Theo khảo sát của phóng viên Báo Hải quan, tại một số chợ cá của khu vực từ Hà Tĩnh tới Quảng Trị có một thực tế buồn là buôn bán khá ảm đạm, ế ẩm của nhóm hàng thủy hải sản. Tại chợ Đồng Hới (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), ấn tượng ban đầu của phóng viên chính là cảnh hàng dài những xô chậu đựng tôm, cá, cua, mực được bày bán tràn lan song chẳng thấy người mua, chỉ thấy lác đác khách hàng đến hỏi rồi lại lướt qua. Tiếp xúc một số hộ kinh doanh hải sản tại chợ, phóng viên được nghe rất nhiều tâm sự của các hộ kinh doanh, hầu hết đều lo lắng bất an vì việc kinh doanh ế ẩm ảnh hưởng tới kế sinh nhai của gia đình.
Chị Phạm Thị Huế (Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), người có thâm niên kinh doanh hải sản hơn 20 năm cho rằng, sau khi xảy ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, việc buôn bán quá khó khăn. Chưa khi nào mà giá rớt thảm hại đến tận đáy, song chẳng ai ăn.
Theo lời một số người dân sống tại khu vực, mặc dù rất thèm, rất nhớ hương vị cá biển cùng nhiều hải sản ngon bổ dưỡng khác như cua, mực, tôm, song từ 4 tháng nay trên bàn ăn của người dân khu vực này giờ chỉ còn các loạt thịt và cá sông. Kéo theo đó việc kinh doanh buôn bán của các hộ kinh doanh hải sản gặp muôn vàn khó khăn.
Kể về việc kinh doanh hải sản khó khăn tại chợ, chị Phạm Thị Huế cho biết: Tìm đến các hàng bán hải sản, hầu hết khách hàng đều nâng lên đặt xuống, hỏi rõ ngọn ngành: Cá đánh bắt ở đâu, gần bờ hay xa bờ, cá nước lợ hay nước mặn? Khi người bán hàng nói cá đánh bắt gần bờ họ lập tức bỏ xuống và đi ngay. Khi nghe thông tin cá từ thuyền lớn, xa bờ về khách hàng có chút băn khoăn, hỏi thêm một số thông tin như cá đánh ở vùng biển nào, cách thành phố bao xa. Sau khi đưa ra hàng loạt câu hỏi, có khách đắn đo hồi lâu rồi tiếp tục đứng lên đi tiếp, có khách tặc lưỡi mua nhưng chỉ một vài lạng, thay bằng mua vài cân như trước kia… “Nếu như trước đây, mỗi ngày tôi có thể bán được 20 con cá bớp, nay cả ngày dài cổ cũng không bán nổi một con”, chị Huế buồn rầu nói.
Tại chợ Nghèn (Can Lộc- Hà Tĩnh) tình trạng kinh doanh hải sản có người bán nhưng vắng người mua. Ảnh: DN. |
Còn bác Nguyễn Thị Thiêm (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), kinh doanh cua biển tại chợ Đồng Hới cho biết, nếu như những năm trước, cua to, ngon có thể bán được hơn 300.000 nghìn đồng/kg song nay giá giảm tới 50% song cũng chả khách nào thèm ngó ngàng tới. “Từ sáng đến giờ là 5 giờ chiều, chỉ có mỗi cô phóng viên đến phỏng vấn về giá hải sản nhưng không mua; chưa khi nào người bán hàng hải sản lại cám cảnh, chỉ ngồi đuổi ruồi và buôn chuyện phiếm như hiện nay”, bác Thiêm nói.
Theo chia sẻ của nhiều hộ kinh doanh thủy hải sản tại chợ Đồng Hới, dù buôn bán khó khăn, nguồn thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng lớn, song họ cũng không thể bỏ nghề, bởi họ đã gắn bó với công việc này đã hàng chục năm, hơn nữa họ đều là những người đã có tuổi. “Nếu không đi bán cá, đi làm phụ hồ cũng không ai mướn vì sức khỏe không có, giờ chỉ còn nước ra Hà Nội làm giúp việc, nhưng lại chịu cảnh xa nhà nên dù rất khó khăn tôi cũng cố gắng bám trụ đợi ngày việc kinh doanh khá khẩm hơn”, bác Nguyễn Thị Thiêm chia sẻ.
Rời chợ Đồng Hới, phóng viên tìm về với chợ Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tình trạng kinh doanh cũng thê thảm không kém. Khu vực bán thủy- hải sản rộng khoảng 100 m2 nhưng hầu hết đều bày bán cá nước ngọt. Chỉ có khoảng 5- 7 người bán hải sản nhưng hiếm khách đến mua. Bác Trần Thị Hảo (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: 4 tháng trước, hầu như không có khách mua hải sản, tôi cứ mang bày cá ra rồi lại mang tủ đá ướp lạnh. Đến thời điểm hiện tại, đã có lác đác người mua nhưng với số lượng nhỏ giọt và giá cá thì giảm thê thảm, chỉ bằng 1/3, 1/4 so với trước kia. “Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc kinh doanh đã bắt đầu có tín hiệu khả quan khi khách hỏi tới những loại cá to như cá thu, cá ngừ vì đây là những loại cá chỉ xa bờ mới có, gần bờ không đánh bắt được; còn những loại cá biển nhỏ hầu như không được người tiêu dùng hỏi tới do tâm lý lo ngại”, bác Hảo nói.
Theo bác Trần Thị Hảo, do người dân không yên tâm về chất lượng hải sản nên sự lựa chọn an toàn cho người dân thời điểm này chính là nguồn thủy sản nước ngọt. Tại các hàng bán cá nước ngọt luôn có khá đông người mua. Cũng chính vì vậy, hiện giá thủy sản nước ngọt như tôm, cua, cá tại một chợ Nghèn đều tăng giá dao động từ 20.000- 40.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi sự cố cá chết xảy ra.
Hiện cơ quan chức năng đã công bố môi trường biển khá an toàn cho việc đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, song khi nào người dân có thể yên tâm sử dụng cá biển, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thủy hải sản khởi sắc vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.