Pháp luật

Con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống để nhận thừa kế

Khi có tranh chấp đất với con dâu, ông Hợp đến phường tìm hiểu giấy tờ mới hay vợ chồng ông bị khai báo với chính quyền rằng "đã chết".

Ông Đỗ Văn Hợp (85 tuổi, trú phường Nhật Tân, Hà Nội) đang gửi đơn kêu cứu về việc vợ chồng ông đang sống mà bị con dâu khai báo với chính quyền rằng đã chết cách đây 11 năm.

Ông Đỗ Văn Hợp nói mình đang sống mà bị con dâu khai báo đã chết. Ảnh: Phạm Dự.

Ông Hợp nói, người con trai cả chết năm 2005 do bệnh hiểm nghèo. Năm 2015, con dâu cả bán căn nhà ba tầng được xây dựng trên mảnh đất gần 200m2 mà ông bà chia cho vợ chồng chị này làm "của hồi môn". Ông không đồng ý nên tìm hiểu lại giấy tờ và phát hiện con dâu đã đến phòng Công chứng số 3 Hà Nội làm thủ tục kê khai nhận di sản từ năm 2006.

Cầm trên tay bản kê khai nhận di sản, ông Hợp "sốc đến ngất xỉu" khi con dâu khai báo vợ chồng ông đã chết.

"Hai cháu gái nội tôi cũng cùng với mẹ nó ký vào xác nhận rồi được phòng Công chứng số 3 Hà Nội gửi lên UBND phường Nhật Tân chứng thực", ông Hợp nói và cho hay nhiều năm nay không rõ con dâu cả đang ở đâu.

Ông Hợp dán giấy trước căn nhà không đồng ý con dâu bán. Ảnh: Phạm Dự.

Người phụ trách hồ sơ công chứng thời đó là ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng văn phòng công chứng số 3 Hà Nội giải thích với VnExpress rằng con dâu ông Hợp trình bày bố mẹ chồng chết từ lâu nên không có giấy chứng tử. "Ba mẹ con chị này cam đoan không còn người thừa kế nào khác và chịu trách nhiệm về việc này nên công chứng viên làm việc theo quy định pháp luật", ông Tú nói.

Theo ông Tú, công chứng viên gửi thông báo về UBND phường Nhật Tân để xác minh, niêm yết công khai trong thời gian một tháng. “30 ngày sau, UBND phường trả lời là không có khiếu kiện nên công chứng viên xác nhận”, ông Tú nói và cho biết đang làm việc với nhà chức trách để làm sáng tỏ thêm vụ việc.

Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Văn Thành, nguyên cán bộ tư pháp phường Nhật Tân (nay là Chủ tịch HĐND phường) nói, ngày đó ông xác nhận vì biết con dâu ông Hợp đang sống tại phường, "chứ hoàn toàn không biết bố mẹ chồng chị này còn sống nhưng lại bị khai là chết".

“Theo thông tư 03/2001 do Bộ Tư pháp ban hành chúng tôi không có trách nhiệm phải đi xác minh mà chỉ niêm yết ở phường 30 ngày xem có tranh chấp hay không”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho hay, đây là sự cố hy hữu và "UBND phường không sai". “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về con dâu ông Hợp vì đã gian dối. Tiếp theo là phòng công chứng số 3 vì vi phạm về mặt quy trình, thủ tục khi không xác minh rõ ràng”, ông Thành khẳng định.

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, theo Bộ luật Dân sự 2015, khi chia thừa kế theo di chúc hay pháp luật thì con dâu cũng không thể hưởng toàn bộ di sản thừa kế của chồng để lại nếu như bố mẹ chồng còn sống.

Theo luật, khi thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế, công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu về nhân thân, tài sản... của vụ việc mà đương sự xuất trình. Việc kiểm tra (bằng khả năng nhận biết của mình) để xác định tài liệu, giấy tờ có bị làm giả hay sửa chữa, tẩy xóa không. Trong trường hợp có nghi ngờ về tính chân thực của tài liệu, công chứng viên có quyền chuyển tài liệu đó đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Phạm Dự

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP