Điều này cũng dễ hiểu khi năm qua xảy ra hàng loạt vụ lùm xùm liên quan tới việc bổ nhiệm cán bộ vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận lâu nay. Có thể dẫn ra hàng loạt vụ đình đám, như vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh được "bổ nhiệm thần tốc" do có sự "nâng đỡ không trong sáng" hay vụ "thăng tiến như vũ bão" của ông Lê Phước Hoài Bảo… Thậm chí, có cán bộ cấp cao như ông Nguyễn Xuân Anh cũng bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng do có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, trong đó có việc thiếu trung thực về bằng cấp. Ngoài các vụ việc trên là những vụ "cả họ làm quan", "cả sở làm quan" không kém phần xôn xao kèm sự bất bình trong dư luận nhân dân cả nước.
Điều đáng nói là với hầu hết các vụ việc "chạy chức, chạy quyền" khi mới rộ lên thông tin đều được giới chức liên quan trực tiếp khẳng định rằng "đúng quy trình". Thậm chí như trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo còn được cơ quan cấp bộ "đóng dấu chứng nhận" đúng quy trình!
Thế nhưng, khi rọi chiếu ánh sáng của "thanh gươm kiểm tra" đã lập tức lộ những vi phạm phía sau tấm bình phong đúng quy trình. Có những nhân sự được bổ nhiệm rất nhanh lên cấp cao ở địa phương song thiếu không chỉ một mà nhiều điều kiện, tiêu chuẩn. Việc cả sở có 46 biên chế mà bổ nhiệm tới 44 cán bộ giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau… Vì sao vi phạm rành rành ra thế mà vẫn lọt qua được quy trình vốn liên tục được hoàn thiện?
Đúng là mỗi nhân sự, cán bộ khi được quy hoạch, đề bạt đều phải trải qua một quy trình chặt chẽ, nhiều tầng nấc với quyết định cao nhất là của một tập thể lãnh đạo. Tuy nhiên, cũng từ những trường hợp đề bạt, bổ nhiệm sai đã bị lộ cho thấy công tác cán bộ còn nhiều lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó lỗ hổng lớn nhất là chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực nhằm chống chạy chức - quyền một cách hiệu quả. Danh nghĩa công tác cán bộ là quyết định của tập thể cấp ủy nhưng do quyền lực không được kiểm soát nên quyền quyết định thực chất chỉ do một nhóm nhỏ, thậm chí là của một lãnh đạo.
Phòng chống có hiệu quả nạn "chạy chức, chạy quyền" để hướng tới 4 không: không thể "chạy", không dám "chạy", không cần "chạy" và không muốn "chạy" thì điều cốt tử là phải kiểm soát bằng được quyền lực. Đó chính là thứ thuốc đặc trị nạn này. Cách thức tốt nhất để kiểm soát quyền lực khiến những người hay nhóm người có quyền không thể mặc nhiên làm theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm là phải công khai, minh bạch.
Có cơ chế giám sát thật chặt chẽ cùng sự phản biện, theo dõi của người dân và báo chí truyền thông thì không một quyền lực hắc ám nào có thể tự tung tự tác. Công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ lãnh đạo luôn có ý nghĩa rất quan trọng, do đó phải làm sao cho quy trình này phải là quy trình mở chứ không phải quy trình khép kín.
Tác giả: PHAN ĐĂNG
Nguồn tin: Báo Người lao động