Tuỳ bút Quê hương

Dọc miền Hà Tĩnh (kỳ 8)

Tôi ôm sách lặng lẽ đi, không về qua đại đội, Mỹ đang ngừng đánh phá đơn vị được lệnh sang Xuân Giang II trồng lúa, trồng khoai tự túc một phần lương thực. Ngày tôi ra trạm xá, về thấy hiệu sách huyện Nghi Xuân đang… vắng khách. H.O ngồi đang cắt dây buộc các chồng sách mới xếp lên giá. Thấy tôi, H.O bỏ việc đứng trong quầy. H.O hỏi:

hatinh24h

– Mắt anh khỏi chưa?

– Khỏi rồi. Tôi không giấu được nỗi mừng vui.

– Lại gần đây em xem. Tôi ngoan ngoãn đến gần. H.O bất ngờ đưa ngón tay trỏ khẽ ấn quanh tròng mắt trái tôi. Một cảm giác vô cùng lạ lẫm trong mắt khi ngón tay H.O ấn nhẹ. H.O nói nhỏ:

– Đôi mắt là ngọc. Mắt rồng (tôi nói ngọc long) càng quý. Nó đã bị thương thì không còn được như cũ. Anh giữ gìn cẩn thận nhé. Đọc nhiều sách là nó khỏi. Đọc nhiều sách là bổ mắt mà.

H.O đưa tôi ba tập Sông Đông êm đềm lấy ra từ chồng sách mới, nói:

– Anh nên đọc sách lý luận – phê bình văn học, nó giúp mở rộng kiến thức… Chị quay lại ghế ngồi lần giở một quyển sách mỏng, cũ. Đến gần tôi H.O nói giọng trang trọng:

– Em tặng anh quyển sách này. Sách riêng của em.

Tôi giơ hai bàn tay đón lấy sách người run lên trong cảm thức rất bản năng, giống như lần đầu đánh trận:

– Ôi, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Tôi mở sách ấp lên mặt rồi mở ra. H.O nói:

– Anh nhẩm đi, dòng mấy em bói Kiều.

H.O ồ lên:

– Đây rồi:

Cảo thơm lần giở trước đèn.

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Chị cười:

– Chúng em là con cháu cụ Nguyễn Du, ai cũng giữ một quyển. Em thuộc lòng rồi tặng lại anh.

Tôi ôm sách về trận địa. Anh em ở sở chỉ huy ra đón. Quốc Tuấn kéo tôi ra hố chỉ huy, nói:

– Em điều tra rồi. Em biết chị ấy vẫn lấy sách mới mua về cho anh mượn. Em thấy tụi nó truyền nhau chị ấy xinh đẹp bị một thằng sở khanh phụ tình, nên ít quan hệ với ai. Chúng em có sang hỏi han cũng ít khi trả lời. Thế mà anh lại được chị ấy cho mượn sách mới. Này em hỏi không phải chị ấy tên như vậy đâu. Anh nói tên H.O à. Tôi cười:

– Chị ấy là Kiều. Nàng Kiều trong sách Nguyễn Du, hiểu không!

Nàng Kiều thứ hai:

Một buổi sáng, sau mấy giờ pha nước tiếp chuyện các nhà văn ở Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, tôi ngồi vào bàn làm việc của mình định viết tiếp phần “Dọc miền Hà Tĩnh” trong quyển bút ký lịch sử về xứ Nghệ – xứ Thanh. Ngay lúc ấy có hai người xuất hiện. Một đàn ông và một phụ nữ. Hình như hai người ở ngoài đợi đã lâu. Chị phụ nữ cao, dáng hơi đẫy, đeo kính đen, khuôn miệng cười vẫn còn giữ nét đẹp thời thanh xuân. Người đàn ông dáng đậm, đầy sức mạnh, giữ nét mặt lạnh lùng, như đi để bảo vệ chị kia. Tôi rót trà mời hai người khách. Người đàn ông nhìn tôi chăm chú còn chị phụ nữ miệng luôn cười. Tôi ngờ ngợ định hỏi anh chị đến liên hệ việc gì. Chị phụ nữ bỗng hỏi giọng hơi to, lẫn trong tiếng cười:

– Anh có còn nhớ ai đây không?

– Nhớ chị hay là nhớ anh ạ?

– Nhớ em chứ!

Tôi cố nhớ: Khuôn miệng cười duyên. Da thì đã phủ phấn. Hai mắt vẫn đeo kính đen.

– Còn nhớ không? Chị lại cười thành tiếng.

Tôi nhắm mắt lại mở ra, lục tìm trong trí nhớ. Chị phụ nữ bằng động tác dứt khoát bỏ cái kính đen ra đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Rồi chị rút khăn lau nhẹ quanh cái cổ cao. Tôi nhận ra cái ngăm đen của nước da.

– Nhớ chưa?

– Sẽ nhớ ra.

– Em gợi ý: Xuân Giang I, Xuân Giang II, Cầu Già, Thạch Việt.

Tôi kêu lên:

– H.A phải không? Đúng rồi, anh vẫn nhận ra nét quen.

Cô quàu quạu:

– Nhận, nhận ra cái gì. Người ta không gợi ý thì có mà nhận.

H.A nhìn tươi trẻ hẳn ra. Nàng giới thiệu:

– Đây là anh cùng cơ quan đi với em đến tìm anh. Ông xã nhà em hiện ở Vinh. Em định cư ở Vinh ta mấy chục năm rồi. Nhà em ở bên nhà bác Bá Dũng. Trong một lần nói chuyện với bác về thời chiến tranh ở Vinh và Hà Tĩnh, nhà văn Bá Dũng nhắc đến anh. Em mới hỏi sự tình. Ông Bá Dũng trêu bảo là người yêu cũ phải không. Em bảo:

– Yêu gì cái lão ấy. Nhưng mà nhớ. Người đâu lạ kỳ. Người ta là con gái, không bước đến lại cứ lùi. Sợ người ta như sợ hủi.

Người đàn ông đi cùng bấy giờ mặt mới tươi lên. Anh bảo:

– H.A có hai cậu con trai học giỏi, đã đi làm. Một cháu làm ở Tổng công ty hàng không. Tôi với H.A. cùng sinh hoạt ở câu lạc bộ thơ. H.A. rất mê truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Cô ấy lẩy Kiều giỏi đấy.

Tôi nói vui:

– Con gái Hà Tĩnh, nói rộng ra là phụ nữ Hà Tĩnh ai mà chả yêu Kiều, giỏi lẩy Kiều. H.A em lẩy một câu Kiều đi.

H.A nhìn tôi một lúc rồi ngâm:

Rằng trong tác hợp có trời

Cầu Già năm ấy một thời khó quên

Đọc xong H.A ngồi im. Không còn cái vẻ bỗ bã khi mới đến, nàng ngồi lặng, mặt hơi cúi xuống, hai mắt chớp chớp có vẻ ngấn nước.

Giọng H.A nhỏ lại:

– Em thấy báo chí nói nhiều đến sách của anh. Cả anh Bá Dũng cũng nói. Nhờ báo chí, nhờ anh Bá Dũng chỉ em mới biết đường đến đây.

Tôi chợt nhớ đến lời chính trị viên Hiền khi anh động viên tôi đi trại viết Quân khu Bốn: “Sau này có tên trên trên báo có khi bạn ấy lại tìm thấy”.

Cám ơn anh Hiền. Cám ơn H.A. Cám ơn phẩm chất Kiều trong em để mấy chục năm sau tìm gặp lại.

Nàng Kiều thứ Ba:

Trong lần đi cùng nhà thơ Hữu Thỉnh về Hà Tĩnh chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ ba, tôi gặp Phan Trung Hiếu đang là Phó chủ tịch Hội Văn học và Nghệ thuật Hà Tĩnh. Trung Hiếu còn trẻ, sinh năm 1962, tuổi Nhâm Dần. Khi đó Hiếu chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh em làm văn nghệ Hà Tĩnh biết rõ tôi thời chiến tranh ác liệt đã chiến đấu dọc miền đất Hà Tĩnh nên gặp nhau dễ gần. Phan Trung Hiếu giữ tôi ngồi lại chơi ở trụ sở hội, trong khi Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh bàn với nhà văn Đức Ban – Chủ tịch Hội Văn học và Nghệ thuật Hà Tĩnh về nội dung đêm thơ ở xứ sở của các danh nhân thơ hàng đầu đất nước: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Huy Cận, Xuân Diệu…

Tôi nói với Trung Hiếu:

– Mình có hai điều canh cánh mỗi lần về Hà Tĩnh: Thứ nhất, chị H.O hồi chiến tranh làm ở hiệu sách Nghi Xuân nay về thị xã đang làm việc ở đâu? (khi đó Hà Tĩnh chưa lên thành phố). Thứ hai, có một cô gái nhỏ (hay là cô bé) quê Bùi Xá hồi đơn vị anh bảo vệ cầu Thọ Tường, ra trận địa định viết một hoạt cảnh dân ca. Vì cô bé là con một nhà soạn kịch dân ca Nghệ Tĩnh nổi tiếng. Sau này anh có nghe cô ấy vào học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ra trường về Vinh. Khi Hà Tĩnh tái lập tỉnh cô ấy về thị xã Hồng Lĩnh, gần đây về thị xã Hà Tĩnh làm văn hóa.

Phan Trung Hiếu hỏi tôi:

– Chị ấy tên là gì anh?

– Tên là T.H.

Trung Hiếu ngả người ra ghế cười tít mắt.

– Chị ấy là chị gái của em đấy.

Tôi ngỡ ngàng. Tôi hoàn toàn bị bất ngờ khi được biết Phan Trung Hiếu là con trai của nhà soạn kịch dân ca Phan Lương Hảo. Gia đình Phan Trung Hiếu ba cha con làm văn hóa Hà Tĩnh. Ba cha con là tác giả sáng tác. Tôi nhìn Trung Hiếu, dáng người cao, đôi mắt đen sáng ngời của dòng nước sông La. Tôi nhớ đến cô bé cao nhong nhỏng, tuổi chớm dậy thì, mặc bộ quần áo đen định thâm nhập trận địa để viết kịch dân ca. Cô bé ấy và T.H. có đúng là một không?

Trong bữa cơm mời của Hội Văn học và Nghệ thuật, chị là khách mời vì là người của Sở Văn hóa, là Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Tĩnh. Tôi đứng lặng, hơi hoảng hốt. Một nàng Kiều. Nàng Kiều của bến sông Bùi Xá. T.H. cao, da trắng mịn, đi đứng đoan trang, người óng ả, cánh tay dài với những ngón hình búp sen thon dài.

T.H đến gần tôi đưa tay ra, miệng cười rất tươi:

– Em chào chú trước. Chào anh sau.

Rồi T.H. giới thiệu tôi với bạn bè:

– Anh Đ.T nhà văn, công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Đ.T đã có thời gian dài chiến đấu trong thời gian Mỹ ném bom ác liệt nhất ở Hà Tĩnh mình.

T.H lấy trong túi ra mấy quyển sách:

– Cậu Hiếu đã điện nói với em là anh vào và có ý tìm em. Em cám ơn anh nhiều. Hồi học ở Trường Đại học Văn hóa thấy anh học bên Trường Viết văn Nguyễn Du em đã ngờ ngợ. Cũng định hỏi. Sau lại sợ không đúng, nhận vơ thì ngượng chết. Những năm em làm văn hóa ở cơ sở, thu thập được nhiều tư liệu, noi gương cha viết được một số sách. Cũng thi với cậu Hiếu nữa. Cậu ấy viết cho thiếu nhi, hiền hậu lắm. Em tặng anh mấy quyển này, trong đó có cái kịch dân ca em viết từ khi còn là một cô bé, anh nhớ không. Cái cô bé đứng đối thoại với anh đấy.

Tôi đón sách của T.H, nâng niu trên tay. Nâng niu khát vọng và sự vươn dậy của một cô gái sông La. Một cô Kiều của bến sông Bùi Xá.

Tối hôm đó các anh bên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cho người đưa tôi đến thăm nhà chị H.O. Chị đang là Giám đốc công ty phát hành sách – chồng chị làm việc ở Cục Kỹ thuật Quân khu. Tôi đến để có lời cám ơn chị, cám ơn người phụ trách hiệu sách nhân dân huyện Nghi Xuân đã dám vượt qua quy tắc một người bán hàng, giúp tôi bước vào biển sách và con đường văn chương.

Cũng tối hôm đó T.H về nhà chuẩn bị cho cậu con trai chị vào đại học. Nàng Kiều bến sông Bùi Xá gọi điện cho tôi: “Chúc chú và chúc anh ngủ ngon, mơ giấc mơ về những nàng Kiều trên bến sông, đất và văn chương dọc miền Hà Tĩnh” .

Bút ký lịch sử của Đại tá – Nhà văn ĐÀO THẮNG

QDND

  Từ khóa: Dọc miền Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP