Nông Thôn Hà Tĩnh

Cữa Sót – Thạch Kim: “Ngôi nhà chung” mùa tránh bão

Mưa bão kéo theo bao hiểm nguy rình rập, đặc biệt là đối với những ngư dân suốt tháng ngày mưu sinh trên sóng nước. Để đánh bắt được nhiều cá tôm, không ít lần họ phải đối mặt với biển động, sóng trào, thậm chí rủi ro, phải đánh đổi cuộc đời mình vì nghiệp biển. Bởi vậy, vào những lúc bầu trời chưa yên, biển liên tục dậy sóng, âu thuyền tránh trú bão Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh như một ngôi nhà chung để ngư dân trên khắp mọi miền về đây neo thuyền tránh bão.

 
 Ngày mưa bão, âu thuyền Cửa Sót luôn tấp nập tàu thuyền về đây trú bão.

Mưu sinh mùa biển động

Thiên nhiên đặc ân ban tặng cho vùng biển Cửa Sót một dáng vẻ kỳ vĩ, nên thơ. Ở đó có núi Nam Giới trấn ngự phía Đông Nam, núi Bằng Sơn nằm phía Tây Bắc như những bức trường thành bao bọc, chở che cho ngư dân trước sóng gió, triều cường. Mùa mưa bão, biển ầm ào dội sóng. Từng đợt sóng từ ngoài khơi liên tục dồn về tung bọt trắng xóa như muốn thách đố bất cứ ai dám coi thường sóng dữ. Thế nhưng, khi vào âu thuyền Cửa Sót, mặt biển trở nên phẳng lặng, chỉ có những làn sóng nhẹ vỗ ộp oạp mạn thuyền.  Đến với biển mới cảm nhận được rằng nghề đi biển thật gian nan, ngư dân không quản ngại thức khuya, dậy sớm mà chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, khoang thuyền cá tôm đầy ắp. Biển rộng lớn bao la, biển cung cấp một nguồn lợi thủy sản dồi dào nuôi sống và làm đổi đời nhiều thế hệ ngư dân. Và đã không ít lần biển dậy sóng cướp đi tất cả, để lại bao nỗi đau thương cho cả loài người. Năm nay, tần suất bão diễn ra nhiều hơn, sức tàn phá cũng khủng khiếp hơn so với nhiều năm về trước. Bởi vậy, việc tránh trú bão, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản luôn được các ngư dân đặt lên hàng đầu.

Ông Trần Quang Vinh, ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, chủ thuyền HT 90138TS cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngư dân được hỗ trợ nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ nên bà con chúng tôi đã yên tâm hơn khi bám biển”. Thuyền của ông có công suất 115CV với 7 thuyền viên, tham gia đánh bắt xa bờ khoảng 20 hải lý. Theo ông Vinh, nếu gặp thời tiết thuận lợi, mỗi chuyến đi biển từ 3-5 ngày, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi thuyền viên có thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng. Còn như những ngày vừa qua, trên ngư trường liên tục sóng gió nên ông quyết định về neo đậu thuyền ở âu tránh trú bão Cửa Sót. Mùa mưa bão thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày, song với ông Vinh, cái được hơn hết là phải đảm bảo an toàn cả người lẫn phương tiện để ngày mai, ngày kia có thể tiếp tục rong ruổi trên sóng nước.

Cùng quan điểm với ông Vinh, trong giọng nói sang sảng của người dân vùng biển xứ Thanh, ông Hoàng Thạch, quê ở thị xã Sầm Sơn, chủ thuyền TH 0904 cũng không ngớt lời trầm trồ với chúng tôi về nghề đi biển. Vừa kéo xong một hơi thuốc lào thật sâu, ông nói như để phân trần rằng, cả cuộc đời ông gần như gắn bó cùng sóng nước, nếm đủ bao chuyện vui buồn. Vui khi tiết trời thuận lợi, đánh bắt được nhiều cá tôm, vui khi mái tóc đã muối tiêu, nhưng sức vóc vẫn cường tráng. Còn nỗi buồn, đó là những lúc sóng gió, các thuyền viên phải tất tưởi neo thuyền cập bờ để bảo toàn tính mạng. Với ông Thạch, đánh bắt cá ở vùng biển vịnh Bắc bộ nếu gặp thời tiết bất thuận thì neo thuyền ở âu tránh trú bão Cửa Sót là thuận lợi nhất. Bởi sau nhiều lần về đây cư trú, dù là thuyền ngoại tỉnh nhưng ông luôn được đón nhận những tình cảm, sự giúp đỡ trong khi neo đậu cũng như các điều kiện cần thiết khác từ phía cấp ủy, chính quyền, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh và toàn thể ngư dân. Còn nếu như không tìm được một nơi neo đậu an toàn như những ngày ở âu thuyền Cửa Sót thì rất khó tránh khỏi những hệ lụy khó lường, khi giữa biển khơi sóng cả, thuyền lớn, thuyền nhỏ đều không thể nào vượt qua.

 
 Lực lượng BĐBP Hà Tĩnh tuyên truyền, vận động ngư dân tránh trú bão.

Điểm đến an toàn

Mùa mưa bão năm nay, âu thuyền Cửa Sót nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tàu thuyền từ khắp mọi nơi như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và thậm chí từ Quảng Ngãi, Bình Định cũng về đây neo đậu. Tàu thuyền nhiều chủng loại đỗ san sát bên nhau, âm thanh giọng nói của ngư dân đến từ nhiều vùng quê cũng khác nhau chút ít, song có một điểm chung là trên thuyền tất cả đều giương cờ Tổ quốc lên cao. Niềm kiêu hãnh của màu cờ đỏ thắm, hoà lẫn với từng rặng cây đước xanh ngắt và màu nước bàng bạc mùa biển động khiến cho tôi có cảm giác không gian nơi đây ấm cúng đến lạ kỳ. Vừa dẫn đoàn cán bộ, chiến sĩ đến thăm hỏi bà con ngư dân, Đại úy Hoàng Minh Thảo, Đồn trưởng Đồn BP Cửa Sót cho hay: Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo, thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, kiểm tra phương tiện đường thủy gắn với cứu hộ, cứu nạn nhân dân. Mùa mưa bão hằng năm, đồn luôn chủ động nắm bắt diễn biến của thời tiết để kịp thời kêu gọi các tàu thuyền trên biển trong phạm vi quản lý vào âu thuyền tránh trú bão. Đối với tàu thuyền ngoại tỉnh, chúng tôi tập trung hướng dẫn phân luồng, tạo mọi điều kiện để bà con neo đậu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng gây mất trật tự an ninh nơi cửa biển.

Âu thuyền tránh trú bão Cửa Sót có chiều dài hơn 1km với sức chứa từ 400- 500 tàu thuyền. Sau  nhiều năm đưa vào sử dụng, âu thuyền đã góp phần giúp đỡ ngư dân trú bão an toàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tú Anh, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: Ưu điểm vượt trội của âu thuyền là có dãy núi Nam Giới án ngữ, chở che phía ngoài nên khi bão đổ bộ vào đất liền đã giảm xuống từ 1-2 cấp gió. Vào những ngày mưa bão, tàu thuyền vào tránh trú rất đông, có khi tàu ngoại huyện, ngoại tỉnh chiếm đến 2/3 số lượng. Bên cạnh đảm bảo an toàn nghề cá cho ngư dân, âu thuyền còn cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: Kho cấp đông lạnh, kinh doanh mua bán tổng hợp… Để tạo thuận lợi cho ngư dân yên tâm tránh bão, các cấp, các ngành ở huyện Lộc Hà luôn quan tâm, giúp đỡ bà con neo giằng tàu thuyền, cung cấp điện chiếu sáng, sắp xếp chỗ ở tạm thời và đảm bảo giữ vững an ninh, vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão.

Biển động, sóng trào gây không ít khó khăn cho ngư dân khi cuộc sống, sinh hoạt của họ chỉ trông chờ vào biển khơi bao la. Mùa biển động ập đến, rồi lại sắp trôi qua để nhường chỗ cho bầu trời xanh trứng sáo, cho sóng gợn xa xăm nâng đỡ tàu thuyền ra khơi, vào lộng. Thêm một chiếc thuyền rời xa bến đỗ, âu thuyền Cửa Sót sẽ không còn nhộn nhịp như những ngày mà lớp lớp ngư dân kéo về đây tránh sóng gió, hiểm nguy. Song, âu đó cũng là ước nguyện bao đời của người đi biển. Họ chỉ cầu mong cho trời yên, biển lặng để tiếp tục đánh bắt, mang về đất liền niềm vui trọn vẹn sau mỗi chuyến ra khơi.

Nguyễn Văn Chương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP