Khi tiếp xúc với anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, điều làm chúng tôi bất ngờ đầu tiên là thân thể cứng cỏi, tay chân nhanh nhẹn và trí nhớ tuyệt vời của ông dù đã bước qua tuổi 82. Sau tách trà thăm hỏi, ông Bảy dẫn chúng tôi ra thăm ao cá. Ông Bảy vững chãi đi trên chiếc cầu khỉ bắc qua ao cá để ra ruộng sen mà không cần một sự trợ giúp nào.
Khi nói chuyện, ông Bảy thường dùng cách nói thân thiết của người Nam Bộ (thường xưng tao, gọi mày). Ông nói: “Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ gắn bó với ao cá, bờ sen... Một ngày không lao động là khó chịu, mặc dù cuộc sống bây giờ của tôi, Nhà nước lo rất đủ đầy”.
Đại tá phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy hào hứng kể lại các trận đánh không chiến mà ông lần lượt bắn rơi 7 máy bay của Mỹ vào những năm 1966-1967 |
Nhìn cuộc sống bình dị của ông, chẳng ai ngờ rằng ông Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có thành tích bắn hạ trên 5 máy bay của đối phương.
Kể về cuộc đời theo bộ đội của ông cũng là điều lí thú. Khi 18 tuổi, cha mẹ bắt ông cưới vợ nên ông “hoảng quá”, ôm quần áo theo chân các anh bộ đội, xin đi lính nhưng không được nhận. Cũng may thời đó, ông Bảy có tài bắt cá, bẫy chuột, trồng rau giỏi… Nhờ cái tài này, ông Bảy đã góp công tăng gia, cải thiện bữa ăn cho bộ đội nên đến năm 1954 ông Bảy được chọn vào lính bộ binh.
Theo ông Bảy, thời điểm đó, không quân Việt Nam có một khoảng cách rất lớn với Mỹ nhưng với tinh thần, truyền thống của quân đội, không quân và các lực lượng khác lần lượt chiến thắng đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ |
Đến năm 1958, Trung ương đến chọn ông vào lính phi công. Theo ông Bảy, thời điểm đó, mỗi Sư đoàn chỉ chọn 3 người vào lính phi công và ông chẳng ngờ rằng, một "thằng lính" học mới lớp 3, thuộc tầng lớp bần nông như ông lại được trung ương chọn học lái máy bay.
Ông Bảy kể: “Do đòi hỏi lính phi công phải học tối thiểu lớp 10 để biết tính toán, chuyển động hóa… nên tôi được bồi dưỡng lớp đặc biệt, học 7 ngày lên 7 lớp. Sau đó, tôi được cử đi Trung Quốc học lái máy bay quân sự”.
Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (người thứ ba bên phải) trong một lần cùng các đại biểu Việt Nam hội đàm Chủ tịch Fidel Castro |
Đến năm 1965 ông Bảy trở về Việt Nam thuộc biên chế Trung đoàn không quân tiêm kích 923. Ông Bảy tham gia đánh 13 trận (từ năm 1966-1967) và bắn rơi 7 máy bay Mỹ trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội. Nhờ thành tích này, ông Bảy được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ đó.
Sau chiến công ấy, Chỉ huy có lệnh cho ông ngưng chiến đấu; sau đó cho ông đi học chỉ huy ở Liên Xô. Ông Bảy nói: “Khi bắn hạ được 7 máy bay, tao hăng lắm. Bởi vậy khi Chỉ huy không cho lái máy bay chiến đấu nữa, tao ức lắm! Nhưng bây giờ mới hiểu, Chỉ huy muốn giữ mình lại để truyền kinh nghiệm cho lứa sau, giữ mình lại để làm nhân chứng sống như bây giờ”.
Giây phút đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy gặp lại cô con gái nuôi người Mỹ. Cô gái này là con của một người lính phi công Mỹ mà ông từng bắn rơi máy bay |
Theo ông Bảy, chiến tranh đã qua đi, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa và tốt lên rất nhiều. Với ông cũng như bao người lính Việt Nam, căm thù chiến tranh, căm thù những người đã tạo ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, chứ ông không hề căm thù người Mỹ. Bởi thế, một trong những phi công Mỹ bị ông bắn rơi khi xưa đã dẫn con gái về Việt Nam thăm ông và ông Bảy đã nhận cô gái đó làm con nuôi đến giờ.
Đại tá phi công anh hùng nay vui vầy bên đồng ruộng... |
Khi chúng tôi nhắc đến ngày 27/7 - ngày Thương binh liệt sĩ, ông Bảy nói: “Tôi không phải thương binh hay bệnh binh gì nhưng với tôi, ngày 27/7 là ngày vô cùng đặc biệt. Vì có biết bao người lính, người anh, người chị… đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do của đất nước. Bởi thế, lớp trẻ hôm nay các cháu phải tiếp tục truyền thống đó, phải ra sức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước, tùy theo vị trí của mình”.
Năm nào cũng vậy, đến chiều 26/7 hoặc trễ lắm là sáng 27/7, ông mặc quân phục chỉnh tề đến thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang huyện Lai Vung. |
Ông Bảy nói, hiện nay vẫn nghe cán bộ nói có nhiều thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự. “Cán bộ, cha mẹ phải giáo dục lại việc này. Chính quyền địa phương phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để các cháu thấy rõ trách nhiệm của mình với đất nước, các cháu phải xung phong lên đường nhập ngũ, không né tránh” - ông Bảy nhắn gửi.
Ông Bảy nói xong, hốt một nắm thức ăn rải xuống ao cá. Từng đàn cá rô phi, cá chép, cá tra… nổi lên, tranh nhau đớp thức ăn, nước bắn tung tóe. Ông Bảy cười hiền khô, rõ thật nhân cách người lính Cụ Hồ ngời sáng!
Tác giả: Nguyễn Hành
Nguồn tin: Báo Dân trí