Đứng bên ruộng lúa nằm về thượng nguồn con suối Khe Lệt, anh Hồ Văn Sang (35 tuổi, trú thôn Làng Hồ, xã Hướng Sơn, Hướng Hóa) lòng đầy xót xa vì mặt ruộng chi chít đá sỏi, cát nên phải bỏ hoang.
Anh Sang cho hay, mùa mưa năm 2015, đá sỏi, cát hòa lẫn trong nước suối, kéo từ mỏ khai thác quặng sắt ở thượng nguồn đổ về, khiến nhiều tấm ruộng của bà con thôn Làng Hồ nằm bên con suối Khe Lệt vốn hiền hòa bị phủ lấp bởi cát sỏi.
“Ruộng này do cha tôi khai hoang năm 1982 để lại cho tôi. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ cũng được một tấn lúa, cả nhà đủ ăn quanh năm”, anh Sang nói. Vụ mùa năm nay, bị bồi lấp hơn 0,5 ha ruộng lúa khiến anh Sang băn khoăn lo cái ăn cho vào dịp giáp hạt tháng 5 đến.
“Ruộng bị đá sỏi bồi lấp, không canh tác được đành để cỏ mọc mà chưa biết làm gì, trồng gì để bù đắp đây”, anh Sang chậc lưỡi.
Với những tấm ruộng bị bồi lấp nhẹ, người dân mất cả tuần lễ để xúc cát khỏi mặt ruộng mới có thể tiếp tục canh tác. Ảnh: Hoàng Táo |
Tương tự, ruộng của ông Hồ Văn Hiền (60 tuổi) trú cùng thôn cũng bị cát sỏi do mỏ khai thác quặng sắt bồi lấp. Ông Hiền cho biết ruộng này ông tự khai hoang hơn 30 năm trước, “là cái ăn của cả gia đình”.
Một số hộ dân khác ở thôn Làng Hồ cũng bị bồi lấp ruộng, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Vào đầu vụ, những hộ này mất gần một tuần để xúc toàn bộ lớp cát phủ lấp mặt ruộng mới có thể tiếp tục canh tác.
Về tình trạng mặt ruộng bị cát, đá sỏi phủ lấp khiến không canh tác được, ông Hồ Văn Tà, Phó chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho hay, nguyên nhân là mỏ khai thác quặng sắt của Công ty cổ phần công nghiệp thương mại và dịch vụ Hoành Sơn ở đầu nguồn gây nên.
Ông Tà thông tin doanh nghiệp này vào địa phương từ năm 2012 nhưng mất 3 năm để mở đường, chặt cây, san ủi mặt bằng và mới khai thác mỏ quặng sắt trong năm 2015. Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng việc khai thác mỏ ở khu vực núi cao, đầu nguồn nước ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Ngoài việc bồi lấp ruộng, cát sỏi kéo về còn khiến lòng suối Khe Lệt bị cạn, gây nguy cơ thiếu nước hiện hữu ngay trước mùa khô năm 2016.
“Doanh nghiệp này chặt cây rừng, cộng với múc đất nên mưa lũ làm đất cát tràn về ruộng của người dân”, ông Tà nói. Việc chặt cây khiến một mảng đất lớn rộng cả trăm mét ở khu mỏ bị sạt lở. Tại hiện trường, do chưa hoàn thổ nên mặt đất bị đào xới thành nhiều hố nham nhở.
Theo thống kê của huyện Hướng Hóa, có tất cả 25 ha ruộng bị bồi lấp, phải bỏ hoang. Kết thúc khai thác thăm dò vào cuối năm 2015, doanh nghiệp này đưa hết máy móc ra khỏi công trường nhưng vẫn chưa hoàn thổ, trồng lại cây rừng như cam kết ban đầu.
Ruộng bị bồi lấp khiến nhiều người dân lo đói giáp hạt vào tháng 5 tới. Ảnh: Hoàng Táo |
“Việc vận chuyển quặng sắt cũng khiến một đoạn đường vào xã Hướng Sơn hư hỏng nặng, khiến huyện chi tiền sửa chữa gần 500 triệu đồng”, ông Hồ Văn Vinh, Phó chủ tịch huyện Hướng Hóa nói.
Vị Phó chủ tịch huyện còn nhận định “việc không san lấp lại vị trí khai thác gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho con người và vật nuôi khi đi qua khu vực này, doanh nghiệp này còn chặt bỏ một số cây ngoài khu vực cấp phép nhưng không trồng lại gây sói mòn, sạt lở nghiêm trọng”.
Huyện Hướng Hóa có văn bản yêu cầu công ty này thực hiện đúng cam kết như trong hồ sơ xin cấp phép khai thác nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trước việc công ty Hoành Sơn đề nghị được tiếp tục cấp phép khai thác quặng sắt tại đây, ông Vinh bày tỏ hoàn toàn phản đối vì việc khai thác ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân.
Trong khi đó, anh Sang và những người dân có ruộng bị bồi lấp chỉ mong muốn doanh nghiệp này “trả lại ruộng cho bà con có cái ăn lâu dài, chứ không cần hỗ trợ hay đền bù”.
Hoàng Táo