Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Doanh nghiệp Hà Tĩnh cần nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu

Chiều 28/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp BCĐ thực hiện Đề án xuất khẩu tỉnh và Tổ giúp việc để nghe kết quả 8 tháng đầu năm và kế hoạch thời gian tới.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh cần nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các DN tập trung nguồn lực, tổ chức lại SXKD nhằm nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế cạnh tranh, tham gia vào chuỗi sản xuất để hoạt động XK tỉnh nhà phát triển bền vững.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động XNK trên địa bàn tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN Hà Tĩnh ước đạt 93,62 triệu USD, tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ 2013, trong đó: dăm gỗ đạt 37,19 triệu USD, khoáng sản 3,45 triệu USD, dệt may 5,22 triệu USD, thủy sản 3,24 triệu USD… Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Lào, Hàn Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Pakistan, Afganistan, trong đó, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Cơ quan thường trực và các sở, ngành thành viên BCĐ thực hiện đề án đã triển khai nhiều nội dung, góp phần quan trọng vào thúc đẩy xuất khẩu phát triển, nhất là đã xây dựng đề án, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 91/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu sản xuất trong tỉnh đến năm 2020; triển khai thành công hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS tại 5/5 chi cục Hải quan Hà Tĩnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 26/2014/QĐ-UBND về quy định chính sách hỗ trợ bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu…

Tuy vậy, tình hình xuất khẩu của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Sản phẩm xuất khẩu vẫn chủ yếu là hàng thô; mặt hàng có hàm lượng công nghệ chế biến sâu còn ít; chủng loại hàng hóa đơn điệu; các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hạn chế về năng lực, trình độ, khả năng cạnh tranh thấp; nguyên liệu không đảm bảo số lượng và chất lượng; nhiều dự án XNK không đúng tiến độ; thị trường xuất khẩu chưa có nhiều thay đổi; việc tiếp cận vốn tín dụng và chính sách khuyến khích xuất khẩu của các DN còn nhiều khó khăn…

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch, các DN cần nỗ lực hơn nữa trong hoạt động SXKD, đặc biệt là tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Các thành viên BCĐ, sở, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt nội dung liên quan đã được UBND tỉnh phân công trong việc thực hiện đề án; tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách, hỗ trợ tiêu thụ, chế biến, sản xuất xuất khẩu; đốc thúc nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án XK; hướng dẫn, hỗ trợ các DN sản xuất XK, các DN tham gia XK tìm kiếm thị trường; thực hiện tốt việc xâu nối giữa ngân hàng và DN, tháo gỡ vướng mắc để DN vay vốn hoạt động.

Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu sản xuất chè; Sở Công thương làm việc với Bộ Công thương và cơ quan liên quan thúc đẩy cụm dệt may ở Hồng Lĩnh; các thành viên BCĐ tiếp tục tiếp xúc để nắm tình hình tại các DN…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các DN tập trung nguồn lực, tổ chức lại SXKD nhằm nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế cạnh tranh, tham gia vào chuỗi sản xuất để hoạt động XK tỉnh nhà phát triển bền vững.

Chính Thu/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP