Giáo sư Ohsumi, sinh năm 1945 tại Fukuoka, Nhật Bản, làm việc tại Viện Công nghệ Tokyo từ năm 2009.
“Tôi vô cùng vinh dự”, Giáo sư 71 tuổi chia sẻ khi biết tin mình được trao giải thưởng danh tiếng.
Giáo sư Ohsumi đã dành nhiều tâm huyết trong suốt hàng chục năm cho công trình nghiên cứu về cơ chế “tự thực” (Autophagy) của tế bào (tế bào tự “ăn” chính mình và tái sinh) có ý nghĩa quan trọng vì nó có thể giúp ích cho việc điều trị một loạt căn bệnh.
Cơ chế tự thực được chú ý bắt đầu kể từ những năm 1960, là một cơ chế cơ bản của việc thoái hóa và tái tạo các thành phần của tế bào, hiểu đơn giản là cách các tế bào tái tạo các thành phần của chính mình.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Giáo sư Nhật Bản Ohsumi đã sử dụng men nở làm bánh để xác định các gen điều khiển quá trình “tự thực” và sau đó chứng minh rằng cơ chế này cũng hoạt động tương tự ở người. Qua quá trình nghiên cứu, Giáo sư Ohsumi đã xác định được 15 gen đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự thực. Đây là một quá trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn sự phát triển ung thư và chống lại các bệnh như tiểu đường.
“Đột biến trong gen tự thực có thể gây ra bệnh, và quá trình tự thực cũng liên quan đến một vài căn bệnh như ung thư và bệnh thần kinh”, tuyên bố của Hội đồng Nobel nhấn mạnh.
Theo trang Nobel Prize, năm nay có 273 nhà khoa học được đề cử cho giải Nobel Y học. Tiêu chí của giải Nobel Y học là công trình nghiên cứu đoạt giải phải có tầm quan trọng đặc biệt trong y học và khoa học đời sống, cũng như đem lại lợi ích lớn cho con người.
Giáo sư Ohsumi là nhà khoa học Nhật Bản thứ 6 đã đoạt giải Nobel Y học và là nhà khoa học Nhật Bản thứ 23 giành giải thưởng Nobel danh tiếng.