Tuỳ bút Quê hương

Dọc miền Hà Tĩnh (kỳ 7)

Trung đoàn trưởng Bùi Thúc Nhâm khen cuộc đấu tay đôi giữa đại đội tám và bọn A7. Bọn A7 lợi dụng thời tiết xấu trời mù thay nhau bay quấy đảo ngày đêm gọi là bay tuần thám. Khi phát hiện chân hàng hay xe vận tải của ta hoạt động là lao xuống đánh bom bi, bom bi khoan, bom sát thương. Hễ pháo cao xạ của ta bắn, chúng săn tìm chế áp trận địa dai dẳng. Anh Nhâm nói trong máy điện thoại:

hatinh24h

Ba nàng Kiều ở bến sông

– Đại đội trưởng mới chỉ huy đánh như vậy là “cương” không e ngại, không lui, quyết tâm tiêu diệt địch cao.

Thành đỏ mặt nhìn tôi. Tôi ra hiệu nghe anh Nhâm nói tiếp. Trung đoàn trưởng nghiêm giọng:

– Xê 8 không cơ động sang trận địa khác (thực ra cũng chẳng còn chỗ nào đưa pháo đến, xung quanh chỗ nào cũng úng ngập).

Chuẩn bị tư tưởng, tinh thần cho bộ đội bám chặt giữ phà. Chuẩn bị sẵn sàng đối phó máy bay B52 Mỹ đánh vào bến trong thời gian tới. Hiện thời B52 rải bom tây Nghệ An: Dốc Giang Sơn (Tân Kỳ), ném bom sân bay Anh Sơn. Ba đại đội anh em: Xê 8, xê 9, xê 10 dựa vào nhau giữ chốt.

Tôi thấy phải ngụy trang trận địa kín đáo hơn. Sau trận quần nhau với mấy tốp máy bay ngụy trang bay mất nhiều. Tôi giao Tuấn quản bộ phận chỉ huy, mặc quần đùi bà bô, áo may ô may cổ vuông, cầm con dao tông theo bờ kênh đi về bờ sông La vào trạm bơm Linh Cảm. Trạm bơm nổi tiếng về sự đồ sộ và hiệu quả tưới tiêu lớn vào thời bấy giờ. Nước sông La lên cao, mấp mé mặt đê, vỗ sóng ì oạp vào các ống bơm có đường kính lớn. Tôi chọn một cây phi lao lâu năm, cao nhất, gần ngôi nhà bỏ không trèo lên. Cây có nhiều cành, chặt tỉa cũng được một bó lớn. Trong thâm tâm tôi muốn nhìn bến Tam Soa mùa nước lũ. Tôi đã nhìn thấy toàn cảnh bến phà qua ảnh của nhà nhiếp ảnh Từ Tiện, một nghệ sĩ có tên tuổi của Hà Tĩnh. Cái thế sông núi vừa hùng vĩ, vừa nên thơ ở đây đã sản sinh ra các lãnh tụ, các danh nhân tài cao, chí lớn như: Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Dương Lịch, sau này như Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Xuân Nhị, Xuân Thiều, (và cả Hoàng Cao Khải nữa chứ), v. v…

Bắt sống phi công Mỹ. Ảnh tư liệu

Đứng lên cao nhìn thế nước áp lên đê mà ghê người. Nếu tuyến đê kia mà vỡ thì ngập lút cái mái nhà, các vườn lê-ki-ma, ngập lút cả các nòng pháo ở Đồng Dâu. Nước lớn, trời rất xấu, mưa vẫn sập sùi mà người vẫn đông nghịt trên đê, miệt mài như những đàn kiến, chống sủi, chống nước ngấm, nước tràn. Tôi nhìn ra ngã ba, ngọn nước lao về chợt nhận chân ra rằng cái thế nước lớn kia, và những con người dám đứng chặn nó lại kia, tất yếu phải sinh người có khí phách kiên cường.

Tôi như mê đi trong những cảm xúc kỳ lạ thì bỗng có tiếng quát từ trong căn nhà:

– Đồng chí bộ đội răng dám vác dao đi vô đây. Bom từ trường hắn nổ cho tan xác bây chừ.

– Tôi nhìn rồi, không còn quả bom từ trường nào.

– Thử đứng trên cái chạc ấy nhìn kỹ lại xem.

Tôi nhìn. Một quả bom từ trường rơi xuống bờ cây cơm sôi, đám cây ấy dạt ra, bốn cánh nó khum lên. Trên đường vào gần bờ kênh dẫn nước cũng có một quả. Một quả nữa cắm trên đường mòn mé núi nhìn ra ngã ba sông Tam Soa.

Tôi xin lỗi người của trạm bơm. Ném con dao ra xa trên lối về, tụt xuống gốc gom cành phi lao, dùng dây điện bó lại thành một bó lớn, vác về trận địa.

Tối khuya, trực ban thông tin gọi tôi ra hầm máy gặp Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn Trần Duy Huynh. Tôi ngạc nhiên quá, chủ nhiệm chính trị một trung đoàn danh tiếng lại gặp trực tiếp tôi. Hồi bấy giờ chủ nhiệm chính trị phải là người thông thái, có trình độ cao như một chính khách. Như hồi tôi còn là lính Sư đoàn 330B, Chủ nhiệm trung đoàn Anh Bắc nói trong hội nghị thanh niên sao khúc triết, sâu sắc, không bỏ đi được câu nào.

Anh Huynh quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, tôi nhác trông thấy vài lần, người cao to, vầng trán rộng, đeo kính cận, nói chuyện với lính cứ phải cúi người xuống.

Anh nói giọng Can Lộc nằng nặng:

– Mình đợi máy hơi lâu. Mình mới nghe tên chưa biết mặt bạn. Anh hơi nhấn chữ “bạn”. Mình đã viết thư cho bạn, anh Hiền Chính trị viên phó tiểu đoàn đã cho vào cặp mang về. Các anh Thanh Đồng, Đậu Kỷ Luật ở Báo Quân khu Bốn báo cáo Cục Chính trị quân khu mở trại viết tại trạm 50. Các anh ấy phát hiện bạn qua văn thơ của bạn đăng báo, xin với trung đoàn mời bạn dự trại, ý bạn thế nào? Thu xếp công việc, báo cáo đại đội đi nhé.

Tôi cứ giật người thon thót khi anh nói chữ “bạn”.

Tôi thưa:

– Báo cáo thủ trưởng, đơn vị mới vào chốt, tôi đi bộ phận chỉ huy gặp khó khăn.

– Tôi biết lính cựu như bạn anh em quý mến, tin tưởng, đáng tự hào. Nhưng mà mình đi vắng, anh em sẽ trưởng thành.

Hôm sau anh Hiền gọi tôi lên tiểu đoàn. Anh là chính trị viên đại đội tôi mấy tháng trước ở cầu Già, giờ là chính trị viên phó của tiểu đoàn. Anh cười vui, giao cho tôi lá thư anh Huynh gửi. Anh nhìn xoáy vào tôi ranh mãnh:

– Cái o sợ cánh ta chết sau mỗi trận đánh ở cầu Già còn liên hệ gì không?

– Không có tin tức gì anh ạ!

Anh động viên:

– Đi trại lần này viết về cái đoạn đơn vị mình ở Bến Thủy, Quảng Trị, ở cầu Già, cầu Phủ, cầu Cầy, ở bến Tam Soa, phà Linh Cảm. Sau này có tên trên báo lúc đó các o lại đi tìm đấy. Anh Hiền ôm lấy tôi – tôi đứng im trong đôi tay cứng cáp của anh thầm khóc.

Nhà văn Đức Ban khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Hà Tĩnh, trong lần mời Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng với giới văn nghệ Hà Tĩnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Nhà lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đã nói với tôi:

– Hà Tĩnh là đất của danh nhân và những nàng Kiều.

Sau nhiều năm xuôi ngược vào Nam ra Bắc bây giờ nhớ lại thời kỳ chiến đấu ở Hà Tĩnh tôi đã có vinh hạnh quen biết được ba cô Kiều. Tôi nói vinh hạnh không phải giả vờ khiêm tốn đâu. Cũng không phải cái kiểu đến cái lúc rỗi hơi ngồi đếm lại khuôn mặt các tình nhân. Tôi xin cam đoan trước, hoàn toàn không phải như vậy, bởi vì các nàng Kiều ấy, các chị ấy bấy giờ có gia đình, có chồng con, đề huề, hạnh phúc.

Nàng Kiều thứ nhất:

Lần về tổ chức Hội thơ nhân ngày Thơ Việt Nam tại Khu di tích lưu niệm, đền thờ đại thi hào Nguyễn Du, người bạn văn, bạn báo chí, bạn chiến đấu – nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Diệu lấy xe máy chở tôi đi thăm đình Hội Thống – một ngôi đình cổ đẹp và cổ kính ngang hàng với các ngôi đình đẹp nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Hội Thống, xã Xuân Hội là quê của Nghệ sĩ nhân dân Đào Mộng Long, nhà soạn kịch, đạo diễn và là diễn viên hàng đầu của nền kịch nghệ Việt Nam và quê của nhà văn Trần Hữu Tòng. Anh Trần Hữu Tòng khi còn là Cục trưởng Cục Văn hóa Thông tin cơ sở Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã cúng vào đình Hội Thống một cái lư hương bằng đá. Nguyễn Xuân Diệu nói, vua Quang Trung hành quân ra Bắc Hà đánh tan hai mươi chín vạn quân Mãn Thanh xâm lược, khi dừng lại bổ sung quân tại Hoan, Ái (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa) vào đoàn quân bách chiến bách thắng của mình thấy ngôi đình Hội Thống kỳ vĩ đã lệnh cho dân binh chuyển cả đình ra Thăng Long. Sau các già làng can xin vua mới thôi cái ý định lạ lùng ấy.

Nguyễn Xuân Diệu dẫn tôi đi thăm nhà cụ Nguyễn Công Trứ người làng trên làng dưới với cụ Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Công Trứ quan to, làm Dinh điền sứ, mở đất ra biển Thái Bình, Ninh Bình con người ngang tàng tuyên ngôn:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Địa danh Nguyễn Xuân Diệu khoe với tôi sau cùng là bến Giang Đình. (Tôi xin mở ngoặc là hiện giờ Nguyễn Xuân Diệu là Tổng biên tập Tạp chí Giang Đình – tạp chí văn nghệ riêng của huyện Nghi Xuân). Đáp lại tấm lòng quý mến, nhìn nét mặt vui sướng pha chút tự hào của bạn, tôi nói:

– Năm 1969 mình đã ở bến sông này, đã từ bến sông này sang bãi Xuân Giang II làm lúa, làm khoai và mình đã quen được một nàng Kiều.

Chúng tôi chuyển từ trận địa núi Cơm sang trận địa cũ của pháo 90mm nơi khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát hy sinh. Sau đó đặt trận địa ngay sân thể thao của huyện lỵ huyện Nghi Xuân, trên đất của Xuân Giang I. Sửa sang lán, hầm chiến đấu xong nhìn thấy ngôi nhà ngói khá đẹp trước cửa in dòng chữ hiệu sách nhân dân, tôi bèn sang ngay. Các bạn khác cũng như tôi, học xong phổ thông trung học (cấp III) không được học lên tiếp đại học khát sách vô cùng. Không được học chính quy thì học trong sách vở. Cái ý nghĩ rất “sách vở” ấy lúc nào cũng nung nấu trong tôi. Dù bộ quần áo xuân hè lính đang dính đầy đất cát tôi cũng đứng lì bên tủ kính có người bán hàng. Một người con gái trẻ, cỡ tuổi tôi. Trẻ, cao, khuôn mặt đẹp, nước da trắng, đôi mắt nhìn lặng lẽ. Tôi tự nghĩ người con gái này không phải để nghe những câu tán tỉnh. Tôi dịch ngang theo tủ kính nhìn giá sách. Sách không nhiều lắm nhưng quyển nào cũng muốn đọc. Mà rất lạ, hiệu sách rất nhiều sách văn học. Đứng một lúc tôi lại dịch dịch ngang về bên phải, đến trước người con gái. Tôi đang tuổi hai mươi, cái đầu tôi đang mong có sách để chữ vào. Tôi đứng im một lúc, cũng chẳng nhớ rằng nên có một vài câu hỏi xã giao làm quen, mắt vẫn liếc nhìn gáy mấy quyển sách dịch của Liên Xô.

Không biết có lâu không, đến lúc trong hiệu sách chỉ còn tôi là khách, người con gái hỏi giọng không trong nhưng rất ấm:

– Anh định mua sách à?

– Vâng. À tôi xem thôi.

Chắc là nhìn bộ mặt thộn ngượng ngập của tôi, người ấy cười nhẹ:

– Anh có vội về không?

– Cũng không vội lắm chị ạ. Mỹ đang ngừng ném bom miền Bắc. Thỉnh thoảng bọn F4 bay trinh sát thôi. Chúng tôi chưa được phép đánh loại máy bay này.

Lặng một lát người ấy lại hỏi:

– Anh có biết uống chè chát (chè xanh đặc) không?

Tôi tự nhiên hơn:

– Tôi thành người Nghệ An, Hà Tĩnh rồi, uống “nước mới” thay cơm được. Thấy tôi gọi “nước mới” rất dân dã kiểu người Nghệ gọi thứ nước chè xanh đặc sánh, uống lần đầu. Người ấy nói:

– Để em lấy nước mới mời anh!

Nếu người ấy nói “để tôi” thì tôi đã từ chối khéo, song một người con gái xứ Nghệ thời ấy xưng em với anh dù ngang tuổi và anh là người lạ thì anh cũng được tin và quý rồi. Tôi uống từng ngụm nước nhỏ. Người ấy hỏi:

– Anh tên là gì?

Một cách hỏi của một người tự tin, tự thấy mình trải đời hơn một chút và bắt vía được đối tượng ở một khía cạnh nào đó. Tôi đỏ mặt lúng túng:

– Tôi tên T. Tên họ là Đ.T nhưng khi viết thư tôi hay đề ngoài phong bì là Ngọc Long.

Người ấy nhìn vào tôi như để ước đoán:

– Tên ấy nói về đời người có nhiều trở lực phải vượt qua để đạt tới sự vẻ vang.

– Chị nói hay như thầy tướng ấy chị ạ !

– Em bán sách mà.

– Bán và đọc. Chị sướng thật. Có một biển sách để đọc.

Lúc đó trận địa có kẻng báo động cấp I, tôi chào vội người con gái chạy về.

Tôi bỗng mắc một bệnh lạ, mắt bên trái bị một vết thương nhẹ sát con ngươi. Làm anh lính trinh sát phòng không mấy năm, mắt lúc nào cũng gắn vào ống nhòm bội số lớn, nhất là thời kỳ Mỹ ném bom hạn chế khốc liệt đại đội tôi chốt bảo vệ phà Bến Thủy. Con mắt ấy phải làm việc quá sức. Cũng bởi mấy lần tôi bị sức ép hơi bom. Lần ở trận địa Cây Dừa, lần ở trận địa cảng Bến Thủy và lần ở trận địa Phong Định làng Đỏ… giờ đau đớn, nước mắt chảy ròng ròng mỗi khi cầm quyển sách đọc. Tôi dùng bàn tay che mắt trái lại đọc bằng mắt phải. Đọc được. Nhưng chỉ được một lúc cái đau lại truyền sang mắt kia. Tôi bất lực, nằm sấp, ấp hai mắt xuống vỏ chăn quấn quanh người. Nằm im rất lâu. Khi hai mắt đỡ đau, tôi lấy khăn lau mắt. Và không hiểu sao tôi đi ra cửa hàng sách. Vừa nhìn thấy tôi, chị hỏi ngay:

– Anh răng rứa? Anh khóc à?

– Tôi không khóc. Tôi bị đau nhức mắt.

– Có đọc được sách nữa không anh?

Giọng tôi ngạt đi:

– Bịt một mắt lại, đọc được một lúc.

Chị xúc động:

– Anh đi quân y khám. Nghỉ một thời gian, điều trị nhất định mắt sẽ đỡ.

– Liệu có đỡ không chị?

– Anh gọi em là em thôi. Nhất định đỡ.

Chị dừng lại:

– Bữa trước anh định hỏi mượn sách đọc phải không?

Tôi lặng im…

Thư viện huyện sơ tán. Em sẽ cho anh mượn. Cửa hàng cho mượn là sai nguyên tắc đấy nhưng em cho anh mượn. Anh chú ý giữ cẩn thận. Đây em đã chuẩn bị cho anh một số quyển đây rồi.

Tôi đón mấy quyển sách, kéo về phía mình tì cằm lên nhớ ra chưa hỏi tên chị:

– Em tên là gì?

– Em tên là H.O. Chị bỗng đặt tay lên hai bàn tay tôi. Em bằng tuổi anh hoặc ít hơn anh một ít.

– Thế thì từ nay xin được gọi là em nhớ.

– Vâng!

Tôi đọc tên năm quyển sách: Trên đường học tập và nghiên cứu của nhà văn, nhà lý luận phê bình, nhà giáo Đặng Thai Mai tập I, tập II; Lép Tôn-xtôi; Truyện ngắn Mác-xim Goóc-ki; Truyện Sông Đông; Người con gái viên đại úy.

Tôi xin đi khám và nằm điều trị tại trạm xá trung đoàn. Bác sĩ, y sĩ trạm xá, cho uống thuốc, dầu cá, châm cứu, hướng dẫn tập. Mắt đỡ nhanh, y sĩ hướng dẫn tôi bấm huyệt. Tôi đọc suốt ngày đêm, đọc hết sách tôi xin trạm xá về cửa hàng sách Nghi Xuân xin H.O cho đổi sách. Tôi đi bộ từ xã Hưng Lộc – trạm xá trung đoàn đóng ở đó. Trên đường đi gặp ai khoẻ mạnh đi xe đạp lại nhờ một đoạn, có lúc lại nhờ cả các o đèo. H.O cho tôi mượn tiếp cuốn Trên đường học tập và nghiên cứu tập III của nhà văn Đặng Thai Mai; Truyện ngắn An-tôn Sê-khốp và cuốn Sông Đông êm đềm.

Bút ký lịch sử của Đại tá – nhà văn ĐÀO THẮNG

QDND

  Từ khóa: Dọc miền Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP