Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đâu? Câu trả lời có nhiều, từ học sinh, từ chương trình, từ sách giáo khoa và từ đổi mới chính các thầy cô. Trên quan điểm là một người trong cuộc, thầy Đỗ Tấn Ngọc, một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một góc nhìn rất mới về vai trò của các thầy cô.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm và cách hành văn của tác giả, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên, toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tập trung triển khai Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thực hiện Nghị quyết quan trọng này, trong đó có bậc phổ thông, sau năm 2015, Bộ GD & ĐT và những người tâm huyết với giáo dục đặt ra nhiều việc, nhiều vấn đề cấp thiết cần chuẩn bị, giải quyết trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra.
Đó là thiết kế, biện soạn lại chương trình, sách giáo khoa; đổi mới cách thi cử, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất; các trường sư phạm đào tạo giáo viên… Theo chúng tôi, những người đang quản lý và dạy học ở nhà trường phổ thông thì khó khăn, trở ngại lớn nhất đối với đề án đổi mới căn bản, toàn diện không phải ở việc thiết kế, biện soạn lại chương trình, sách giáo khoa; đổi mới cách thi cử, kiểm tra đánh giá, cơ sở vật chất mà là chất lượng đội ngũ giáo viên.
Nói thật với nhau rằng, một bộ phận cán bộ quản lý và thầy cô giáo chúng ta đang có nhiều “vấn đề” về năng lực, phẩm chất, trình độ và trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục. Căn nguyên do đâu? Một thời gian khá dài trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau chiến tranh, đội ngũ giáo viên bị thiếu hụt trầm trọng nên để nhanh chóng đáp ứng đủ số lượng thầy cô giáo cho cả nước, các trường đào tạo sư phạm và các trường khác liên tục gia tăng chỉ tiêu, mở ra nhiều loại hình đào tạo, nhận đủ loại vàng, thau. Học hành yếu kém, lòng yêu nghề, năng khiếu nghề không có mấy, song vì đường cùng, dạng “chuột chạy cùng sào” nên mới chui vào sư phạm.
Ảnh minh họa |
Trong trường sư phạm, học kiểu gì cũng được ra trường, làm thầy, làm cô như ai. Cái “gốc” hạn chế, yếu kém nhiều thì làm sao dạy cho được, cho giỏi? Hậu quả là học sinh, xã hội lãnh đủ. Giáo viên ngoại ngữ nhiều địa phương, thi, kiểm tra nghề nghiệp theo chuẩn Châu Âu, rớt như sung rụng. Cách đào tạo cộng với trình độ ngoại ngữ của giáo viên ta như thế, học sinh Việt Nam không tệ ngoại ngữ mới lạ.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có chủ trương, miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm nhằm thu hút nhiều học sinh khá, giỏi vào học. Nhưng thực tế, nhiều em khá, giỏi vẫn” quay lưng”, không mấy mặn mà với nghề giáo. Lý do chính là do thu nhập và mức sống của đội ngũ nhà giáo vẫn còn thấp. Tết nhất, phần nhiều giáo viên phổ thông không hề biết tới tiền thưởng là gì. Thu nhập, mức sống khá chật vật.
Tiền chi tiêu cho mình và gia đình chưa đủ, thì nghĩ gì đến chuyện mua sách để đọc. Tìm cách làm thêm, chèn ép dạy thêm đủ kiểu nhằm cải thiện đời sống, thì thời gian đâu để đầu tư chuyên môn, bài vở, giáo án? Những đợt tập huấn, cuộc thi, phong trào thi đua, cách đánh giá mới do trường, ngành phát động… góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học, hiệu quả giáo dục…thì ngày càng “tàn lụi”, nhiều giáo viên ngao ngán, lơ là, đổ lỗi cho cấp trên thích thành tích, vẽ vời.
Mặt khác, có tư tưởng, nghề này quá lặng lẽ, gò bó, công việc cứ đều đều, lặp đi lặp lại đến mức nhàn chán. Kể cả gia đình giáo viên, nhiều người cũng không có ý định hướng cho con em mình nối nghiệp bố, mẹ, vì thấy nghề này vất vả, nhọc nhằn mà xã hội lại luôn yêu cầu, đòi hỏi cao. Nhiều giảng viên trẻ có năng lực được giữ lại trường, vì lương bổng quá thấp nên cũng đành chia tay với trường lớp, ra bên ngoài kiếm nghề, ngành có thu nhập cao hơn.
Mấy năm nay, hầu hết các địa phương, nhân lực ngành giáo dục đã có xu hướng bão hòa, các nhà trường đều dư thừa giáo viên. Học hành, đào tạo ra trường rất tốn kém nhưng xin việc gặp khó khăn vô cùng, thất nghiệp tràn lan, khiến cho động lực số học sinh học tốt, thi và theo nghề dạy học ngày càng giảm sút. Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD & ĐT thì hiện nay cả nước dư thừa đến 35.000 giáo viên. Thực tế, con số dư thừa còn lớn hơn nhiều. Các ngành nghề khác ra trường thất nghiệp thì dễ tìm việc để làm, còn nghề sư phạm không hề dễ.
Thừa biết thực trạng, “căn bệnh” của đội ngũ giáo viên, thời gian qua, Bộ GD&ĐT có những cố gắng, biện pháp cụ thể. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Ra hàng loạt văn bản yêu cầu các trường, địa phương thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học ở các môn học. Chuyển sang hình thức hợp đồng giáo viên, không còn biên chế, để giáo viên tích cực , năng động hơn. Có hướng giao cho hiệu trưởng trả lương cho giáo viên theo năng lực, hiệu quả. Ra chỉ thị về việc cấm đọc cho học trò chép và giáo viên dạy theo kiến thức chuẩn.
Triển khai chuẩn đánh giá hiệu trưởng , giáo viên và tự đánh giá cơ sở giáo dục…Cải tiến cách thi cử theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tổ chức hàng loạt các cuộc thi có nội dung mới dành cho giáo viên, học sinh để hướng tới mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới…Những nỗ lực ấy, liệu có đủ lực để vực dậy tinh thần trách nhiệm, củng cố, nâng cao được năng lực dạy học của đội ngũ thầy, cô giáo, đáp ứng yêu cầu mới không?
Theo chúng tôi, người trong cuộc, rất khó khăn và cần nhiều thời gian, vì “ cái gốc” từ đội ngũ giáo viên quá èo uột, ốm yếu. Song dù khó khăn đến mấy, chúng ta phải làm, làm kiên trì, làm quyết liệt, phải bắt đầu từ con người. Bởi lẽ, đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định nhất. Chương trình, sách giáo khoa có hay, hiện đại đến mấy, phòng ốc, thiết bị trường học có đầy đủ, tiện nghi đến đâu đi nữa, nếu vẫn tồn tại quá nhiều thầy cô giáo thiếu nhiệt huyết, năng lực hạn chế, ngại, sợ đổi mới thì mục tiêu của đề án từ bể… đến phá sản.
Cả nước hiện có 133 cơ sở giáo dục đào tạo ngành Sư phạm, với 376.000 sinh viện đang theo học, chiếm 15,5% quy mô sinh viên cả nước. Trong năm học 2014-2015, có khoảng 60.000 sinh viên nhập học vào các trường sư phạm. Điểm đáng buồn, lo nhất là điểm đầu vào của sinh viên sư phạm không được cải thiện, thậm chí có trường ngày càng thấp. Mặt khác, chương trình đào tạo cũng đã cũ kĩ về tri thức khoa học so với khu vực và thế giới.
Các môn học bổ trợ chưa được tăng cường, nhiều kĩ năng mềm chưa được trang bị cho sinh viên. Các môn học nghiệp vụ ít được chú trọng, thời gian dành cho thực tập môn học không có. Có nhiều trường Sư phạm ở các đại phương chưa được trang bị phòng học có ứng dụng công nghệ thông tin, thư viện số hóa, thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo… Tỷ lệ sinh viên đạt kết quả học tập khá, giỏi cao nhưng năng lực thực tế còn yếu. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm cho cử nhân ngoài Sư phạm chỉ trong vài tháng, với một số môn học, không có phần thực tập sư phạm.
Do vậy theo chúng tôi, trước tiên, chúng ta phải “ đại phẫu” các trường đào tạo sư phạm. Từ ngay bây giờ, các cơ sở đào tạo giáo viên cần “ lột xác” về phương cách đào tạo, tuyển sinh. Các trường sư phạm không thể đứng ngoài cuộc trước những thay đổi, yêu cầu mới của ngành giáo dục. Đội ngũ giảng viên trường sư phạm cần được đào tạo, cập nhật kiến thức và phương pháp dạy học hiện đại, luôn trải nghiệm và hòa cùng dòng chảy, hơi thở của nhà trường phổ thông; các giáo trình lạc hậu được thay thế, biên soạn bằng giáo trình tiên tiến, bám vào chương trình dạy học mới ở phổ thông; đầu tư tốt cho các trường sư phạm trọng điểm, hạn chế hoặc cắt bỏ các trường, các lớp không đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn. Nơi đào tạo giáo viên bài bản, đúng chuẩn, tất nhiên sản phẩm đầu ra mới tốt lên được.
Hơn nữa, tuyển sinh vào các trường sư phạm nên có bước sơ tuyển chặt chẽ, kỹ lưỡng ở địa phương, giống như ngành công an, quân đội, với quy chuẩn cụ thể về sức khỏe, ngoại hình, giọng nói, năng khiếu sư phạm, kết quả văn hóa, đạo đức 3 năm phổ thông, hiểu biết về văn hóa, xã hội… Làm được vậy, các trường sư phạm sẽ lựa chọn được những thí sinh đảm bảo về tiêu chuẩn ban đầu . Trong quá trình đào tạo, tăng cường thêm thời lượng, các môn học, chuyên đề về tâm lý, kỹ năng, phương pháp sư phạm; giáo dục đạo đức, xử lý học sinh cá biệt…kể cả đạo đức, trách nhiệm nhà giáo.
Có thể, từ năm thứ nhất, thứ hai, cho giáo sinh về thực tập, rèn luyện, làm quen với môi trường phổ thông.. Đào tạo xong, ra trường, Nhà nước đảm bảo cho họ về chỗ làm việc, tránh kiểu “ đem con bỏ chợ” như hiện nay. Tổ chức thi tuyển dụng, hướng đến áp dụng quy chuẩn như các nước Châu Âu, gồm bài luận, phỏng vấn, một số tiết thực dạy trên lớp cùng với đó là một chế độ, chính sách đãi ngộ, lương bổng giống như ngành đặc thù công an, quân đội…tức khắc vị thế, giá trị nghề giáo và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp trồng người sẽ tốt hẳn lên.
Đối với tình trạng học sinh phổ thông ngày càng giảm, giáo viên thất nghiệp và tốt nghiệp ra trường ngày càng nhiều, Nhà nước, ngành cần có nhiều biện pháp, chính sách linh hoạt, phù hợp để giải quyết vấn đề về con người nhức nhối này. Tôi đặt ra 2 biện pháp tâm đắc nhất. Một là, tinh giản bớt số giáo viên già, gần đến tuổi về hưu, mệt mỏi, không còn tinh thần, động lực làm việc, tuyển chọn số giáo viên trẻ, có năng lực, đang chờ việc. Thứ hai, các nhà trường, Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo cần triển khai đầy đủ, nghiêm túc chuẩn đánh giá nghề nghiệp giáo viên ( Bộ Giáo dục đã ban hành) trong thực tế, để từ đó làm cơ sở sàng lọc bớt số giáo viên không đạt yêu cầu ra khỏi biên chế vừa để giảm bớt gánh nặng về ngân sách vừa tăng cường ý thức, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo đối với công việc.
Với kiểu đánh giá lâu nay, cuối năm ai cũng như nhau, tốt, khá hết, chẳng sa thải được người nào nên một số giáo viên có dấu hiệu lơ là, chểnh mảng nhiệm vụ… Câu nói giản dị của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng căn dặn Ngành giáo dục phải phấn đấu” trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” cách đây mấy chục năm rồi mà đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị. Tất cả, sự nghiệp này hãy bắt đầu từ đầu tư và quan tâm toàn diện đến đội ngũ nhà giáo.