Hương Sơn

Đám cưới “dát vàng”: Hạnh phúc được mã hóa bằng vàng?

 

Mấy ngày qua, hình ảnh cô dâu chú rể đeo vô số vòng vàng lên người trong đám cưới được cho là ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đã gây “bão” trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, xã hội đang bị “vàng hóa”, hạnh phúc đôi lứa cũng đang được “mã hóa” bằng vàng?!

>> Cô dâu, chú rể khoe vàng trong đám cưới tại Hương Sơn

Dân mạng "lác mắt" với đám cưới khủng đầy vàng ở Hà Tĩnh - Ảnh 1
Cô dâu xinh đẹp “vất vả” khi nhận được quá nhiều vàng
Một đám cưới “dát vàng” gây xôn xao dư luận.

Đám cưới “dát vàng”, hạnh phúc có “tuổi thọ” bằng vàng?

Theo tìm hiểu của PV, chuyện đám cưới “khủng” với hàng nghìn người tham dự, hàng dài siêu xe, hay những mâm cỗ sơn hào hải vị đã hết thời gây sốc. Tuy nhiên, đám cưới được “dát vàng” của đôi bạn trẻ được cho là ở Hương Sơn, Hà Tĩnh khiến nhiều người không khỏi choáng váng. Điều đặc biệt khiến người xem ngỡ ngàng đó là “vô số” vòng vàng, nhẫn vàng được khoác lên người cô dâu và chú rể.

Ngay sau khi bức ảnh được lan truyền trên mạng, một số trang mạng giải trí Việt đã nhận được hàng nghìn lượt truy cập. Bức ảnh được cho là chụp trong đám cưới của cô dâu H. và chú rể K. tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cặp đôi này ngồi cạnh nhau, cả hai tươi cười, chụp ảnh khoe vòng, nhẫn vàng đeo kín ngón tay, cổ tay. Trên cổ cô dâu còn đeo vô số vòng vàng được lồng vào nhau. Chú rể cũng không kém hoành tráng khi cũng đeo số lượng lớn vòng vàng có mặt lớn trên cổ. Hình ảnh này diễn ra đối lập với sự nghèo khó của đa số vùng quê khu vực miền Trung.

Trước đó, một tấm ảnh cưới của đôi bạn trẻ được cho là ở Lạng Sơn cũng đã gây “bão” trong cộng đồng mạng không kém. Trong tấm ảnh này là sự xuất hiện của “vô số” những vòng vàng, nhẫn vàng trên người cô dâu, chú rể. Thời điểm đó, chỉ sau vài tiếng được đăng tải bởi thành viên của một fanpage trên facebook và ngay lập tức đám cưới “dát vàng” này đã trở thành đề tài nóng bỏng để các thành viên tranh luận với hơn 27 ngàn lượt like, gần 1.500 chia sẻ và 4.689 người comment (bình luận). Đồng thời, các trang fanpage lớn nhỏ khác nhau cũng đua nhau chia sẻ với những lời bình phẩm hài hước pha lẫn mỉa mai.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều về những đám cưới được cho là xa xỉ này. Dường như đám cưới khoe vàng hiện nay giống như là mốt. Gia đình cô dâu, chú rể cho con cái đeo thật nhiều vòng, nhẫn vàng để thể hiện sự giàu có, đời sống sung túc của gia đình trước mặt các quan khách? Cũng có luồng ý kiến cho rằng, nhiều người “sính” vàng, tin vào sự may mắn của vàng nên đã tổ chức đám cưới “dát vàng” thể hiện sự bền lâu hạnh phúc có giá trị như vàng?!

Từng chia sẻ với PV, nghệ sỹ Vượng Râu cho rằng, làm việc đến mức giàu, có của để khoe là tốt. Tuy nhiên, bên cạnh chúng ta còn rất nhiều người khổ. Nhiều gia đình còn phải lo ăn từng bữa một. Nhiều trẻ em không có sách để học, không biết đến bữa cơm có thịt là như thế nào; nhiều trẻ em bị bệnh hiểm nghèo thì đám cưới “dát vàng” là không nên. Người Việt Nam chúng ta vẫn có truyền thống “lá lành đùm lá rách” thay vì khoe của. Ở các nước phương Tây, họ sống thực tế hơn. Những người nổi tiếng, giàu có thật sự, hoặc ít khoe của kiểu như ở Việt Nam”.

Xin đừng “định giá” tình yêu

“Lạm dụng” vàng trở thành một thói xấu xã hội

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hoá và Phát triển cho rằng, văn hoá tốt đẹp trước đây giờ bị biến tướng khá nhiều. Được cho quá nhiều vàng, nhiều người coi là sự bù đắp sự thiếu hụt nào đó của cô dâu. Cô dâu nếu không được đẹp lắm thì xã hội coi có “vàng” là sự bù đắp cho chú rể? Và nó trở thành một thói xấu xã hội. Người ta nghĩ rằng, vàng có thể “định giá” cho cô dâu, cho giá trị xã hội, khiến người ta đua nhau “trang bị” cho cô dâu kim loại quý này”.

Theo nhận định của các chuyên gia, Hà Tĩnh, Lạng Sơn luôn được coi là địa phương còn nhiều khó khăn so với cả nước, song trái lại, đám cưới rình rang, xe siêu sang lại liên tục được xuất hiện ở đây. Chưa cần biết những người được cho là đại gia, giàu có… sản xuất kinh doanh ngành nghề gì và đóng góp ra sao cho Nhà nước, cho xã hội, nhưng việc tiêu dùng xa xỉ so với bối cảnh xã hội chung đã gây nên sự phản cảm.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hoá và Phát triển chia sẻ: “Trong văn hoá người Việt Nam từ khi vàng xuất hiện ở đời sống, con người biết về giá trị của vàng, nó đã được sử dụng rất nhiều trong các hoạt động, nghi lễ của xã hội, trong đó có lễ cưới. Không ai có thể nói chính xác thời điểm nó có từ bao giờ nhưng trong ca dao, tục ngữ người ta dùng sự so sánh vàng với những quan hệ nhân sinh khác như: “Có vàng, vàng chẳng hay phô/Có con, con nói trầm trồ dễ nghe” hay “Giúp cho đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo”, đôi chằm có thể là vàng hoặc bạc. Phong tục của người dân tộc thiểu số, các trang sức quý như bạc trắng cũng được bố mẹ cô dâu tặng con ngày xuất giá. Vàng hay bạc trắng đều là kim loại quý, ít khi biến đổi màu, tượng trưng cho sự lâu bền, cao quý, sự đẹp đẽ; biểu hiện cho sự trang trọng, lâu dài, bền vững của tình yêu đôi lứa, của cuộc hôn nhân. Điều đó cũng là một ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên gần đây, trong các lễ cưới thì không chỉ bố mẹ mà họ hàng, bạn bè cũng tặng vàng cho cô dâu, nét đẹp từ lâu đời đã bị biến tướng”.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, về mặt luật pháp không ai cấm họ làm việc đó vì họ giàu có, họ có điều kiện tặng cô dâu. Và cũng không ai đánh giá họ về mặt đạo đức rằng, cho quá nhiều vàng là xấu xa hay không đẹp về mặt đạo đức. Nhưng từ biểu trưng cho sự trang trọng lâu bền, cao quý thì trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, trong sự biến đổi của giá trị xã hội hiện nay, nhiều khi tặng quá nhiều vàng khiến mất đi cái đẹp về phương diện văn hoá. Người ta có thể dùng vàng để nói lên giá trị của cô dâu, hoặc biểu hiện sự sang trọng của hai gia đình tổ chức đám cưới. Thậm chí đó là sự áp chế về mặt tinh thần với chú rể. Đó cũng là điều không hay.

Chuyên gia xã hội học, TS. Nguyễn Thị Tố Quyên thẳng thắn chia sẻ: “Người ta cho con cái vàng bạc cũng như là một của hồi môn để làm vốn, phát triển kinh tế xã hội. Cũng là biểu hiện tốt đẹp của tình cảm bố mẹ nhưng giờ nó biến tướng khiến các đám cưới “lạm dụng” vàng trở nên kệch cỡm vì sự phô trương không đẹp trong văn hoá và cũng không đẹp trong sự hài hoà với thẩm mỹ, giữa con người với xã hội, giữa vợ với chồng trong điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta cũng chưa phải giàu có đến mức thừa mứa của cải. Đó cũng là một thứ tạo thành phản ứng lây lan không tốt trong xã hội. Ảnh hưởng đến những gia đình không có cũng lại phải đua để có. Nó cũng khiến kinh tế xã hội biến chuyển theo hướng “vàng hoá” ở nhiều hoạt động”.                    T- L

(*Tên nhân vật đã thay đổi)

Thơm – Lan / ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP