Nhiều năm công tác trong một viện dưỡng lão ở Hoàng Mai, Hà Nội, chị Đoàn Phương Anh (SN 1988) từng chứng kiến không ít những câu chuyện xúc động. Trong đó, chị đặc biệt ấn tượng với trường hợp một gia đình giàu có ở quận Hoàng Mai.
Chị Phương Anh chia sẻ: “Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn (87 tuổi). Vợ chồng bà đều là công chức về hưu, họ có 2 con. Cách đây 15 năm, chồng bà lâm bệnh nặng qua đời. Từ đó, bà sống một mình.
Tuổi già sức yếu, cuối cùng bà quyết định bán căn nhà đang ở để chuyển về sống cùng vợ chồng người con trai trong một căn biệt thự ở quận Hà Đông, Hà Nội. Vợ chồng người con trai này rất giàu có. Vì vậy khi bà Nhàn về sống cùng, vợ chồng anh thuê hẳn một người giúp việc để chăm sóc bà.
Ban đầu, cuộc sống của mẹ chồng và con dâu chưa nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Thế nhưng sống được gần 2 năm, bà Nhàn trở nên lú lẫn, khó tính từ nết ăn, nết ở.
Trong viện dưỡng lão, các cụ ông, cụ bà được giao lưu, trò chuyện với nhau (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bà thường quên mất bản thân đang làm gì, cũng không điều khiển được việc ăn uống, vệ sinh khiến nhà cửa bừa bộn, đồ đạc ngổn ngang. Nhiều lần ăn cơm rồi bà vẫn nói chưa ăn, bà than phiền người giúp việc không chu đáo, con cái không quan tâm…. khiến cô con dâu vô cùng khó chịu.
Một ngày khi vừa đi làm về, người con dâu nói rằng chị thấy mệt mỏi với cách sống của mẹ chồng. Chị nói: “Từ hôm nay, người giúp việc sẽ nghỉ việc, mẹ nên vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn”.
Chị Phương Anh kể tiếp: "Thời gian đầu vào viện dưỡng lão, bà Nhàn buồn bã, hay cáu gắt rồi khóc. Tuy nhiên sau một thời gian được chăm sóc sức khỏe, ăn uống và vận động bà đã dần thấy thoải mái hơn. Đặc biệt, ở môi trường mới có nhiều bạn bè cùng tuổi và nhiều hoạt động dành cho người già khiến tinh thần của bà dần vui vẻ, lạc quan hơn".
Người con dâu, sau khi thấy mẹ chồng vào viện dưỡng lão, chị cảm thấy day dứt. Trong một lần vào thăm mẹ chồng, chị cầm tay bà khóc nức nở và nói lời xin lỗi. Chị muốn đón bà về để chăm sóc những ngày cuối đời.
Thế nhưng bà Nhàn không hề giận dỗi con dâu, bà nói: 'Ở đây mẹ vẫn mạnh khỏe, được chăm sóc chu đáo. Thương mẹ, các con sống tốt, yên tâm làm việc là mẹ hạnh phúc lắm rồi’.
Bà cũng từ chối lời đề nghị của con dâu bởi bà nói, ở đây bà mới có bạn bè, có sự cảm thông và những tiếng cười hiếm hoi ở tuổi già.
Trước cử chỉ đầy ân cần, bao dung của người mẹ chồng từng khắt khe, khó tính, cô con dâu không khỏi xúc động. Từ đó những lúc rảnh rỗi, chị vào viện dưỡng lão thăm mẹ thường xuyên hơn.
Chị Phương Anh cho hay, ở các thành phố lớn những người trẻ thường bận rộn công việc, học hành trong khi người già thừa thời gian nhưng lại thiếu các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội.
"Qua câu chuyện này, chúng tôi cũng muốn thay đổi định kiến của nhiều người về viện dưỡng lão để họ không còn nghĩ rằng cứ đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, thiếu trách nhiệm. Thay vào đó, con cái nên gần gũi để hiểu thêm tâm tư cha mẹ và hướng họ vào những hoạt động tập thể, cộng đồng để họ thấy mình còn khỏe, có ích và yêu đời hơn”, chị nói.
Những câu chuyện cảm động về những người già trong viện dưỡng lão cũng được anh Đỗ Xuân Thắng (SN 1987), quản lý điều dưỡng chia sẻ.
Anh cho biết: "Các cụ vào đây đều sống trong gia đình có điều kiện, con cháu thành đạt bởi vậy họ không tiếc tiền mua đủ của ngon vật lạ để bồi bổ cho cha mẹ.
Khi vào viện dưỡng lão, các cụ đều giữ thói quen, sinh hoạt ăn uống này khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Có cụ mắc chứng béo phì vì từ ngày còn ở nhà cụ được ăn uống thoải mái, bất kể giờ giấc.
Khi vào trung tâm phải ăn theo thực đơn thì cụ không muốn tuân thủ. Cụ đòi ăn những món yêu thích như thịt chó, trứng vịt lộn… bất cứ khi nào thèm. Khi không được đáp ứng cụ lớn tiếng mắng mỏ, làm ầm ĩ cả viện”.
Ấn tượng nhất với anh là trường hợp bà T. (Thanh Xuân, Hà Nội). "Đó là khách hàng nhiều tình cảm mà cũng là người khiến chúng tôi khó khăn nhiều nhất trong quá trình chăm sóc”, anh nói.
Bà T. cảm thấy không hài lòng với điều dưỡng viên nào bà sẽ làm mọi cách để người đó không được phục vụ bà. Ví dụ bà gây khó dễ bằng cách thường xuyên khiếu nại với ban lãnh đạo người này bớt khẩu phần ăn của bà.
Một hoạt động trong viện dưỡng lão (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Theo đó, mỗi bữa cơm bà lại than phiền: “Cô ấy cho tôi ăn có 2 miếng thịt, bắt tôi ăn toàn rau. Cô ấy ăn hết phần thức ăn của tôi”. Không chỉ thế, mỗi lần điều dưỡng viên vào phòng chăm sóc bà lại kêu mất tiền và khẳng định người lấy không ai khác là cô phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bà.
Một trường hợp khác là bà D. (75 tuổi). Bà bị suy giảm trí nhớ nên gây ra những chuyện cười ra nước mắt ở viện dưỡng lão. Theo đó, con, cháu và người thân vào thăm thường biếu bà sữa, bánh… Mỗi lần có quà bà lại đem sang chia phần cho những người bạn thân thiết.
Tuy nhiên do nhớ trước quên sau, sau khi chia hết cho các bạn, bà về phòng ngồi chơi và quên hết chuyện cũ. Lát sau, bà lại đi tìm sữa, bánh… Không tìm được, bà lại trách mắng nhân viên lấy trộm hết đồ của bà.
Với những bệnh nhân cao tuổi, răng yếu, nhân viên phải xay nhuyễn và bón bằng thìa. Tuy nhiên bà H. lại không tin tưởng vào điều dưỡng viên. Bà cho rằng các nhân viên sẽ bớt phần thịt, cá, không cho bà ăn đúng tiêu chuẩn. Bà buộc phải xay trước mặt để bà nhìn mới yên tâm.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Thắng, các cụ ở đây cũng rất tình cảm. Nếu quý nhân viên nào các thường xuyên hỏi han, trò chuyện. Nếu có ai biếu hoa quả, thức ăn… họ đều để phần cho điều dưỡng viên ấy. Dù điều dưỡng không nhận cụ cũng dúi vào tay để nhận bằng được.
*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu
Tác giả: Lê Thúy - Ngọc Trang
Nguồn tin: Báo VietNamNet