Gần một tháng trở lại đây, rất nhiều người dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã phóng xe hơn 100km về các cánh đồng ở huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh để bắt châu chấu.
Sáng sớm tinh mơ, trên những cánh đồng lúa ở huyện Đức Thọ, đội quân bắt châu chấu đã chia thành nhiều tốp, giăng lưới hành nghề.
Giăng lưới để bắt châu chấu
Cuộc săn bắt diễn ra nhanh chóng. Mỗi nhóm có khoảng 3 đến 4 người dùng cuộn dây thừng dài căng thành hình vòng cung, vừa kéo vừa xua châu chấu về khu vực đã giăng lưới sẵn. Bị xua đuổi, những chú châu chấu liền bay về cùng một hướng theo sự “chỉ dẫn” của những người thợ săn.
Chỉ trong phút chốc, từng đàn châu chấu đã bám đầy lưới và nhóm người đi săn chỉ việc cuốn lưới lại, trút thành quả vào bao tải. Mỗi mẻ đánh bắt, họ thu được 2 đến 3kg châu chấu.
Anh Trần Văn Tâm (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết: “Cứ đến mùa là cả làng chúng tôi rủ nhau đi bắt châu chấu. Những năm trước chúng tôi chỉ bắt ở ngoài quê (Quỳnh Lưu) nhưng mấy năm trở lại đây, số lượng châu chấu ít rồi nên chúng tôi vào đây.
Tất cả châu chấu được gom lại rồi bán cho các đầu mối đưa ra Hà Nội tiêu thụ. Khi được giá, mỗi kilôgam châu chấu cũng được hơn 80 nghìn đồng. Mỗi ngày cả nhóm chúng tôi bắt được tầm 30 đến 40kg. Trừ chi phí mỗi ngày cũng kiếm được từ 500.000 đến 1 triệu đồng”.
Những người thợ bắt châu chấu cho biết, cứ sau mỗi lần dân làng gặt xong lúa, họ lại lên đường. Những cánh đồng bằng phẳng, có nhiều mạ non là vị trí lý tưởng để tổ chức vây bắt. Một ngày làm việc không kéo dài, chỉ từ 6h sáng đến 9h là kết thúc.
Anh Nguyễn Thái Hưng (cùng nhóm anh Tâm) cho biết: “Ngoài săn ban ngày, đêm cũng là thời điểm lý tưởng để bắt châu chấu. Tuy nhiên, săn ban đêm thường nguy hiểm hơn vì trời tối, nhiều cánh đồng gồ ghề, đặc biệt là dễ bị rắn và côn trùng tấn công”.
Với nhiều người, săn châu chấu là một nghề mới mẻ và xa lạ. Nhưng với những người dân Quỳnh Lưu, đó là một nghề từ lâu đã mang lại cho gia đình họ miếng cơm manh áo.