Một góc quần thể di tích. |
Khu vực Cồn Sò năm xưa là sự đồng hiện của các giá trị văn hóa hòa quyện, kết hợp giữa kiến trúc tín ngưỡng, thờ tự với các công trình phục vụ đời sống hàng ngày. Đây không chỉ là sự tiếp nối về không gian, quy hoạch mà còn là tiếp nối thời gian và dòng chảy truyền thống. Có lẽ đấy là thông điệp mà người dân nơi đây muốn gửi gắm: những giá trị của lịch sử, tổ tiên, di sản cha ông để lại và anh linh của những người con trung hiếu đã nằm lại nơi chiến trường luôn là động lực để cấp ủy, chính quyền và người dân thi đua lao động, sản xuất, gìn giữ những nét đẹp văn hóa.
Tuy nhiên, các di tích không tiết lộ những câu chuyện đằng sau tường rêu, bia đá. May thay, tôi gặp được cụ Dương Xuân Định – cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn Vĩnh Thịnh, cụ trầm trồ: “Xưa kia, Cồn Sò cao chừng 20m, cây cối um tùm, giăng mắc. Cạnh Cồn Sò, bàu Cồn Rú sâu đến 6-7m, nước trong xanh, có nhiều loại cá. Nơi đây rất linh thiêng, ứng nghiệm nỗi chiều tối nhiều người chẳng dám qua lại, đàn bà, con gái không dám ghé mắt nhìn”. Là người nhiều năm tâm huyết với mảnh đất mình sinh ra, cụ Định còn cho hay, Cồn Sò đã trải qua 5 lần khảo cổ, mỗi lần di tích được đặt một tên gọi, từ di chỉ chùa Tăng Phúc, di chỉ bàu Cồn Rú đến di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc.
Thoáng chốc, mặt trời đã ló rạng, ánh nắng dát vàng lên những lối đi. Tại trụ sở văn phòng UBND xã, một cán bộ đưa cho tôi cuốn Di tích lịch sử – văn hóa Thạch Hà, do NXB Nghệ An ấn hành quý 3/2014. Cuốn sách đã tường thuật khá đầy đủ những gì tôi cần tìm hiểu. Qua các đợt khảo cổ tại di tích, nhiều di vật đã được tìm thấy như công cụ sản xuất, vũ khí, dụng cụ sinh hoạt, đồ trang sức bằng đá, xương, hàng vạn mảnh gốm, đặc biệt có di cốt người cổ. Theo các chuyên gia, di cốt là của nam giới khoảng 40-50 tuổi, cao 155-160 cm, nhóm máu 0. Những bằng chứng này đã khẳng định sự có mặt của người Việt cổ trong niên đại hậu kỳ đá mới. Tầng văn hóa của di chỉ khá dày, trung bình khoảng 1,6m, chứng tỏ con người đã cư trú ở đây trong một thời gian rất dài. Hiện tượng cát vàng xen kẽ trong các tầng văn hóa có thể là di tích liên quan đến sự hình thành của các đồng bằng ven biển và cấu tạo của thềm lục địa vùng duyên hải miền Trung.
Di chỉ Thạch Lạc được xem là một trong những vùng cư trú của người Việt giai đoạn hậu kỳ đá mới và đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích quốc gia. |
Với kiến thức ít ỏi, tôi đồ rằng, những di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mối quan hệ với nhau. Di chỉ Phái Nam (Thạch Lâm) ở núi Nghĩa Sơn (tức rú Sò hoặc rú Trò) – nơi tọa lạc của chùa Tịnh Lâm là di chỉ cồn sò điệp, khẳng định sự có mặt của người Việt cổ gắn với quá trình di cư. Ngoài ra, di chỉ Phôi Phối – Bãi Cọi ở Nghi Xuân cũng cho thấy sự xuất hiện của người Việt trên dải đất ven biển thuộc hậu kỳ đồ đá mới, dẫu rằng, ở đấy có bằng chứng của sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Rõ ràng, để có được “cơ ngơi” như hôm nay, cha ông ta đã tổ chức đời sống của mình theo xu hướng lấn dần ra biển, hình thành cộng đồng, tổ chức sản xuất.
Đất đã lưu giữ ký ức nghìn năm về ông cha sống động và sáng rõ. Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc với bộ di cốt đã được cất giữ ở Bảo tàng Hà Tĩnh, hàng năm, chính quyền và người dân vẫn chăm nom, hương khói; đầu năm 2014, con đường vào khu mộ trị giá gần 200 triệu đồng hoàn thành. Thế nhưng, đối với một di chỉ được xếp hạng di tích quốc gia, chừng ấy hành động để bảo tồn vẫn là quá ít. Qua trò chuyện với lãnh đạo xã Thạch Lạc, tôi được biết, do kinh phí khó khăn nên một số hạng mục tại khu di tích chưa được đầu tư hoàn thành. Tháng 8/2014, ông Nguyễn Hữu Nhiên sinh sống tại Vũng Tàu trong một lần về thăm quê đã hỗ trợ xã 100 triệu đồng để đầu tư. Theo Chủ tịch UBND xã, chính quyền sẽ dùng số tiền này để hoàn thành khu mộ người Việt cổ, tu bổ lại khuôn viên.
Tôi từ biệt Thạch Lạc trở về Thành Sen. Đi qua Cồn Sò bỗng thấy bùi ngùi. Di tích đã được bảo tồn nhưng chưa phát huy được các giá trị trong thời hiện đại. Còn quá ít người hiểu về di tích, biết về những biến động một thời. Ông Nguyễn Tùng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý di sản – Sở VH-TT&DL cho hay: Nguồn lực đầu tư cho di sản nhìn chung còn ít nên khó khăn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị, hơn nữa, di tích khảo cổ lại là di tích đặc thù. Để phát huy giá trị của di tích, trước mắt, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đồng thời sửa sang, tôn tạo lại khuôn viên.
Trong tương lai, nếu có chuỗi kết nối có thể hình thành điểm du lịch. Tôi nghĩ: Cồn Sò là sự hội tụ của quần thể di tích bao gồm khu mộ người Việt cổ, đền Sắc, chùa Tăng Phúc. Cách Cồn Sò không xa, trên cung đường rất thuận lợi là hai di tích xếp hạng quốc gia: đền thờ Trương Quốc Dụng (xã Thạch Khê), đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (xã Thạch Bàn). Nghĩ đến đấy, lòng tôi ấm lại. Cái nắng của mùa thu đã trở lại xanh trời.
Nguyễn Mạnh Hà