Ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vẫn đang được bác sĩ Sergio Canavero chuẩn bị để tiến hành vào tháng 12/2017 (bệnh nhân là ông Valery Spiridonov, người Nga) bất chấp những bàn ra tán vào khi ông công bố quyết định gây “cơn địa chấn” trong giới y học này vào tháng 9/2015. Trong các ý kiến phản biện, khả năng thành công là vấn đề được đặt ra nhiều nhất. Nhưng nếu các trở ngại đều được giải quyết, ca mổ thành công thì có phải ông Spiridonov sẽ sống hạnh phúc với cái đầu thông minh và cơ thể cường tráng mới nhận?
Ông Valery Spiridonov – người Nga, bất chấp những lời bán tán khi quyết định tham gia vào ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới.
Mọi chuyện chỉ mới bắt đầu sau ca ghép
Nhận lời làm bệnh nhân trong ca ghép đầu của bác sĩ người Ý Sergio Canavero, có lẽ ông Valery Spiridonov – nhà khoa học máy tính – cho rằng mình sẽ tham gia vào một vụ cá cược có tỷ lệ kèo chênh lệch lớn, nếu thắng sẽ thắng đậm, còn nếu thua cũng chẳng mất bao nhiêu. Người đàn ông 30 tuổi này mắc căn bệnh di truyền quái ác Werdnig-Hoffman (teo cơ tủy sống) nên bị liệt. Những người mắc bệnh này thường không sống quá 20 năm và sức khỏe của Valery đang xấu đi khá nhanh. Cho dù có tham gia ca phẫu thuật mạo hiểm hay không, sự sống của ông cũng khó kéo dài.
Với Valery, ca phẫu thuật ghép đầu này là một cơ hội mà ông không muốn bỏ lỡ, dù rất sợ. Ông tâm sự, ước muốn lớn nhất của mình là được trải nghiệm một cơ thể khỏe mạnh trước khi chết, còn nếu may mắn thì sẽ được sống khỏe mạnh, có thể đi bộ, chạy nhảy như người bình thường.
Còn bác sĩ Sergio – người tin mình có đến 90% số cơ hội thành công trong ca ghép đầu sắp tới – tuyên bố ca mổ mở ra hy vọng kéo dài sự sống cho những người bị thoái hóa cơ bắp, dây thần kinh hoặc bị ung thư, và là bước đi đầu tiên của con người đến sự bất tử. “Chúng tôi đang tiến một bước gần hơn tới mục tiêu kéo dài cuộc sống vô thời hạn, vì khi trao một cơ thể mới cho người 80 tuổi, họ có thể sống thêm 40 năm” – ông Sergio nói.
Bác sĩ Sergio Canavero tin rằng ca ghép đầu do ông thực hiện có 90% khả năng thành công.
Nguồn: Huffingtonpost
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế quan ngại, kể cả khi đã có một cơ thể khỏe mạnh, bệnh nhân ghép đầu vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Ông Richard Borgens – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bại liệt của Đại học Purdue (Mỹ) – nhận định, việc phục hồi khả năng kiểm soát của cơ thể sau khi ghép đầu là không thể. Bệnh nhân thường khó thoát bại liệt sau khi tủy sống bị cắt đứt. “Không có bằng chứng nào cho thấy sự kết nối giữa dây cột sống và não bộ sẽ khiến chức năng vận động hoặc cảm giác hoạt động hiệu quả sau khi đầu được ghép nối” – ông nhấn mạnh.
Đặc biêt, với sự cảnh giác của hệ miễn dịch, cơ quan mới cấy ghép sẽ bị xem là “kẻ thù” và bị tấn công. Điều này dẫn tới hư hỏng tạng ghép và tử vong. Như tất cả những người từng ghép tạng, mô hay bộ phận cơ thể khác, bệnh nhân ghép đầu phải sử dụng thuốc chống đào thải suốt đời. Với những người chỉ ghép bộ phận có kích thước nhỏ, đây đã là một cuộc chiến gian khổ; trong trường hợp của Valery, bộ phận ghép là toàn bộ cơ thể, nếu nó bị từ chối đồng nghĩa với việc từ chối cuộc sống.
Theo một nghiên cứu, sau 5 năm cấy tụy, có 57% số bệnh nhân còn giữ được tuyến tụy hoạt động – nghĩa là gần một nửa sẽ cần đến ca ghép thứ hai. Tỷ lệ này đối với ghép phổi là gần 50/50.
Tỷ lệ này đặc biệt sụt giảm mạnh trong 5 năm tiếp theo. Gan và thận là hai cơ quan dễ được cơ thể chấp nhận nhất, tỷ lệ tạng ghép hoạt động tốt sau 5 năm lần lượt là 70% và 80%.
Ngoài ra, các thuốc chống đào thải thường đi kèm với hàng loạt các tác dụng phụ đáng sợ như thiếu máu, viêm khớp, mất ngủ, buồn nôn, nhức đầu, hay run rẩy, xương yếu, huyết áp và cholesterol tăng cao, tâm trạng thay đổi thất thường…
Tồi tệ hơn cả cái chết?
“Tôi không muốn cuộc phẫu thuật này diễn ra trên bất cứ người nào. Tôi cũng sẽ không cho phép bất cứ ai làm điều đó với tôi, bởi nó chứa đựng những thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết” – bác sĩ Hunt Batjer, Chủ tịch Hội Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mỹ – tuyên bố thẳng thừng về dự định ghép đầu của bác sĩ Sergio. Theo ông, việc ghép nối phần đầu với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch…) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh nhân bị điên và mất trí nhớ.
Theo nhiều chuyên gia, sự tồi tệ mà Valery gặp phải sau ca ghép đầu không chỉ là vấn đề thể xác. Cũng như những người được cấy ghép tạng khác, bệnh nhân ghép đầu dễ gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng khi phải làm quen và chung sống với phần cơ thể của một người đã chết.
Theo nhà đạo đức học y tế Jennifer Blumenthal-Barby của Đại học Y – Dược Baylor (Houston, Mỹ), phần lớn những người được nhận tạng, mô hoặc mặt mới đều suy nghĩ về người đã hiến tặng mình và cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc đối với họ, bao gồm cả gia đình hay thân nhân của người hiến tặng.
“Đó sẽ là một cuộc chuyển biến tâm lý rất mạnh. Người tự nguyện trải qua những cuộc phẫu thuật như vậy phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng và phải có tinh thần thép để vượt qua chuyện này” – bà Jennifer Blumenthal-Barby nhấn mạnh. Ý kiến của bà dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu tâm lý các bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật ghép mặt.
Theo LA Times, năm 2001 một bệnh nhân được phẫu thuật ghép tay tên là Clint Hallam đã yêu cầu các bác sĩ tháo bỏ cánh tay mới khỏi cơ thể vì không cảm thấy nó là một phần của cơ thể mình.
Với trường hợp của Valery Spiridonov, cái ông nhận không phải một quả thận hay cánh tay mà gần như toàn bộ cơ thể. Xét về kích thước, phần thuộc về ông là cái đầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với phần ông nhận được từ người hiến. Liệu ông có dễ dàng cảm nhận đó chính là mình, rằng con người đang sống sau ca ghép là ông – Valery, chứ không phải người sở hữu phần thân thể kia?
Ở một khía cạnh khác, bác sĩ Sorin Aldea của Bệnh viện Foch de Suresnes (Pháp) cho rằng: “Đạo đức y sinh học phải đi trước các giải pháp khoa học kỹ thuật hoặc ít nhất cũng phải song song. Khoa học công nghệ tiến bộ mà bỏ qua đạo đức luận thì y học sẽ mang màu sắc của chủ nghĩa phátxít. Chúng ta muốn thay quyền tạo hóa để tạo ra những quái vật – người? Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tự xem mình là một tạo vật được sinh ra để bất tử”.
Bạch Dương/KHKP