không yêu cầu báo cáo à?
Mối quan hệ của tôi với Phúc không tốt. Tôi không bao giờ can thiệp vào công việc của anh em.
12h: Tòa tạm nghỉ.
13h30: Phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Dương Chí Dũng:
– Ụ nổi mua về khai thác được chưa?
Khai thác được rồi.
– Có đúng đã khai thác được rồi không?
Tôi chỉ nghe báo cáo.
– Bị cáo có quan hệ gì với ông Goh Hoon Seow, Giám đốc điều hành Cty AP?
Tôi có quen biết từ năm 2000 và có mối quan hệ thân thiết.
– Tại sao giai đoạn đầu bị cáo nói không quen biết ông Goh?
Tôi không muốn nhắc đến vì sợ việc điều tra sẽ không khách quan. Sợ họ sẽ hiểu tôi có quan hệ nọ kia. Sau đó tôi thấy là nên có thế nào thì khai thế đó.
– Trong quá trình đàm phán mua ụ, bị cáo có tham gia không?
Duy nhất một lần tôi đến nghe giới thiệu. Lúc đó tôi nhận ra người quen là ông Goh. Một lần đó, sau tôi không gặp lại ông ấy.
– Bị cáo khai con bị cáo du học bên Singapore, hai người thân thiết, bị cáo muốn ủng hộ ông Goh đúng không?
Tôi rất bình thường thôi, thấy có thể chấp nhận được mới đồng ý.
– Vai trò của Cty AP trong việc này là gì, có ai báo cáo cho bị cáo không?
Cái này do Tổng giám đốc phụ trách (ông Mai Văn Phúc – PV).
– Bị cáo có biết việc ông Goh đặt vấn đề mua ụ nổi không?
Khi gặp ông Goh thì chúng tôi không trao đổi gì, chỉ bắt tay chào nhau.
– Thời điểm đó bị cáo ý thức thế nào về việc mua ụ nổi từ phía Cty của ông Goh?
Tôi không trao đổi, tôi không biết. Sau này điều hành là do Tổng giám đốc.
– Sau đó bị cáo có liên lạc lại với ông Goh không?
Không liên lạc gì.
– Khi ký kết có ông Goh ở đó, bị cáo có suy nghĩ gì không?
Người điều hành là Tổng giám đốc, tôi không nhớ rõ.
– Trong cuộc họp HĐQT có ý kiến không ủng hộ nào không?
Tất cả đều ủng hộ hết.
– Bị cáo nhận thấy trách nhiệm của mình như thế nào?
Tôi thấy sai. Để xảy ra chuyện này do tôi không sâu sát, kiểm tra. Tôi cũng rất buồn.
– Bị cáo cố tình làm sai?
Trách nhiệm thế nào thì đã rõ rồi.
– Bị cáo có tìm hiểu lý do gì người ta bán ụ nổi tuổi cao như thế?
Tôi không tìm hiểu.
– Bị cáo với tư cách là người đứng đầu, chi phí mua ụ nổi lớn như thế mà bị cáo không biết là thế nào?
Tôi biết như thế là sai.
– Sao không mua ụ nổi mới mà lại đi mua cái cũ?
Mua cái cũ rồi về sửa chữa vẫn có thể sử dụng được.
– Trong cả quá trình có chịu sự giám sát của cơ quan nào không?
Bộ Tài Chính và Bộ GTVT.
– Họ có phát hiện ra sai phạm không?
Năm 2010 có Thanh tra Chính phủ vào thanh tra chung về quản lý tài chính của Tổng cty.
– Riêng về việc mua ụ có phát hiện gì không?
Sai về thủ tục đầu tư nên đã chuyển sang CQĐT.
– Lúc đó bị cáo giữ cương vị gì?
Cục trưởng Cục Hàng hải.
– Nghe thanh tra kết luận vụ đó, khi đó bị cáo làm Cục trưởng được bao lâu rồi?
Được vài tháng.
– Kết luận của thanh tra có đề xuất gì tiếp theo không?
Tôi không nắm được.
– Bị cáo được nghe mình có sai phạm, khi đó bị cáo nghĩ gì?
Lúc đó tôi không nghĩ mình sai.
– Việc mua ụ, bị cáo có trách nhiệm cao nhất đúng không?
Nếu nói tôi là người đứng đầu thì đúng, nhưng HĐQT quyết định.
– Bị cáo biết mình bị khởi tố khi nào?
Chiều tối ngày 7/5.
– Nghe được tin đó tâm trạng bị cáo thế nào?
Bị cáo hoảng quá nên đã bỏ trốn.
– Có gặp ai trong gia đình không?
Không.
– Bạn bè có gặp ai không?
– Không.
– Bị cáo trốn đi đâu?
Bị cáo chỉ nghĩ trốn đi càng xa Hà Nội càng tốt.
– Bây giờ bị cáo bình tĩnh lại chưa?
Bị cáo bình tĩnh rồi.
– Bị cáo đã trốn đi đâu?
Bị cáo sang Campuchia, định trốn sang Mỹ nhưng không nhập cảnh được do người ta bảo có thông báo đến ĐSQ rằng bị cáo có sai phạm gì đó nên bị cáo quay lại Campuchia. Sau đó bị cáo bị bắt ở Campuchia vào ngày 4/9.
– Khi bỏ trốn bị cáo có liên hệ gì với gia đình không?
Bị cáo không.
Trong phần trả lời thẩm vấn, ông Dũng liên tục nói không biết, không hay, mọi việc là do Tổng giám đốc Phúc chỉ đạo. Đến phần trả lời thẩm vấn trước tòa, ông Phúc lại cho rằng, sở dĩ mình ký vì đã thấy hơn chục chữ ký của cấp dưới, của đơn vị tư vấn…
* Phần thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc:
– Bị cáo giữ chức vụ Tổng giám đốc từ khi nào?
Từ 4/2007.
– Bị cáo đã ký vào các tờ trình?
Tôi ký vào các tờ trình trên cơ sở các cơ quan tham mưu, họ đã ký hơn chục chữ ký vào các văn bản.
– Căn cứ vào đâu lập đoàn khảo sát?
Được giao thực hiện và triển khai, để đảm bảo tiền trình dự án, dựa trên danh sách anh Chiều trình lên tôi đã cử đoàn đi khảo sát.
– Tại sao phải khảo sát ụ đó?
Tôi nghe theo các ban tham mưu, Ban QLDA, Ban kinh tế đối ngoại, Ban pháp lý… tham mưu cần đi khảo sát ụ đó.
– Có việc bỏ thầu chào giá, bị cáo biết không?
Nhận tổ chức thực hiện mua ụ nổi, mảng này do anh Chiều phụ trách. Tôi giao hết cho anh Chiều. Các tờ trình do anh Chiều báo cáo, sau đó Ban pháp chế soát lại. Họ ký mấy chục chữ ký. Trên cơ sở đó tôi mới ký.
– Lý do gì bị cáo muốn khảo sát ụ đó?
Vì nó cũ. Lúc đó tôi có thắc mắc sao cũ thế, già tuổi thế.
– Khi bị cáo bút phê có thực hiện khảo sát không?
Sau đó tôi nhận được văn bản của anh Chiều, tổng kết mười mấy chữ ký liên quan đến việc mua ụ nổi, rằng đó là cái tốt nhất thời điểm đó. Trên cơ sở đó tôi đồng ý.
– Ai là người quyết định đi khảo sát?
Tôi.
– Thành phần như thế nào?
Do anh Chiều lên danh sách.
– Bị cáo có yêu cầu thành phần đoàn khảo sát không?
Thời đó tôi mới về, có chuyển cho Ban tổ chức xem xét. Sau đó Ban tổ chức chuyển lại danh sách đúng như anh Chiều đã trình và tôi đã ký.
– Bị cáo có biết ai là người chỉ đạo đoàn khảo sát không?
Tôi không biết. Là do anh Chiều tổ chức.
– Khi đoàn khảo sát về có báo cáo không?
Có. Anh Chiều báo cáo là phía Nga họ từ chối đàm phán trực tiếp mà ủy quyền cho Cty AP.
Tôi hỏi anh Chiều họ trả hoa hồng cho CTy AP bao nhiêu biết không thì anh Chiều cười và bảo đời nào họ nói cho mình biết. Anh Chiều cũng nói là khi đó tình trạng bên Nga rất lộn xộn, công nhân biểu tình nhiều nên mua qua Cty AP để tránh rủi ro.
– Bị cáo hỏi đến hoa hồng của Cty AP làm gì?
Tôi cần biết để khi thương thảo, họ không “ăn” được quá nhiều. Lúc đó Tổng Cty đang khó khăn, chúng tôi phải đi vay vốn.
– Bị cáo có biết Cty của Nga ra giá bao nhiêu không?
Không ạ.
– Đoàn khảo sát có dùng văn bản báo cáo không?
Có và đề nghị mua qua cty AP vì tình hình của Nga rất lộn xộn, rủi ro cao khi công nhân biểu tình nhiều.
– Bị cáo có xem tờ trình không?
Có xem báo cáo, thấy ụ được sản xuất từ năm 1965, bị dừng phân cấp từ 2006 do chưa khắc phục được hỏng hóc.
– Người ta báo cáo có trung thực không?
Khi đó họ mới đi khảo sát, chưa có hồ sơ đầy đủ.
– Đến khi nào có hồ sơ đầy đủ của ụ nổi?
Đến bây giờ tôi vẫn chưa được thấy hồ sơ ụ nổi đó, chỉ căn cứ vào báo cáo của anh Chiều.
– Có bao giờ bị cáo yêu cầu xuất trình đầy đủ hồ sơ chưa?
Tôi chưa, nên khi bị bắt tôi đã xác định được trách nhiệm của mình.
– Như bị cáo khai, bị cáo chỉ ký thôi chứ gì?
Đúng vậy, bị cáo chỉ nhắc anh Chiều đảm bảo tiến độ dự án. Đó là chỉ đạo chung nhất của tôi.
– Bị cáo có bàn công việc với bị cáo Dũng?
Tôi và anh Dũng chưa từng ngồi trao đổi thống nhất với nhau vì quan hệ mâu thuẫn giữa tôi và anh Dũng.
– Mâu thuẫn gì?
Nói ra tôi thấy rất xấu hổ vì mâu thuẫn cá nhân làm ảnh hưởng đến cái chung.
Nói đến đây bị cáo Phúc quay sang bị cáo Dũng, như muốn đối thoại khiến chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở bị cáo quay lên HĐXX chứ không phải nói riêng với bị cáo Dũng.
Khi chuẩn bị bổ nhiệm, trong thời gian đó có rất nhiều nguồn tin nói anh Dũng không đồng ý tôi và còn xui người khác không ủng hộ tôi vào vị trí Tổng giám đốc. Trước đó hai anh em rất gắn bó, không có mâu thuẫn gì.
– Bị cáo thấy hành vi của mình là đúng hay sai?
Tôi đã thấy hậu quả thất thoát hơn 300 tỷ đồng, tôi nhận thức rằng mình phải nhận trách nhiệm về việc này là có căn cứ chứ không phải không. Lúc đầu chưa hiểu rõ tôi kiến nghị rất nhiều.
* Phần thẩm vấn bị cáo Chiều:
– Bị cáo đã nghe bị cáo Dũng và bị cáo Phúc khai. Có chỗ nào oan cho bị cáo không?
Oan thì không nhưng có một số chỗ chưa rõ.
– Bị cáo khai lại chỗ chưa rõ?
Tổng mức đầu tư mua ụ là 9 triệu USD, trong đó có phần tiền sửa chữa ụ. Tiền sửa chữa chưa xác định được nhưng chênh lệch chỉ một chút thôi. Cái giá Nga phát ra là 5 triệu USD thời điểm đó tôi không nghe thông tin nào.
– Bị cáo có phải là trưởng đoàn khảo sát không?
Không. Trong khi không có trưởng đoàn thì bị cáo nhận trách nhiệm trưởng đoàn.
– Có tiếp xúc với Cty của Nga không?
Họ không cho tiếp xúc.
– Tại sao?
Vì có cty AP rồi.
– Sang Nga khảo sát ai là người tiếp đón đoàn?
Ông Goh.
– Không được bàn việc với cty của Nga thì bị cáo khảo sát cái gì?
Sang đó người ta giới thiệu ông Goh là người đại diện.
– Ai là người cho tài liệu pháp lý về ụ nổi?
Xuống ụ nổi người ta đã để ở đó rồi. Đoàn đi khảo sát trực tiếp ụ đó. Trên ụ có cái ca nô để chứng minh là ụ đang hoạt động. Cty AP nói người ta vẫn dùng để sửa chữa.
– Bị cáo nhìn thấy cái ca nô thì bị cáo thấy thế nào?
Nga dừng từ 2006 nhưng thấy cái ca nô ở đấy thì tôi nghĩ là đang sửa chữa.
* Phần thẩm vấn bị cáo Khang:
-Bị cáo sang Nga khảo sát có được quán triệt gì không?
Không. Bị cáo sang Nga xem xét ụ nổi là có thật, ghi nhận hồ sơ. Bản thân đoàn khảo sát không thể giám định kỹ thuật.
– Bị cáo chứng kiến ụ nổi hoạt động như thế nào?
Bị cáo chứng kiến hạ ụ nổi. Vì sợ muộn giờ nên đoàn chỉ chứng kiến một phần lúc ụ nổi nổi lên.
– Bị cáo phát hiện được nhiều cái sai nhưng do bị cáo nhận được chỉ đạo nên đã ký nháy đúng không?
Bị cáo không nhớ đã phát hiện cái gì sai. Ụ nổi hạ thủy tàu được tức là ụ nổi hoạt động.
– Bị cáo không được suy đoán như thế.
Không ạ, đây là kỹ thuật.
* Phần thẩm vấn liên quan đến tội danh “Tham ô tài sản”
– Bị cáo Sơn:
– Dũng chỉ đạo chia số tiền hơn 28 tỷ đồng, nhưng không chỉ đạo phải chia cho Chiều, vậy tại sao bị cáo lại chia tiền cho Chiều?
Bình thường người giúp việc cho dự án cũng hay được chia. Chiều là Trưởng ban dự án nên bị cáo chia tiền cho cả Chiều. Bị cáo cho quà nhiều người chứ không riêng gì Chiều.
-Có phải vì Chiều là Trưởng ban quản lý dự án, sẽ trình Tổng giám đốc, trình Chủ tịch HĐQT nên cho Chiều tiền không?
Vâng.
– Sau khi chia, số tiền còn lại làm gì?
Bị cáo sử dụng mục đích cá nhân.
– Bị cáo đã khắc phục đến đâu?
Qua luật sư tôi đã bảo gia đình cố gắng nộp, theo cáo trạng tôi được biết gia đình đã nộp 500 triệu đồng.
– Bị cáo Dương Chí Dũng:
– Bị cáo Sơn khai thế có đúng không?
Bị cáo là lãnh đạo, anh em nói bị cáo không muốn tranh luận điều này không hay. Bị cáo không bàn với ông Goh, không biết gì về số tiền 1,666 triệu USD. Việc ông Goh lên phòng bị cáo là không có thật.
Yêu cầu làm rõ vì không có chỗ nào đúng. Không ngờ anh em tin tưởng mà lại thế này. Tôi còn mâu thuẫn với Phúc, không có chuyện tôi chỉ đạo chia tiền cho Phúc, cho tôi và cho Sơn.
– Cơ quan điều tra đã xác định được lịch công tác của bị cáo, xác định được bị cáo ở khách sạn Vitory?
Bị cáo chỉ gặp Sơn một lần ở nhà mẹ vợ, một lần ở TP.HCM, không có chuyện gặp ở khách sạn Victory, chỉ có một lần gặp Sơn ở khách sạn Sheraton. Khi đó anh Sơn mang đến valy kéo, có bánh xe lên phòng khách sạn nói là trong đó có rượu, đến khi ra sân bay mở ra biết là rượu.
Bị cáo không muốn nói nhiều về tội Cố ý làm trái vì đó chỉ là do nhận thức chứ không phải cố ý làm trái. Còn tội Tham ô thì bị cáo không tham ô, không nhận tiền, không biết gì. Nếu thực sự chia tiền thì sẽ chia cho anh Chiều chứ không chia cho ông Phúc.
– Khi gặp ông Goh, ông này có nhờ bị cáo ủng hộ thế tại sao bị cáo lại nói không biết gì về chuyện chuyển tiền?
Ông Goh không nói gì hết. Sự thật là bị cáo không biết gì hết. Ông Goh nói thế là bình thường, nhưng thực hiện lại là việc khác.
– Thế tại sao lại khai ở CQĐT là ngoài Phúc và Dũng thì không có ai có quyền quyết định việc nhận tiền và ăn chia?
Bị cáo bị bắt ở Campuchia, giam 1 tháng ở TP.HCM, sau đó lại bị đưa lên Lạng Sơn giam ở đó hơn 1 tháng rồi mới lại được đưa về Hà Nội. Lời khai đó không hẳn đúng. Điều tra viên có hỏi tôi: Tôi và Dũng là lãnh đạo cấp cao nhất không quyết thì còn ai vào đây. Tôi trả lời, đúng là tôi và Phúc là lãnh đạo cấp cao nhất nhưng CQĐT lại ghi như vậy.
Trong biên bản ghi lời khai, bị cáo đã ghi trực tiếp vào biên bản lời khai là đã đọc lại, biên bản có xóa sửa, có ký nháy?
Chúng tôi khai không được ghi, ghi không hết, không được nêu vấn đề, không được hỏi.
– Bị cáo có nhà ở đâu?
Ở Nguyên Hồng.
– Bị cáo còn mua nhà ở đâu nữa không?
Bị cáo mua nhà ở 88 Láng Hạ cho cô Thảo. Mua căn hộ Pacific cho thuê. Tiền mua căn hộ lấy từ vợ, số tiền đó là do anh Sơn đưa cho vợ tôi, tổng số là hơn 10 tỷ đồng. Thảo có tiêu trong đó, không biết là bao nhiêu.
Đi mua nhà ở Láng Hạ, tôi và cô Thảo đến, mua nhà ở Pacific tôi đến giao. Mua nhà là cho cô Thảo ở và đầu tư kinh doanh, có ý cho cô ý căn nhà.
Tôi lấy tiền của vợ bảo là cho anh sử dụng có việc. Vợ bị cáo lúc đó không biết. Sau đó vợ bị cáo có nghi ngờ nhưng tôi không dám nói thật. Tôi giấu vợ và con. Khi bố tôi ốm, tôi có đưa cô Thảo đến thăm ông bà, hai em gái tôi có biết chuyện.
Việc tôi mua nhà con gái tôi không biết. Tôi không nói ra chuyện lấy tiền vợ tiêu cho cô Thảo vì xấu hổ nhưng sự thật thì không bao giờ giấu được.
– Tại sao trong lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, liên quan đến số tiền mua hai căn hộ này lại được nói là từ tiền do bị cáo kinh doanh?
Lúc đó, tại cơ quan điều tra khai về số tiền này lấy của vợ để mua cho bồ thì xấu hổ.
18h: Phiên tòa kết thúc. Ngày mai (13/12), phiên tòa tiếp tục xét xử….
(VNN)