Chuyện khó tin

Đào được vàng và chuyện 4 người trong 1 nhà phải trả giá đau đớn

Khốn khổ chống chọi với bệnh tật, đau đớn đón nhận những cái chết thê thảm, đó là những gì đã và đang diễn ra ở Bình Trị.

Ngôi nhà không có tiếng cười

Theo ông Lê Khắc Nga, nguyên trưởng thôn Vinh Đông thì tính đến thời điểm hiện tại ở thôn ông đã có 11 người mất mạng bởi bệnh lạ quái ác trên. Những cái chết trên chủ yếu diễn ra trong khoảng 5 năm lại đây.

“Những người bị bệnh hiện đang điều trị thì nhiều lắm! Những người này ăn cơm viện còn nhiều hơn cơm nhà ấy chứ”, ông Nga chia sẻ. Theo ông Nga, điều trị bệnh này vô cùng tốn kém, nhiều gia đình trước đây trúng vàng nhưng vài ba năm trị bệnh đã chẳng còn gì.

“Khốn đốn nhất là những gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh. Khổ lắm các anh ạ, vay mượn chằng đụp khắp nơi đấy”, ông Nga đau xót.

Ở thôn Vinh Đông, cùng cực nhất là gia cảnh của bà Nguyễn Thị Sức. Chồng bà Sức mất sớm, bà tần tảo nuôi 9 người con. Các con bà cũng chẳng giống người ta, dù thân hình lành lặn nhưng người câm, người điếc, người ăn nói trệu trạo.

“Chúng bị di chứng da cam từ bố đấy”, chỉ mấy người con ngơ ngác của mình bà sức rơm rớm nước mắt.

Năm 1993, khi dân trong thôn ào lên bãi vàng, chân yếu tay mềm nhưng bà Sức cũng cố thử vận may. Như một “tiểu đội trưởng”, bà chỉ huy các con mình khoét núi tìm vàng.

“Tôi không xuống hầm được nên ở trên chỉ đạo, phân công mỗi đứa một việc, cứ thế túc tắc làm”, bà Sức nhớ lại.

 Bà Sức thảng thốt nhớ lại ngày bà và các con vào Đồng Giá tìm vàng và lâm trọng bệnh.

Bà Sức thảng thốt nhớ lại ngày bà và các con vào Đồng Giá tìm vàng và lâm trọng bệnh.

Bà Sức kể, tuy không nhanh nhẹn như người ta nhưng các con bà “đánh đâu thắng đó”. Sau hơn một năm lăn lộn ở mỏ, “tiểu đội” nhà bà đã trúng tới hơn 20 cây vàng.

Năm 1995, thấy cảnh nhà đông con, ăn ở tạm bợ nên nên tôi quyết định xây luôn 2 cái nhà cho các con ở. Ngày đó, nhà tôi thuộc diện to đẹp nhất làng”, bà Sức nhớ lại.

Đầu những năm 2000, nhà nước cấm gắt, lại thêm vàng tại Đồng Giá cạn kiệt, mẹ con bà Sức “rửa tay gác kiếm”.

“Số vàng tích trữ được cũng bán hết từ lâu rồi. Giời thì nợ nần ngập đầu. Con cái thì đứa chết, đứa bệnh, khổ không biết để đâu cho hết”, bà Sức ngậm ngùi.

 Hai ngôi nhà được mẹ con bà Sức xây bằng 22 cây vàng kiếm được từ Đồng Giá.

Hai ngôi nhà được mẹ con bà Sức xây bằng 22 cây vàng kiếm được từ Đồng Giá.

Theo bà Sức thì cả 4 đứa con trai và 1 con rể, những người phải chui xuống hầm vàng đều dính phải căn bệnh quái ác này. Sau vài năm phát bệnh, anh Nguyễn Quốc Bình (SN 1980) là con trai thứ 2 của bà Sức đã lìa đời năm 2014.

Anh Bình mất để lại người vợ trẻ và 3 đứa con thơ dại, cháu bé nhất năm nay mới 4 tuổi.

Chị Vũ Thị Hà (SN 1981), vợ anh Bình nói trong nước mắt: “Kể từ khi chồng mắc bệnh, bao nhiêu tiền bạc trong nhà cũng hết sạch. Vợ chồng tôi còn phải vay mượn từ bên ngoài nhưng cuối cùng chồng tôi vẫn không sống được”.

Căn nhà nhỏ mẹ con chị Hà đang ở cũng được xây từ tiền hỗ trợ của Nhà nước. Còn số nợ lên đến 50 triệu đồng vay mượn để chữa bệnh cho chồng đến giờ chị Hà chưa biết lấy gì để trả.

Đau đớn chờ thần chết gọi tên

Không chỉ riêng con trai Nguyễn Quốc Bình, con rể của bà Sức cũng đã chết vì căn bệnh kỳ lạ này.

Hôm chúng tôi đến nhà, 3 người con trai còn lại của bà Sức là Nguyễn Quốc Thuận (SN 1975), Nguyễn Quốc Quyền (SN 1982), Nguyễn Quốc Dân (SN 1985) đều đang ở viện.

Cả 3 anh đều mắc bệnh như nhau và giống hệt anh Bình trước đây. Người nặng đang điều trị ở thành phố Tam Kỳ, người nhẹ đang điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình.

 Đàn ông người chết người nằm viện, nhà bà Sức chỉ còn toàn đàn bà.

Đàn ông người chết người nằm viện, nhà bà Sức chỉ còn toàn đàn bà.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Sức liên tục lấy khăn lau nước mắt. Bà bảo, từ ngày các con bà bị bệnh, gia đình bà lúc nào cũng như có đám. Nhà đông người nhưng ai cũng lặng lẽ như cái bóng, chẳng cười, chẳng nói.

“Chẳng biết các con tôi sống được đến bao giờ”, bà Sức nói trong nước mắt.

Ở thôn Vinh Đông, chẳng riêng gì gia đình bà Sức phải sống trong cảnh thở dài sáng tối. Nhà ông Nguyễn Công Nam cũng có 2 con lần lượt bị thần chết gọi tên bởi căn bệnh kỳ quái này.

“Thương nhất là thằng Nguyễn Công Định (SN 1978, con trai ông Nam), chết năm 2011. Khi nó chết vợ nó lại đang có mang đứa con thứ ba. Giờ mấy đứa nhỏ nheo nhóc lắm!”, ông Lê Khắc Nga, nguyên trưởng thôn Vinh Đông chia sẻ.

Theo ông Nga, cứ khi nhắc tới cảnh ngộ những gia đình không may vướng vào chứng bệnh khủng khiếp này thì không lần nào ông không rơi nước mắt.

“Như cái nhà chị Đặng Thị Lệ có chồng là anh Thái Tấn Bé ấy. Một nách lần hồi nuôi hai đứa con nhỏ, tích cóp được tí nào thì thuốc thang hết cho chồng. Hôm anh Bé chết, chúng tôi phải huy động bà con phúng điếu tiền trước để làm đám tang đấy”, ông Nga xa xót.

Dù được xác định là căn bệnh không thể chữa khỏi nhưng những người mắc bệnh vẫn phải đến viện đều đặn để duy trì sự sống.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Sức bảo, ngày trước, các con bà chẳng khi nào được về thành phố nên háo hức lắm. “Giờ cứ nhắc tới thành phố là chúng nó lại sợ, mỗi lần ra đó là mất cả đống tiền”, người mẹ hiện đang còn 3 người con bị bạo bệnh nói trong đau khổ.

Theo bà Sức thì trước đây, các con bà còn tuân thủ theo phác đồ điều trị của các bác sĩ. Nhưng giờ cạn tiền các con bà xuống viện được vài ngày thì lại phải lầm lũi trở về.

“Bây giờ thì phó mặc cho số phận thôi, trời cho sống ngày nào thì biết ngày đó thôi”, bà Sức buông tiếng thở dài.

Cuộc chiến không cân sức

Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình mấy năm gần đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của hàng chục người dân ở xã Bình Trị mắc bệnh bụi phổi.

Năm 2013, có 23 người phải điều trị tại đây, năm 2014 con số đã giảm đôi chút khi chỉ còn 16 người. Hiện tại bây giờ, có 10 người đang điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổ chống lao, Trung tâm y tế huyện Thăng Bình cho biết, những bệnh đang điều trị ở đây là những người đang ở giai đoạn bệnh nhẹ. Theo bác sĩ Hiền, những người bị bệnh nặng thì đang được điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở Tam Kỳ.

Vật lộn với thần chết dường như là cuộc chiến không cân sức với những người dân nghèo khó.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm y tế huyện Thăng Bình, cho biết: “Chi phí cho một đợt điều trị là rất tốn kém. Mỗi tháng bệnh nhân thường phải lui tới bệnh viện khoảng 2 lần.

Có những người bệnh nặng, mỗi đợt điều trị có khi kéo dài đến 20 ngày”.

 Bác sĩ Huỳnh lý giải nguyên do khiến nhiều người bị bệnh lạ khi tìm vàng tại Đồng Giá.

Bác sĩ Huỳnh lý giải nguyên do khiến nhiều người bị bệnh lạ khi tìm vàng tại Đồng Giá.

Cũng chính bởi điều trị bệnh tốn kém mà theo ông Lê Khắc Nga, nhiều người hết cách nên đã bất chấp nỗi sợ hãi bệnh tật, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền vẫn liều mình vào mỏ vàng Động Giá để tìm vàng.

“Trong đó giờ vẫn có người tìm vàng đấy. Vàng bây giờ cũng cạn kiệt lắm rồi nhưng chẳng còn cách nào khác nên phải liều vậy thôi”, ông Nga chia sẻ.

Vô phương cứu chữa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2009, khi chứng bệnh quái ác trên bùng phát dữ dội thì đã có 5 người bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để kiểm tra.

Khi đó, trực tiếp thăm khám, PGS Lê Thị Tuyết Lan (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) đã khẳng định, tác nhân gây bệnh cho những bệnh nhân này là tinh thể silic tự do thường có trong môi trường lao động độc hại.

Bệnh xuất phát âm thầm, hầu như không có triệu chứng lâm sàng nào trong những năm đầu.

Bệnh nhân có triệu chứng chính là khó thở sau đó bị ho, lúc đầu ho khan, về sau ho có đờm. Triệu chứng ho phụ thuộc vào người bệnh và thời tiết. Bệnh nhân có cảm giác bị tức ngực, thường gặp ở phần dưới ngực, rất khó chịu và có cảm giác như ngực bị bó chặt.

Diễn tiến bệnh bụi phổi silic thường âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm, không thể hồi phục được. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể giúp bệnh nhân bớt khó thở, bớt ho, tránh nhiễm trùng. Về lâu dài khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy và chết.

Cũng theo PGS Tuyết Lan, người bị bệnh bụi phổi silic có thể chết trong vòng 10-20 năm sau khi khởi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chết thường không do bệnh bụi phổi silic mà đa số là do biến chứng của bệnh như dễ bị bệnh lao, viêm phổi, giãn và viêm phế quản…

Theo PGS Tuyết Lan, 5 bệnh nhân ở xã Bình Trị đều ở dạng cấp tính vì họ bị mắc bệnh rất sớm, chỉ sau 2-3 năm tiếp xúc với bụi silic. Điều này cho thấy hằng ngày các bệnh nhân này đã tiếp xúc với khối lượng bụi khổng lồ, có hàm lượng silic đậm đặc.

theo Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP